| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình người ở Lâm Thao

Thứ Ba 27/01/2015 , 06:15 (GMT+7)

Những câu chuyện dung dị nhưng ấm lòng mà phóng viên NNVN ghi nhận được ở Lâm Thao (Phú Thọ) đã nối dài truyền thống nhân văn, nhân ái, lá lành đùm lá rách…

“Anh Tạo ơi, con gái anh đứa lớn Lê Thị Tuyết Mai đã đỗ vào ĐH Thủy lợi rồi còn đứa nhỏ Lê Thị Ngọc Mai cũng đã đỗ vào trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Vậy là đúng theo nguyện vọng của anh hằng mong muốn ngày trước. Bây giờ, anh chúc mừng các con nhé!”.

Những lời thủ thỉ của vợ khiến cho anh Lê Quang Tạo bất giác tuôn hai dòng lệ. Từ sau vụ tai nạn giao thông, thân mình như bị đổ một khối bê tông trùm lên khiến cho mọi cử động đều là chuyện không thể.

Anh không tự ăn uống được, không nói được, dường như chỉ có ánh mắt là còn có tri giác. Nó đau đáu dõi theo hình dáng hao gầy của người vợ tội nghiệp Nguyễn Thị Tuyết.

Vốn là lái xe của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tốt tính, nhiệt tình nên anh được nhiều người yêu mến. Đùng một cái, sau buổi làm việc anh bị đám choai choai phóng xe bạt mạng va phải.

Dù đã được đưa đi khắp bệnh viện tỉnh rồi bệnh viện trung ương nhưng đều bị trả về với tình trạng liệt toàn thân vì chấn thương sọ não. Từ nay gia đình không chỉ mất đi một trụ cột, một người chồng, người bố mà còn tốn thêm một lao động để ngày đêm chăm sóc, phục vụ một người đời sống thực vật như anh nữa.

Thông thường, người lao động khi rơi vào hoàn cảnh này sẽ được Cty hỗ trợ một số tiền nho nhỏ kèm theo đó là lá đơn cho nghỉ việc lạnh lùng.

Nhưng ở Lâm Thao thì không bao giờ có chuyện đó. Ngoài khoản hỗ trợ 90 triệu đồng, công đoàn Cty còn thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên. Ngày lễ, ngày Tết anh vẫn được tiền thưởng, đến tháng anh vẫn được đóng bảo hiểm đều đều.

Tuy nhiên, do chữa trị tốn kém nên số tiền hỗ trợ kia đối gia đình anh chị cũng chẳng khác gì nước trong một cái bình bị thủng đáy. Thế nên trước cái tin vui là cả hai đứa con đều thi đỗ mà lòng chị Tuyết lại như một búi tơ vò, cứ rối bời lên không tìm thấy nút gỡ.

Đang trong tâm trạng như thế thì một buổi, bà Vũ Thị Nguyệt - vợ ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng GĐ Cty Lâm Thao nhỏ nhẻ bảo chị: “Tối nay có gì em đến nhà chị tí nhé”.

Khi chị Tuyết đến thì bà đưa cho một cọc tiền 120 triệu đồng và bảo: “Em cầm lấy để lo chuyện bốn năm đại học cho cái Mai…”. Chị đã khóc vì cảm động. Ruột thịt không, đồng hương cũng không phải mà chỉ là tình đồng nghiệp (bà Nguyệt nguyên là Trưởng phòng của chị Tuyết) sao lại cho số tiền lớn đến như vậy?

Chị nghẹn ngào bảo: “Thôi, chị đã có lòng thì cho em vay, sau này có em sẽ trả lại chứ không dám lấy”. Bà Nguyệt cứ ấn cọc tiền vào tay chị mà rằng: “Em cứ cầm đi, không phải suy nghĩ gì cả. Chuyện chấm dứt ở đây từ sau không nhắc lại nữa nhé!”.

Để có thời gian chăm sóc chồng, chị Tuyết xin đổi ca ngày sang làm đêm và làm thêm thứ bảy, chủ nhật. Ngày ngày vệ sinh cá nhân, bón từng thìa cháo cho chồng xong, chị lại đặt anh lên chiếc xe lăn, ngồi hướng mặt ra phía cửa.

dsc00282104046695
Anh Tạo phải sống "thực vật"

Để từ trong cái ô cửa nhỏ hẹp ấy, hễ thấy tiếng xe máy quen thuộc của vợ đi làm về là miệng anh cứ ú ớ không nên lời. Dù chồng không nói nhưng chị hiểu đó là lúc anh vui mừng lắm lắm.

