| Hotline: 0983.970.780

Chuyện rượu ở Xóm Củi

Thứ Hai 15/10/2012 , 10:52 (GMT+7)

Với người ở Xóm Củi, khi rừng không còn củi mà đốn nữa, thì họ chuyển sang “nghề”... uống rượu.

Những địa danh như: Xóm Bún, Xóm Mắm, Xóm Tứ Bàn, Xóm Củi, Xóm Lò Rèn… đã làm nên những nét rất riêng của “đất Tam Kỳ”. Bây giờ người làm bún còn nhiều, người làm nghề rèn còn lại một ít, người làm mắm cũng vậy. Nhưng với người ở Xóm Củi, khi rừng không còn củi mà đốn nữa, thì họ chuyển sang “nghề”... uống rượu.

Nhậu cả với ớt

Tôi gọi đó là “nghề”, mặc dù có hơi chút chua chát nhưng nếu xét ra thì đúng tới một trăm lẻ một phần trăm. Bởi họ uống rượu đúng như cái cách các công chức đi làm việc hằng ngày vậy.

Bán tín bán nghi, tôi đã đến tận nơi để mục kích. Xóm Củi là một thẻo đất nằm bên dòng sông Ba Ta, phía bên kia là Cồn Thị nghèo khó, phía bên này là Xóm Củi tiếp giáp với Xóm Mắm và Xóm Lò Rèn (thuộc phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam).

Mới hơn 3 giờ chiều, khi ánh nắng ban chiều còn chói chang, những quán nhậu trên đường Bạch Đằng dọc theo con sông đoạn ngang qua Xóm Củi ấy đã có bàn ghế la liệt và các loại mồi nhậu đã sẵn sàng để phục vụ thực khách.

Tôi tìm đến quán cà phê giải khát kiêm luôn quán nhậu của ông Năm Minh để tìm hiểu tình hình, bởi theo lời giới thiệu của các đệ tử lưu linh chính gốc tại Xóm Củi cho biết thì quán của ông là một trong nhiều quán “trung tâm” của dân nhậu Xóm Củi. Mới hơn 3 giờ chiều, nhưng quán của ông Năm Minh đã có năm sáu người nhậu. Nghe qua giọng nói thì biết những người đó đã nhậu lâu lắm rồi, bởi họ đã “nhè” lắm rồi như cách ông Năm Minh nói với tôi.


Mới hơn 3 giờ chiều, những quán nhậu ở Xóm Củi đã sẵn sàng

Thoáng nhìn trên bàn nhậu, tôi choáng ngợp bởi cách nhậu của họ. Mỗi người một ly và… một chai khẩu phần, không ai đụng đến rượu của ai.  Mồi nhậu cũng là những thứ “đặc sản” không mấy khó kiếm. Một vị có hai trái bòn bon (loại quả đặc sản của Tiên Phước, Quảng Nam), người khác thì là mấy quả quất, một người nữa thì một miếng dừa bằng ba đầu ngón tay. Đó là mồi nhậu của họ.

Và câu chuyện của họ thì trên trời dưới đất vì tất cả đều đã say, những câu nói hùng hổ, những cái bắt tay xiêu đổ bàn ghế, những ánh mắt nhìn lừ đừ trắng dã trên khuôn mặt đỏ bừng…, đó là những biểu hiện của họ.

Ông Năm Minh kể câu chuyện đã trở thành giai thoại của Xóm Củi này, và các đệ tử lưu linh ở đây vẫn thường rất “tự hào” về điều đó. Rằng có một ông kia trách bạn vì đến muộn trong cuộc nhậu. Tức mình ông này vặc lại: “Mi làm chi mà nôn rứa! Tau nhậu nhưng cũng bài bản lắm chứ. Ít ra cũng để tau rửa mặt xúc miệng đã chớ!”

Ông Năm Minh kể tới đó rồi hỏi tôi có hiểu chi không. Tôi lắc đầu. Hóa ra đây là hai ông bạn nhậu chí cốt. Một ông dậy từ lúc 5 giờ rưỡi sáng để nhậu, gọi điện thoại cho ông bạn tới "đối ẩm" nhưng ông kia chưa kịp đánh răng rửa mặt nên tới muộn liền bị cằn nhằn.

Thấy tôi có vẻ không tin, ông Năm Minh khẳng định chắc nịch: “Chuyện thật đó chứ giỡn chơi gì. Như mấy ông kia cũng ngồi uống từ 6 giờ sáng tới chừ đó chứ!”.

Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên nhưng rồi cũng phải tin điều đó. Ông Năm Minh bảo dân ở đây nhậu dữ lắm, mở mắt ra là kêu nhau đi nhậu rồi. Nhậu miết từ sáng tới chiều, có ông nhậu thâu đêm. Mà mồi nhậu chẳng có gì, sang lắm là mấy gói bim bim, đậu phụng rang, con cá khô, còn lại thì chỉ là mấy thứ trái cây nhỏ. Cá biệt có ông nhậu bằng ớt (?).

Tôi ngồi ở quán ông Năm Minh chừng gần một giờ đồng hồ, thấy người vào mua rượu tới tấp, người ít thì một xị đế, người nhiều thì cả lít rượu.

Ông Năm Minh bảo một ngày quán của ông có thể bán hết gần 40 lít rượu cho người dân nơi đây. Không biết dân số của Xóm Củi này được bao nhiêu mà có thể bán được chừng ấy rượu trong một ngày. Nhưng như ông Năm Minh bảo quán của ông chưa “nhằm nhò gì”, có mấy quán ở bến cá mới kinh khủng. Rồi ông chỉ cho tôi biết bến cá nằm cách đó chừng hơn một trăm mét bên dòng sông Ba Ta, phía đầu cầu Kỳ Phú.

