| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình lay động lòng người

Thứ Năm 07/06/2012 , 09:38 (GMT+7)

Dưới bóng vườn vải, hai đứa trẻ một lớn một nhỏ chuyền bóng cho nhau cùng nô đùa. Vợ cười, chồng cười, con cười. Tiếng cười giòn tan râm ran khắp lùm cây.

Dưới bóng vườn vải, hai đứa trẻ một lớn một nhỏ chuyền bóng cho nhau cùng nô đùa. Vợ cười, chồng cười, con cười. Tiếng cười giòn tan râm ran khắp lùm cây. Tiếng cười giòn tan chạy tít lên trên đồi…

>> Một làng cây, một đời người
>> Người chăn dê dưới chân Tam Điệp
>> Ngàn đôi mắt sáng dâng đời

1. Một buổi trưa tháng 10 năm 1998, ở vùng cao biên giới Tú Mịch (Lộc Bình, Lạng Sơn) bỗng vang lên tiếng mìn nổ xé trời. Khói tan, người ta nhìn thấy hai người bộ đội đang quằn quại trong vũng máu. Hạ sĩ Nguyễn Văn Quyết, bộ đội Công binh lữ đoàn 229, chuyên ngành bom mìn sau này nhớ lại: “Mỗi tổ mìn có bốn người, hai người làm nhiệm vụ phát cây mở đường, một người dò, một người gỡ. Tôi khi đó được phân công việc vác máy đi dò. Khi chiếc kim ở màn hình dựng ngược lên, báo có mìn, tôi bước chân lên phía trước, ra hiệu để đồng đội phía sau tháo gỡ. Trời mới mưa, tảng đất tôi đang đứng bỗng bất ngờ sạt xuống, kích nổ quả mìn. Khi mở mắt ra, một chân đã dập nát, một chân không còn nhưng tôi vẫn tỉnh táo báo cáo chỉ huy: “Một là em sống, hai là em chết, anh mới báo cho gia đình chứ chưa rõ thế nào đừng báo kẻo bố mẹ em thêm lo”.

Về đến Quân y viện 108, mấy hôm sau Quyết mới biết mình đang nằm ở Hà Nội. Một trận chiến mới bắt đầu. Do anh mất nhiều máu, đồng đội hơn hai mươi người xếp hàng dài tình nguyện hiến mà rủi thay không một ai cùng nhóm máu hiếm hoi. Máu chảy nhiều, chảy đến kiệt gây suy thận bệnh viện phải chạy thận nhân tạo cho anh mười mấy lần đẩy độc tố ra ngoài. Lúc qua khỏi cơn nguy kịch, ông Viện trưởng cứ ôm lấy Quyết mà nức nở rằng: “Bố không ngờ con qua khỏi được. Đúng là một kỳ tích!”. 

Bà Chu Thị Vân, mẹ anh Quyết, bảo rằng lúc biết anh bị thương để mẹ đỡ đau lòng bố anh lên thăm rồi về nói dối con chỉ cụt một chân. Đơn vị về báo tin cho mẹ cũng chỉ dám nói anh hỏng mất một chân trong khi mang cả bác sĩ về đề phòng mẹ sốc. Đến tận khi nhìn thấy cả hai chân con cụt, cái gần khớp gối, cái gần tới háng, lại sờ mẩu cụt còn trơ xương, sờ vết sẹo chằng chịt trên lưng vì xẻo thịt để đắp xuống gối đề phòng bị tháo khớp, mẹ như chết từng khúc ruột. Cả tháng ròng mẹ ốm. Thương binh hạng ¼, mất 87% sức khỏe, thấy mẹ đau nhưng bên giường bệnh anh vẫn nắm chặt tay mẹ một hai rằng: “Con còn 13% sức khỏe, còn may mắn hơn chán vạn người mẹ nhỉ?".



Vợ chồng con cái anh Quyết

2. Được chọn về trại an dưỡng nhưng lúc đó Quyết chỉ muốn về với gia đình, cái gia đình mà ông nội làm du kích vướng mìn chết thời chống Pháp, bố dính bom đạn hóa thương binh thời chống Mỹ, rồi đến anh thương binh giữa thời bình. Đang khỏe mạnh tự dưng mất đi đôi chân, có những đêm Quyết nằm nghĩ mà giường chiếu đầm đìa nước mắt. Thương cho số phận mình một chỗ trong khi bạn bè bay nhảy khắp nơi. Nghị lực của anh thật phi thường, không vì buồn chán mà cầm một điếu thuốc hút, không vì thất vọng mà ngập trong rượu chè. Bận gặp chị trong một đám cưới của bạn, anh thấy thích ngay cô thôn nữ xinh đẹp. Lúc ấy chị đang có tới ba người đàn ông khỏe mạnh, đàng hoàng đến tìm hiểu.