Thấm thoắt mà đứa con gái đầu đã học đến năm thứ ba đại học. Thấm thoắt mà đứa con gái út đã học lớp 12 chuyên Anh của tỉnh. Thấm thoắt mà anh đã đủ điều kiện để nghỉ hưu. Hôm nghe chị bảo: “Anh Tạo ơi, em tắm rửa, cắt tóc gọn gàng cho anh để ngày mai đi giám định sức khỏe rồi về hưu nhé”. Thì anh cũng chợt ứa lệ hệt như cái hôm nào nghe tin hai con đỗ đạt vậy.

Những câu chuyện tình người như thế không thiếu ở Lâm Thao. Quỹ phúc lợi của Cty dành đến 5% lợi nhuận cho hoạt động phong trào công nhân viên chức lao động, y tế, hội… Công đoàn nơi đây đã xây dựng hẳn quy chế thăm hỏi những trường hợp lao động có hoàn cảnh éo le như tai nạn, như bệnh hiểm nghèo.

Nơi đây cũng có hẳn quy chế xây dựng mái ấm công đoàn dành cho lao động gặp khó khăn về nhà ở như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn với mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng. Hiện có bốn mái ấm đã được dựng lên để trong đó ngày ngày chật ních tiếng cười vui vẻ.

Cty Lâm Thao không chỉ thực hiện những công việc tình nghĩa trong đơn vị mình mà còn có rất nhiều hoạt động khác như bảo trợ bà mẹ Việt Nam anh hùng hay mới đây nhất là xây cầu, làm nhà tình thương cho đồng bào nghèo ở tỉnh Bạc Liêu.

Nói làm sao hết nỗi khát khao có một cây cầu của xã An Trạch A, huyện Đông Hải? Các cháu bé ngày ngày phải lênh đênh sông nước để đến trường, người lớn mỗi khi có việc sang bờ bên kia cũng phải chống thuyền.

Giải phóng đã 40 năm rồi mà cái mảnh đất nhỏ bé xa xôi này ngày ngày người dân vẫn phải xuồng ghe vất vả như thế. Tai nạn có thể rình rập họ bất cứ lúc nào.

Thế nên khi nghe có đoàn về, dưới trời nắng chang chang, bà con từ già trẻ, lớn bé vẫn tề tựu đông đủ. Cây cầu dài 45 m, rộng 1,5 m, cao 6 m khởi công ngày 19/1/2015 với quyết tâm hoàn thành trước Tết Ất Mùi là một hiện thực trước mắt họ.

Theo kế hoạch, khởi công xong cầu thì đoàn sẽ đi trao tiền xây nhà tình nghĩa ở một địa phương khác. Bất ngờ là bà con trong ấp người mớ tôm, người con cá mới đánh được hay mớ rau hái trong vườn, cân gạo múc trong hũ ùn ùn kéo đến…

Nào có nhiều nhặn gì nhưng những ánh mắt chứa chan tình cảm, những lời nói như ruột thịt một nhà.

dsc-9187104047141
Gia đình anh Tạo thủa anh còn chưa bị nạn

Một cụ già đứng lên phát biểu: “Cây cầu là niềm mơ ước mấy chục năm của dân chúng tôi, mong mỏi mãi mới thành sự thật. Các anh là doanh nghiệp ở tận ngoài Bắc mà không quản ngại đường sá xa xôi mang tiền vào tận đây giúp, chúng tôi biết ơn lắm. Bữa cơm này không phải là xã tổ chức mà là do bà con góp sức làm xin mời …”.

Chẳng ai nỡ chối từ những lời từ gan ruột ấy. Bữa cơm diễn ra dưới tàn cây xanh và gió đồng lồng lộng. Cuối buổi, bà con còn đưa anh em đến tận bến đò, bịn rịn mãi mới chịu về.

Đoàn lại đến trao nhà tình nghĩa ở huyện Giá Rai và Hồng Dân. Chị Hồng, người dân tộc Khơ me một nách nuôi bốn đứa con thơ trong cảnh chồng bỏ đi biệt xứ mấy chục năm. Sinh nhai của chị là nghề buôn đầu chợ, bán cuối chợ, lắm buổi ế ẩm, chẳng kiếm nổi vài ngàn bạc lẻ đong gạo nuôi con. Căn nhà của chị dột nát đến mức lắm hôm mưa gió, mấy mẹ con không có gì để che đành chịu ướt.

Nhận được sự hỗ trợ của Cty chị đã bỏ thêm 10 triệu gom góp của một đời lận đận để xây lên ngôi nhà bằng gạch có lợp ngói xi măng vững chắc. Chị cứ cầm tay mà một mực nghẹn ngào: “Em sẽ có gắng nuôi các cháu ăn học để không phụ lòng Cty đã giúp đỡ tận tình”.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…