| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình rẻo cao

Thứ Hai 27/06/2011 , 10:28 (GMT+7)

Ở vùng rẻo cao A Lưới (tỉnh TT- Huế) có những chuyện tình tràn đầy hạnh phúc song cũng đẫm nước mắt.

Ở vùng rẻo cao A Lưới (tỉnh TT- Huế) có những chuyện tình tràn đầy hạnh phúc song cũng đẫm nước mắt. Nơi đại ngàn hoang vu ấy, dường như tình cảm yêu thương của con người có chút gì đó nguyên bản sơ khai, tự nhiên như núi đồi, khe suối…

CHUNG VỢ CHUNG CHỒNG

Lên miền tây tỉnh TT- Huế không mấy khó khăn để tìm đến gia đình các thành viên không chỉ sống chung một mái nhà mà còn chung cả...vợ, chồng. Cuộc sống diễn ra với những va chạm rất đỗi đời thường và cũng có những hạnh phúc kỳ lạ.

MẸ CON LẤY CHUNG CHỒNG

Nhắc đến chuyện tình trớ trêu của cư dân vùng rẻo cao A Lưới, ông bạn thân Lê Văn Khởi người Pa Cô của tôi cứ cười sằng sặc, nhưng cười rồi anh lại buồn, lại xót xa cho những cư dân phố núi của mình. Anh bảo, đồng bào mình ở đây sống còn sơ khai lắm, sơ khai như chính câu chuyện trong gia đình của họ.

Trời nhá nhem tối, đến nhà ông Lê Văn Tranh (64 tuổi, cụm 2, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) vừa lúc ông đi làm rẫy trở về. Trong ngôi nhà bằng gỗ khá tươm tất, có bóng 2 người đàn bà một già một trẻ, ngồi lầm lũi thái rau. Ông Tranh đã yêu và lấy cùng lúc cả 3 mẹ con (một người nay đã mất), họ cùng sống chung mái nhà.

Từng là chàng du kích ở chiến trường Trường Sơn, năm 1987, ông Tranh trở về quê hương Hồng Nam lập nghiệp rồi cưới bà Kăn Ia (60 tuổi). Bà Ia có 2 người con gái với người chồng trước là Hồ Thị Ia (41 tuổi) và Hồ Thị Inh (nay đã mất). Thời hoa niên, Hồ Thị Ia là người con gái đẹp, bao trai bản từng đêm đến sát sàn nhà thổi kèn lá, hát điệu Xà Nớt rầm rập suốt đêm nhưng cô không phải lòng chàng trai nào.

Ông Lê Văn Tranh bên ''hai người vợ'' của mình

Có lẽ duyên số đã định sẵn ghép cô vào gia đình này để rồi sống kiếp chồng chung với… mẹ. Mẹ đi bước nữa, cô theo mẹ về ở cùng một gia đình với ông Tranh. Cưới nhau được 3 năm, ông Tranh muốn kiếm một đứa con nhưng đành tuyệt vọng vì bà Ia đã mất khả năng làm mẹ sau một lần tai nạn trên nương rẫy. Những ngày bà Kăn Ia và cô con gái lên nương làm rẫy, căn nhà trở nên cô quạnh, hẩm hiu lạ.

Cái nỗi buồn trống vắng một thời lại dậy lên trong người đàn ông đã qua một đời vợ. Nó không dịu đi, mà cứ lấn át, dằn vặt, ám ảnh rồi trỗi dậy những khát khao đời thường trong ông. Ông bảo: “Mình thương con Kăn Ia nhưng sống lâu năm rồi mà không có con, mình ước ao có một đứa con trai lắm. Thấy mình cô độc, con gái nó cũng hiểu được nỗi lòng, thường chăm sóc hỏi han. Mình nghĩ cùng trong một nhà cả, yêu nhau là lẽ thường tình nên mình lấy nó để kiếm đứa con trai. Nó cũng đồng ý, con Kăn Ia cũng thuận lòng”.