Tôi đến bến cá để tìm hiểu, vào một quán lá lụp xụp, trong đó đã có mấy người ngồi gật gù, có lẽ đã uống khá nhiều. Rượu được rót sẵn trong chai thủy tinh, chai nhựa và cả trong những chiếc bao bì. Khách vào chỉ cần đưa tiền, lấy rượu, có khi không cần nói với nhau lời nào. Theo như lời bà bán rượu ở đây nói, thì khách của quán này đa phần là những khách nghèo, họ đến đây để uống, chứ không ăn.

“Vậy mà có ông ngồi cả đêm, uống hết gần 4 chai rượu (loại chai 450ml). Có ông thì gắp một khúc cá nhỏ từ nhà gói vào tờ giấy mang đến làm mồi, có ông thì đi ngang qua mấy hàng trái cây nhanh tay nhón lấy một thứ quả gì đó. Thế là ung dung ngồi nhậu tới quắc cần câu mới thôi", bà chủ quán cho biết.

Tôi hỏi uống mà không ăn thế ruột gan nào chịu nổi? Bà chủ quán chỉ biết lắc đầu: “Dân đây nhậu dữ lắm chú ơi! Nhậu tới quên ăn quên ngủ luôn, không làm gì được hết! Đâu phải chỉ có mấy ông già đâu, ngay cả đám thanh niên cũng thế".

Bà chủ quán này cũng cho biết, khách hàng của bà cũng là những người dân trong Xóm Củi, trong Xóm Mắm này mà thôi. Rượu để đầy tủ đấy, ai mua bao nhiêu thì cứ lấy, rồi để tiền vào hộp. Không ai lấy không bao giờ. Có bữa bà đi chợ chiều, rượu cứ để, khách vào lấy rồi để tiền lại, có người thì để lại mảnh giấy “mua nợ”.

Bà cũng cho biết trước đây “đội quân uống rượu” ở Xóm Củi này tới 50 - 60 người, nhưng uống quá nên đã “chia phần với đất hết rồi” (tức là đã chết), bây giờ lại đến lượt đám thanh niên trai tráng.


Những người đàn ông Xóm Củi tụ tập nhau uống rượu từ sáng sớm

Chết trẻ

Như ông Năm Minh bảo: "Người ta nhậu ngày nhậu đêm thế nên chừ rất nhiều người đã chết. Mà hầu hết đều chết trẻ cả. Ông thì mới hơn 30 tuổi, ông thì 37 - 38 tuổi, có thọ lắm là đến hơn 40 là đều rủ nhau đi cả! Uống như thế ruột gan phèo phổi lộn tùng phèo cả lên. Như thằng Tân kia chưa vợ con chi, đang đau đấy mà cũng trốn nhà đi uống rượu từ sáng tới chừ".

Vừa nói ông Năm Minh vừa chỉ cho tôi một người đàn ông chừng 37 tuổi tóc bạc quá nửa đang ngồi gật gù bên chai rượu cất gọng lè nhè nói với mấy người chung bàn.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì rượu đã giết trên 2,5 triệu người trên thế giới hàng năm, nhiều hơn số tử vong do bệnh AIDS, lao phổi và bệnh sốt rét gây ra, tuy nhiều người không nghĩ tới. Rượu là nguy cơ đe dọa sức khoẻ hàng đầu, nguy hiểm hơn cả triệu chứng béo phì, không vận động, và cả thuốc lá.

Ông Năm Minh cũng kể có trường hợp uống đến mức không còn biết mình là ai, đã làm gì, quên đường về, quên ông bà, cha mẹ, không thèm quan tâm tới công ăn việc làm gì nữa.

Tôi mang câu chuyện này kể với bà Phó chủ tịch phường Phước Hòa, và cũng để xem trong sổ báo tử của phường có bao nhiêu người đã chết vì rượu. Bà Đặng Thi Nhã, Phó chủ tịch cho hay: Đấy là quyền của người ta, chính quyền sao cấm được! Có tuyên truyền vận động đấy chứ! Nhưng nói được vài ngày rồi đâu lại vào đấy cả. Xuống đến tận nhà vận động thì người ta nghe rồi để đó, lại đi uống rượu, trong khi chúng tôi còn có trăm công ngàn việc chứ đâu phải chỉ đi quản mấy ông uống rượu!

Xem trong sổ báo tử, chúng tôi giật mình vì tỷ lệ tử vong ở độ tuổi lao động của người dân ở đây khá cao. Rất nhiều người không sống qua được tuổi 45, người trẻ thì chỉ hơn 30 tuổi với đủ loại bệnh tật liên quan tới rượu như tai nạn, ung thư gan, xơ gan, dạ dày…

Chuyện rượu của Xóm Củi với biết bao oan trái, éo le và cả những cái chết trẻ là hiển hiện. Thế nhưng ở nơi đây hình như họ quên mất, hay cố tình không biết tới điều đó. Để rồi còn lại là những ánh mắt nhìn thăm thẳm của những người phụ nữ góa bụa khi tuổi đời còn rất trẻ, là sự côi cút trong khó nghèo của những đứa trẻ, là sự già nua thui thủi của những bậc sinh thành đã ở tuổi xế chiều không biết trông cậy vào đâu, và cả sự khốn khó của xóm khi những người trong độ tuổi lao động không còn sức để làm ăn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất