| Hotline: 0983.970.780

Chuyển rừng phòng hộ thành khu bảo tồn

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:58 (GMT+7)

UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi BQL RPH Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt.

“Cần chuyển đổi BQL Rừng phòng hộ Quế Phong thành BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất, tài nguyên môi trường rừng và nhân lực của BQL Rừng phòng hộ Quế Phong. Những ý kiến đóng góp của các ban ngành, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục được bổ sung hoàn chỉnh để trình lên UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất”, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa đưa ra kết luận.

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2013; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010; Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006; Trên cơ sở công văn số 3397/BNN-TCLN và xét đề nghị của Sở NN-PTNT tại Tờ trình số 2778/TTr-SNN ngày 26/12/2012, UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi BQL RPH Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt.

Quế Phong là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh Nghệ An với 177.727,4 ha (chiếm 94% diện tích tự nhiên), trong đó rừng SX 80.830,1 ha, rừng phòng hộ 56.779,8 ha, rừng đặc dụng 40.117,5 ha; còn diện tích đất có rừng là 141.784,8 ha ( chiếm 79,77%).

Phần lớn diện tích rừng phòng hộ do BQL RPH Quế Phong quản lý (50.262,7 ha) nằm trên địa bàn 8 xã: Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ.


Buổi lễ ra mắt Khu BTTN Pù Hoạt

Mục tiêu chuyển đổi BQL RPH Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt là để trên địa bàn chỉ có một chủ rừng Nhà nước đủ tư cách và điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo tồn khu rừng đặc dụng và quản lý, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ hiện có theo quy định của pháp luật.

Rừng đặc dụng chủ yếu tập trung ở vùng Pù Hoạt thuộc địa bàn 5 xã: Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ có tổng diện tích tự nhiên 36.266,0 ha; trong đó đất lâm nghiệp lên đến 35.723,0 ha với hàng ngàn loài động thực vật quý hiếm, mang tính chất nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng Tây Bắc Nghệ An.

Tuy nhiên, vì xung quanh là địa bàn sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số, công việc hàng ngày dựa vào khai thác tài nguyên rừng nên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ khu rừng đặc dụng vẫn do chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm sở tại đảm nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Vì thế, việc chuyển đổi BQL RPH Quế Phong thành BQL Khu BTTN Pù Hoạt là hết sức cần thiết.

Khu rừng đặc dụng Pù Hoạt có tính đa dạng sinh học cao, có 763 loài thực vật, có hơn 30 loài được ghi vào sách đỏ VN như trai, sến mật, táu, trò chỉ, tô hạp...

Thực vật hạt trần bước đầu khảo sát được 7 loài, trong đó có 4 loài quý hiếm như pơ mu, bách xanh, kim giao và sa mu. Điều đáng nói là những quần thể sa mu ở Pù Hoạt có đường kính rất lớn, trung bình 1,5 m , chiều cao trung bình 45 m, thậm chí có cây đường kính trên 2,8 m, cao hơn 50 m.

Động vật rừng cũng rất phong phú và đa dạng với 176 loài động vật có xương sống thuộc 4 lớp: Thú có 45 loài, chim 131 loài, bò sát 11 loài, lưỡng cư 6 loài. Khu BTTN Pù Hoạt có 45 loài thú, nổi bật là voi, hổ, báo hoa mai, báo gấm...

BQL khu BTTN Pù Hoạt có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhà nước, đồng thời tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng các biện pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan..., phải chịu trách nhiệm trước Sở NN-PTNT, trước Nhà nước về tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Rất nhiều khó khăn thách thức đang chờ đón nhưng BQL Khu BTTN Pù Hoạt hoàn toàn tin tưởng vào thành công ở phía trước. Ông Nguyễn Danh Hùng, Trưởng BQL Khu BTTN Pù Hoạt khẳng định: “Mọi việc mới chỉ bắt đầu nên khó khăn không phải là ít. Tuy nhiên lợi thế của Pù Hoạt là nhận được sự quan tâm lớn từ phía tỉnh và Sở NN-PTNT, chúng tôi nỗ lực hết mình, không phụ niềm tin được giao phó”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất