Nhà văn Tạ Duy Anh: Chuyện tôi mua nhà

Tạ Duy Anh - Thứ Sáu, 12/02/2021 , 16:47 (GMT+7)

Nhà văn Tạ Duy Anh kể chuyện mua nhà ở Hà Nội một thời kỳ gian khó. Đọc thấy bóng dáng mình trong đó, những người nhập cư Thủ đô.

Minh họa của Nguyễn Hồng Hưng.

Minh họa của Nguyễn Hồng Hưng.

Đầu năm 1994 vợ tôi đưa con gái mới gần hai tuổi từ Cao Bằng về quê chồng ăn tết Giáp Tuất. Lúc ấy tôi đang làm hợp đồng ở Trường Viết văn Nguyễn Du, lương mỗi tháng, sau lần nâng thứ nhất, được 100 ngàn đồng.

Bố mẹ tôi đều bệnh tật, chẳng lúc nào dư dả. Vì thế, có bao nhiêu tiền tích được cộng với nhuận bút báo, tôi dành ra để lo cái tết “nhà nội” cho có vẻ tươm tất, ít nhất cũng để ông bà đỡ áy náy với cháu. Khi đưa vợ con trở lại Cao Bằng, về đến Hà Nội, tổng tài sản của tôi còn chẵn 500.000 đồng, có thể mua được một chỉ vàng với thời giá lúc ấy.

Chiều hôm ấy Đặng Ngọc Đoan, người tôi quen biết qua Bùi Minh Thắng, kéo thêm người bạn nữa đến tìm tôi ở chỗ tôi ở nhờ là nhà của cô em gái út. Đoan công tác tại một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đoan sống hào sảng, cực kỳ tốt bụng, chu đáo với bạn bè.

Sự chu đáo của Đoan thường khiến người ta bất ngờ, bởi anh quan tâm tới cả những chi tiết nhiều người thường cho qua. Thời đó cơ quan anh vẫn bao cấp là chính, nên anh thuộc diện kiếm được tiền, dù chưa bao giờ thoát nghèo.

Vốn không phải lo chuyện chỗ ở vì được Nhà nước cấp, Đoan có nỗi cảm thông tự nhiên với những người còn vô gia cư như tôi. Vì thế, hễ có bất cứ cơ hội nào để tôi có chỗ ở, anh đều không bỏ qua.

Nhưng lần đến thăm đột xuất ở chỗ tôi ở nhờ này thì tôi chưa biết ý định của Đoan là gì. Sau vài câu trêu đùa, Đoan kéo tôi sang gần chỗ nhà máy xe đạp Thống Nhất bên kia đường uống bia hơi. Vừa được một hớp, Đoan đặt cốc xuống, nhìn tôi chăm chăm, hất hàm hỏi:

- Trong túi Tạ hiện tại có tất cả bao nhiêu tiền?

Tôi mỉm cười không đáp. Trong đầu tôi đã nghĩ đến chuyện Đoan rủ tôi làm ăn gì đó, hoặc tình huống xấu nhất là cậu ta thua bạc, muốn vay để gỡ hoặc trả nợ. Thấy tôi im lặng, Đoan gắt:

- Tôi hỏi là có việc nghiêm túc, chứ không phải chuyện đùa.

- Vậy thì tôi nói thật nhé: Tổng tài sản của tôi đến thời điểm này là 500.000 đồng.

Đoan ngửa cổ uống một hơi nốt số bia, dằn mạnh chiếc cốc không xuống bàn, nói nửa vui vẻ, nửa tự ái:

- Thôi, không bàn nữa, uống bia đi rồi chia tay. Tưởng ông có vài cây, ít nhất cũng phải hai cây, chứ một chỉ thì nói chuyện làm chó gì.

Tôi nhìn Đoan, cũng cố cười cười để chữa ngượng:

- Thì tôi chỉ có thế, biết làm sao được.

- Tôi có bảo Tạ nói dối đâu. Nhưng chính vì thế mà không bàn nữa.