"Nhìn anh Quyết cố gắng nhấc từng chiếc nạng đến nhà chơi, tôi rất xúc động. Anh vì đất nước mà chịu thiệt thòi, tôi thương lắm”, vợ Quyết nhớ lại. Ngày nào anh cũng nhờ bạn đèo đến nhà chị. Lúc mấy trai làng đến tìm hiểu chị, anh tế nhị lảng ra ngoài tránh mặt. Chị ngồi tiếp bạn trong nhà, anh ngồi đập muỗi chan chát ngoài sân. Chị thương anh bởi cảm tấm lòng chân thật, cảm nghị lực phi thường. Từ thương sang yêu lúc nào chẳng hay. Chẳng có quà, có hoa như những người bình thường, có mỗi bận rủ đi uống nước tâm sự, phải có người đi kèm sát bên nên chị đâm… ngại. Cả quá trình yêu nhau họ không được đi đâu ra khỏi làng mà chỉ quẩn quanh mỗi góc sân, mảnh vườn nhà chị. Thấy con gái cứ bện lấy anh thương binh, bố chị chỉ lặng lẽ ra ngoài hút thuốc, còn mẹ chị sợ con mình cập bến gian nan cứ mắng xa xả những người khỏe mạnh đến tìm hiểu thì chê để đâm đầu vào người cụt.

Lúc đầu mẹ còn lôi chị ra góc nhà, chái nhà mà can. Đêm đêm mẹ lại nằm thủ thỉ: “Bây giờ khỏe mạnh không sao nhưng sau này ốm đau, sinh nở công to việc lớn trong nhà chỉ có mỗi mình con thôi”. Nói mãi không được, ý chị đã quyết. Ngày con gái lấy chồng mẹ chảy nước mắt vì thương.

“Khi biết tôi quyết định lấy anh Quyết, dạm ngõ, ăn hỏi rồi vẫn có người trong họ phá, xúi mẹ tôi phải trả lễ đi, mắng mẹ tôi chỉ vì tham mấy đồng tiền lương thương binh mà để con gái cả đời phải khổ”, chị nhớ lại. Đám cưới anh đơn vị về đông đủ, bắc rạp, cắt chữ, xếp hình chim câu, dựng sân khấu, hát hò thâu đêm, suốt sáng. Lúc đón dâu, anh đi kèm chị, chống nạng chẳng còn tay đâu mà ôm nổi bó hoa, đành phải nhờ bạn ôm hộ. Tủi thân, xa xót cứ lặn vào trong, sau nụ cười lành hiền.

Năm 2004, thời điểm anh chị lập gia đình, trợ cấp thương binh chỉ được trên 1 triệu đồng/tháng, mỗi phần trăm sức khỏe mất đi, bèo bọt đánh đổi trên chục ngàn đồng trợ cấp. Kinh tế khó khăn, bốn sào ruộng, bảy sào vườn, một cái ao, chị dong trâu đi cày, bừa rồi nai lưng cấy hái. Chẳng quản ốm đau, anh nấu cám, băm rau, thổi cơm quét nhà, kê ghế nhặt cỏ vườn rồi chăm đàn gà, chuồng lợn.

 Chị từ cái bóng điện trong nhà hỏng cũng phải tự thay đến đêm mưa to, bật dậy canh cá tràn ao, căng lưới, chặn lỗ thoát nước, đắp đất be bờ, người dầm dề trong bùn, rét run cầm cập. Buổi trưa hè hừng hực nóng, chị thồ cả tạ vải lặc lè ngã không dậy nổi. Vải ê hề, vải đỏ đường, vải kín chợ, người chờ bán xếp hàng dài dằng dặc nhưng bao giờ thấy bóng chị cũng có câu nghĩa tình: “Nào, vợ thằng cụt cho vào cân trước”.


Anh Quyết đỡ đần vợ con những việc nhỏ nhặt

Còn anh bị thương nặng, lúc trái gió trở trời, dây thần kinh chỗ hai chân cụt liên tục co giật, đau đến nẩy mình nhưng vì lo giấc ngủ đầy cho vợ anh cắn răng không dám kêu. Những lúc thấy anh trở mình, lén mở mắt nhìn chồng trong cơn đau dày vò, chị mím chặt miệng cho tiếng khóc khỏi bật ra nơi cuống họng. Lúc chị sinh đứa con gái đầu, người ta có chồng đi thăm nuôi cơm cháo, động viên, chị một mình vượt cạn. Tận mấy hôm sau bố mới nhìn thấy mặt con, vợ mới thấy chồng cứ mừng mừng, tủi tủi. Bận chị sinh thằng con trai thứ hai, đàn gà cả trăm con anh nuôi bỗng dính dịch chết không còn một mống, cả nhà bỗng vắng bặt tiếng cười. Đồng đội nghĩa tình quyên góp xây cho cái nhà một tầng, thuận vợ, thuận chồng, anh chị chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt nối thêm được cái tầng hai.

3. Tôi có hỏi anh, hạnh phúc là gì? Anh cười rồi nói là khi trời nóng, vợ mò cua, bắt ốc, kéo vó xúc tép nấu cho chồng bát canh rau tập tàng. Là biết chồng mê chọi gà vợ bắt gà, chở chồng cho đi chọi. Là cảnh quây quần ngày tết bên bếp lửa bập bùng vợ rửa lá, chồng gói bánh chưng. Tôi lại hỏi chị, hạnh phúc là gì? Chị chỉ một câu giản đơn, là biết vợ cực thân, anh nấu nước tắm mỗi buổi đi làm đồng vất vả. Và không cần hỏi thêm tôi cũng biết hạnh phúc lớn nhất của anh chị là hai thiên thần đang nhảy múa, cười reo ngoài sân. Chị là Dương Thị Huyền, sinh năm 1984, và anh là thương binh Nguyễn Văn Quyết, sinh năm 1977, ở xã Lan Mẫu (Lục Nam, Bắc Giang). (Hết)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.