Ngày ông Tranh chính thức “công khai” tình yêu với cô Hồ Thị Ia, bà Kăn Ia không nói gì, bà khóc rồi lẳng lặng chuẩn bị xôi nếp làm lễ “cưới vợ” cho ông Tranh. Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi với bao mùa nương rẫy, tóc ông Tranh nay đã đẫm sương chiều, cô Hồ Thị Ia thấm thoát cũng trở thành người mẹ, người vợ, thành bà của 2 đứa con trai với một đứa cháu nội.

Rời căn nhà ông Tranh, một trường hợp hy hữu thứ hai mà chúng tôi  được “diện kiến” là gia đình hai anh em ruột ông Hồ Văn Tuol và Hồ Văn Tua (thôn 3, xã Hồng Kim). Cả hai anh em đều lấy chung một vợ là bà Kăn Panh (61 tuổi). Họ có 10 người con cả trai lẫn gái.

Nhớ về thời con gái, Kăn Panh ngước đôi mắt buồn buồn về phía núi, bà bảo: “Mình lấy chồng năm 1975, hồi đó mình chưa yêu ai cả, trai bản đến tìm hiểu cũng nhiều nhưng mình đều từ chối. Ông Tuol theo Cách mạng đi suốt năm này qua năm khác. Nhà bố mẹ mình ép mình lấy ông ấy chứ mình không yêu. Mình không chịu, mình muốn ở với mẹ thì bà con dọa nếu “từ hôn” thì sẽ đem mình ra trói, đánh đập, gánh mình như gánh con lợn, con nai đi khắp bản làng để bêu xấu. Vì sợ nên mình chấp nhận làm vợ ông Tuol”. Đêm khuya, nỗi lòng ai oán của người đàn bà cũng làm cho núi rừng dường như bật khóc, mưa như trút nước!

Ngày bà ăn nắm xôi nếp từ lễ Chõo văn (lễ bỏ của của người đồng bào) từ nhà trai, cũng là lúc ông Tuol ra trận, bà phải thui thủi ở nhà một mình. Dẫu không có tình yêu nhưng bà đã là vợ của ông, bà vẫn khát khao thiên chức được làm một người mẹ. Nỗi cô độc, khát khao yêu thương cứ mỗi ngày lớn dần thêm. Nó theo bà vào mỗi đêm nằm suông chăn lạnh, mỗi sớm mai lên với nương rẫy. Luống cải sau vườn- nơi ông Tuol hoạt động cách mạng thường bí mật về cửa sau giờ dấu chân cũng thưa dần, cỏ mọc bít cả lối đi.

Trong nhà ông Tuol có một người em trai tên là Hồ Văn Tua (66 tuổi) rất đào hoa, lãng tử. Là một người có tri thức, hát hay đàn giỏi, thời trai trẻ của ông Tua có nhiều con gái để ý tới. Nhưng chàng trai Hồ Văn Tua vì muốn theo nghiệp chữ nghĩa nên đành gác lại chuyện tình cảm. Ông Tua nhiều lần bắt gặp ánh mắt khác thường của người chị dâu. Dù có lảng tránh nhưng chính trái tim ông cũng đã bị “quật ngã”! Sự cô độc của hai tâm hồn rốt cuộc đã tìm đến nhau.

HẠNH PHÚC VÀ NƯỚC MẮT

Hạnh phúc dẫu có chút muộn màng nhưng cũng thấm đẫm nước mắt người trong cuộc. Gia đình ông Tranh là một minh chứng. Buổi đầu khi biết tin chính chồng mình lại thương yêu con gái riêng của mình, bà Kăn Ia bật khóc, khóc vì thương con nhưng cũng khóc cho thân phận mình. Sống kiếp chồng chung, cuộc sống chật vật theo từng mùa rẫy nhưng chưa bao giờ các thành viên trong gia đình to tiếng với nhau.  