Nghe Đoan nói vậy, lòng tôi bỗng cồn lên chút tò mò:

- Nhưng bạn hỏi tôi thế để làm gì?

- Đã bảo thôi mà. Nói ra chỉ thêm buồn cười.

- Nhưng… việc gì thì cứ nói xem nào, đằng nào thì cũng đến đây rồi.

Bấy giờ Đoan mới thủng thẳng:

- Chỗ tôi có thằng cha cần tiền, muốn bán một căn hộ. Nó ở xa nên cóc biết giá. Giá thật phải tám cây, nhưng nó chỉ đòi có sáu cây. Mình bèn nghĩ đến Tạ. Nhưng mà ông có một chỉ thì thôi không bàn nữa.

Chúng tôi im lặng tiếp tục uống bia. Nhưng khi không ai nói thì tôi lại cứ ám ảnh bởi căn chung cư sáu cây trót nghe thấy ấy. Trời ạ, những ba mươi sáu mét vuông, chia làm hai phòng, bếp, khu phụ đầy đủ! Đến trong mơ thì tôi cũng chỉ dám mơ một căn hộ như vậy. Không có tiền mua thì cũng nên đi xem, mất gì đâu. Tôi đề đạt nguyện vọng như vậy, đùa cợt nhiều hơn là nghiêm túc. Mọi người chả hiểu sao lại chiều tôi, hẹn ngày giờ với chủ có nhà muốn bán đến mở cửa. Đã đến thế thì phải đi xem rồi.

Đó là một đêm tối trời, hơi có mưa. Tôi cảm thấy có cả sự buốt giá khắc sâu trong cõi lòng. Bởi tôi biết mình đang lao vào một việc mất thời gian. Chờ một lát thì chủ nhà cũng đến như lời hẹn. Họ hất hàm hỏi chúng tôi ai là người muốn mua. Chẳng hiểu sao khi biết người đó là tôi, anh chồng cứ nhìn chăm chăm đầy nghi hoặc. Nhưng cuối cùng anh ta, sau một hồi cau có vì linh cảm thấy đang phí thì giờ, cũng đồng ý mở cửa để chúng tôi vào xem nhà. Tôi xem xong, hồn nhiên hỏi lại giá. Vợ chồng chủ nhà bảo đúng tám cây.

Nghe thế lập tức Đoan nổi khùng, bảo chủ nhà trước sau bất nhất, nói với anh ta một giá, giờ lại nói với người mua giá khác. Chị vợ tỏ vẻ lưỡng lự, trong khi anh chồng thì chỉ lo bán hớ, nên khẳng định anh ta không hai lời. Đoan tiếp tục nổi khùng, khiến cuối cùng chủ nhà đồng ý với giá sáu cây.

Tôi đáp như đinh đóng cột là tôi đồng ý mua. Bên bán gia lộc cho một chỉ, còn lại năm cây chín, đúng bằng hai số cuối năm sinh của tôi, khiến tôi hớn hở như mua được một món đồ giá hời. Bên bán bảo họ muốn có tiền sớm. Tôi đáp như đã chuẩn bị từ kiếp trước: “Nhanh cũng phải năm ngày nữa, vì hôm đó là ngày đẹp”. Bên bán tưởng không tin vào tai mình, nhưng tĩnh tâm một lát bèn nhắc lại: “Thôi được, đúng năm ngày, không thay đổi đâu đấy”.

Khi chủ nhà ra về, tôi mới như người vừa thoát khỏi một giấc mơ đẹp để chuyển thành ác mộng. Tôi vừa làm gì, nói gì nhỉ? Mấy người bạn của tôi thì hoàn toàn không hiểu tôi nói thế là đùa hay thật.

“Này, chỗ người quen, sao ông lại đùa cợt thế?” - Đoan gần như gắt lên. Tôi hỏi: “Ông thấy tôi nói đùa à?”. Đoan ôm trán: “Trời ạ, ông biết rõ là không có tiền, ông làm khó tôi rồi. Năm ngày nữa tôi trốn đi đâu đây?”.

