| Hotline: 0983.970.780

Chuyện 'rũ bùn đứng dậy sáng lòa' ở Tam Thuấn

Thứ Sáu 10/08/2018 , 08:05 (GMT+7)

Tam Thuấn là xã miền bãi của huyện Phúc Thọ, kinh tế thuần nông lại nằm trong vùng phân lũ sông Hồng chuyên “gánh” nước cho khu vực nội thành Hà Nội nên trước đây rất khó khăn.

Ngày ấy đường làng lầy lội, khó đi, mương máng thủy lợi nội đồng bằng đất, SX chủ yếu thủ công, tư duy người dân tụt hậu.

Khi có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) về xã, cán bộ cùng nhân dân vừa phấn khởi lại vừa lo. Phấn khởi là bởi biết một cơ hội để đổi đời, thoát cảnh nghèo khó, đơn độc đã đến. Lo lắng là bởi trên cái nền móng kinh tế khó khăn ấy, xây cái gì cũng có thể không thành.

17-27-01_dsc_8463
Cảnh ngày mùa ở ngoại thành Hà Nội

Xã thành lập Ban chỉ đạo NTM, xây dựng kế hoạch, đề án với phương châm có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải bởi quá biết “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Ngoài việc học tập chuyên đề NTM cho các chi bộ, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch còn được nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Những nội dung, khoản mục đều công khai dân chủ để nhân dân hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm bản thân, cộng đồng làng xã. Mặc dù đã được nhân dân ủng hộ nhưng trong quá trình thực hiện NTM khó khăn nhất mà Tam Thuấn vấp phải là tiêu chí số 10 về thu nhập bình quân đầu người.

Nội dung công tác đồn điền đổi thửa tuy không phải là một tiêu chí của NTM nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trước đây đất nông nghiệp của xã được chia theo cách có gần, có xa, có dễ, có khó và được phân ra thành nhiều hạng. Vì vậy mỗi hộ gia đình có từ 8 - 12 thửa, thậm chí có những ô thửa chỉ có 40m2.

Đường đi lối lại không có, mương dẫn nước theo dạng tràn bờ, SX gặp muôn vàn khó khăn nhưng nghịch lý là ban đầu người dân không chấp nhận dồn điền đổi thửa, tỷ lệ đồng thuận thấp.

Cũng là do tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, có biểu hiện bon chen, ích kỷ, sợ thiệt thòi, chưa thực sự tin tưởng vào cấp trên. Nhận thức được điều đó, Đảng ủy, UBND, BCĐ xây dựng NTM của xã đã đưa cán bộ và đại diện hộ gia đình đi tham quan thực tế các mô hình tập thể, cá nhân đã thực hiện thành công dồn điền đổi thửa cũng như các xã đã xây dựng NTM.

Mặt khác cán bộ từ xã đến thôn kiên trì, nhẫn nại đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, phân tích điều hay lẽ phải, giải quyết những băn khoăn, bức xúc và lắng nghe những kiến nghị của dân. Các buổi sinh hoạt cộng đồng được tổ chức thường xuyên để lắng nghe và giải quyết kịp thời những ý kiến và nguyện vọng người dân.

Ông Trịnh Văn Thùy, Bí thư Chi bộ thôn Nội - một thôn lớn trong xã với trên 600 hộ kể trải qua nhiều cuộc họp đến tháng 2/2015 cơ bản người dân đã đồng thuận dồn điền đổi thửa. Kết quả, mỗi hộ gia đình chỉ còn 1 - 2 thửa.

Giờ ruộng nào cũng có đường giao thông, mương máng nội đồng thuận tiện giúp cho bà con làm ăn. Họ áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến khi thu hoạch, giảm chi phí, thời gian và công sức SX.

Dồn điền đổi thửa cũng là cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, SX theo vùng tập trung, khu trồng lúa, khu trồng hoa, khu cây ăn quả, khu rau… Hiện tại có nhiều hộ gia đình thu nhập từ 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, có hộ trồng hoa ly thu 1,5 tỉ đồng/ha/năm.

Các vườn trại ra đời, có việc làm ổn định, người nông dân dần chuyển sang hướng công nhân nông nghiệp, xóa đi những mặc cảm trước đây là nông dân chỉ biết cổ cày vai bừa, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thay đổi hoàn toàn lề lối làm ăn, tư duy lạc hậu.

Ngoài ra đối với các hộ có nhân lực nhưng ít ruộng đất thì mạnh dạn vay vốn mở xưởng cắt may, xưởng mộc, xưởng cơ khí thu hút được nhiều lao động tham gia SX.

Cơ sở vật chất hạ tầng và các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, tạm được tu bổ khang trang. Đường giao thông nông thôn bê tông hóa 100%, có đèn thắp sáng. Vệ sinh môi trường đảm bảo, trẻ em đến tuổi được đi học 100%, nếp sống văn hóa mới đã đi vào cuộc sống ở Tam Thuấn.  

Đến cuối năm 2016 xã Tam Thuấn được chấm điểm đạt chuẩn NTM, chính thức “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.