Bà Kăn Panh (bìa phải) và ông Tua bên những đứa con của mình

Ngày chị Hồ Thị Ia sinh con trai đầu lòng, ông Tranh, bà Kăn Ia vui lắm, thế là từ nay có đứa con làm trụ cột gia đình. Ông Tranh chia sẻ: “Mình thấy hạnh phúc vì không chỉ có nhiều vợ sống hòa thuận mà là đến bây giờ, mình đã có con trai, có cháu nội, mai này nó sẽ nối nghiệp mình đi săn, lên với nương rẫy”.

Một điều kỳ lạ minh chứng cho tình yêu nguyên bản sơ khai, mộc mạc như núi đồi của đồng bào ở vùng rẻo cao A Lưới, sau khi Kăn Panh sinh đứa con đầu lòng là Hoàng Thanh Xuân, chồng bà Hồ Văn Tuol từ chiến trường trở về, không chỉ không quở trách người em vì đã “cướp” vợ của mình mà còn vun vén cho tình yêu, hạnh phúc của họ. Ông Tuol tình nguyện sống kiếp… chung vợ với người em trai, ông Tuol xin bố mẹ bà Kăn Panh cho em trai mình được ăn nắm xôi nên nghĩa vợ chồng như ông đã từng ăn mấy năm trước.

“Mình rất thương vợ cũng như em trai nên chấp nhận họ, để sống hòa thuận. Trước đây, cũng có lỗi một phần ở mình để cho Kăn Panh cô độc, heo hút ở nhà. Giờ mình muốn sửa lỗi lầm đó”, ông Tuol tâm sự nỗi lòng.

“Mình thương Kăn Panh côi cút một mình như con nai, con vượn lẻ bóng trong rừng già. Mình đã từng thề với anh trai là sống thế cho đến già chứ không lấy vợ, không ngờ lại yêu chị dâu lúc nào không hay. Mình có lỗi với anh trai lắm”, ông Hồ Văn Tua bộc bạch nỗi lòng.

Đã mấy chục năm trôi qua, giờ nhắc lại chuyện quá khứ, chỉ thấy trong đôi mắt ông Hồ Văn Tua nỗi buồn lẫn niềm vui, sự hạnh phúc. Hai anh em ông Tua đã có với bà Kăn Panh cả thảy 10 người con, chúng lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của hai người bố. Và điều kỳ lạ mà cũng khá oái oăm là cho đến nay vẫn không biết 10 người con đó là con của ai. Hỏi đến chuyện này, ông Tua chỉ cười khục khặc, ông bảo: “Mình không biết gì hết, mỗi lần mình “gần” bà Kăn Panh, bà không nói gì cả, chỉ nhắm mắt thôi. Và, mỗi lần như thế anh Tuol biết ý vác a chói lên rẫy ngay. Có khi anh ấy ở 2-3 ngày trên rẫy mới trở về nhà. Mình cũng đã nhiều lần hỏi Kăn Panh nhưng bà ấy chỉ lấy tay che mặt, xấu hổ không nói”.

Tất cả mấy người con của Kăn Panh đều gọi ông Tuol bằng bố, chỉ gọi ông Tua bằng chú thôi. Ông Tua tâm sự rằng ông cũng khao khát được gọi một tiếng “bố” lắm, nhưng mấy đứa con sợ mẹ buồn nên không gọi. Vả lại, chính ngay bản thân chúng cũng không biết mình là con ai nên đành chấp nhận như vậy. Ông Tua ngồi kể về tính cách hoàn cảnh của từng đứa con, đã có lúc ông cố tìm hiểu xem ai trong số 10 người con là con của mình nhưng nghĩ lại ông lại chùn bước bởi đã hứa với bà Kăn Panh ông Tuol là anh nên phải gọi là bố, ông Tua là em thì phải gọi là chú.

Bà Kăn Panh kể rằng, từ ngày về làm vợ của hai anh em đến nay, bà chưa bao giờ thấy họ và các con to tiếng với nhau.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.