Tôi toát mồ hôi vì quả thật tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền từ nay đến hôm mà tôi hẹn. Một chỉ và năm cây chín! Nó là thế nào nhỉ? Là vô vọng - Tôi tự hỏi và tự trả lời.

Trở về, dù đã khuya, tôi vẫn đánh thức vợ chồng em gái dậy và buồn bã kể lại chuyện. Cả hai đứa không nói gì, nhưng tôi biết chúng đều nghĩ là tôi có vấn đề về thần kinh. Lấy ở đâu ra sáu cây vàng bây giờ? Lương tháng chỉ 100.000 đồng, kể cả vay được ngần ấy, thì cũng lấy gì mà trả? Cả đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Nhưng tôi đã cưỡi lưng hổ rồi, không thể tự ý xuống được nữa.

Ngay hôm sau, tôi bèn phác nhanh một kế hoạch vay tiền. Trước tiên tôi ghi ra cái danh sách những đối tượng có thể vay, ghi luôn số lượng định sẽ vay họ sang bên cạnh. Mải liệt kê, khi cộng lại thì hoá ra quá nhiều, thừa gần chục triệu.

Tôi bỗng hớn hở như đã xong một việc lớn. Có quái gì đâu, mới chỉ gạch vài cái đầu dòng đã thừa tiền? Cần phải hành động ngay. Nhưng sau đó nhìn lại cái danh sách, nghĩ đến đoạn phải mở miệng vay họ, tôi thấy nản quá, nản muốn chết đi cho xong.

Đó là một đêm kinh hoàng trong cuộc đời tôi. Có lúc nằm mơ tôi thấy mình nhặt được cả bao tải tiền. Khi tỉnh dậy mồ hôi túa ra vì tiếc.

Ngay chiều hôm sau, chả hiểu tin tức tôi định mua nhà rò rỉ từ đâu, thầy Phạm Vĩnh Cư kéo tôi vào phòng, rút ví đưa cho tôi 100 đô la Mỹ, tương đương 2 chỉ vàng lúc ấy. Cuối giờ chiều tôi có việc ra báo Văn nghệ, gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, tự dưng tôi buột miệng than thở với ông. Ông bèn gọi chị nhân viên bảo cho vay hai chỉ vàng rồi trịnh trọng đưa cho tôi.

Vậy là qua một ngày tôi đã có bốn chỉ vàng. Tôi biết mình phải chiến đấu thật sự rồi. Tôi bèn chơi trò gọi điện thoại. Nói qua điện thoại dễ dàng hơn gặp trực tiếp. Nếu họ đồng ý thì đến gặp, họ lưỡng lự là bỏ máy luôn, không phải thấy mặt nhau, coi như chưa nói gì.

Báo Nông nghiệp Việt Nam, nơi tôi vẫn viết bài, qua Trịnh Bá Ninh, đồng ý cho vay hai triệu, tức bốn chỉ vàng nữa; báo Vì trẻ thơ của nhà thơ Nguyễn Cảnh Nhạc thì cho vay một triệu. Cộng với của một số bạn bè, chỉ trong vòng ba ngày tôi đã có chừng hai cây vàng.

Nhưng gần kiệt sức, dù phải tự khen mình vay giỏi, vẫn còn thiếu hai phần ba, lấy ở đâu bây giờ hả giời! Thời gian hẹn thì đã ở trước mặt. Chán quá, thêm vào với sự mệt mỏi, từ cơ quan tôi không về nhà em gái ngay, mà lang thang ra quán bia đầu bưu điện Giảng Võ. Mọi người ồn ào ăn uống, như thế giới này là của họ. Sao mà họ sướng thế nhỉ. Liệu có ai trong số họ biết ruột gan mình sắp tan nát không nhỉ.

Nghĩ ngợi lung tung, tôi gọi một cốc bia mà hồn lạc đi đâu mất. Vừa ngồi xuống thì nhìn thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành, tân sinh viên khóa 5, đầu đội mũ cối, chắc đi đâu về khát nước, cũng đang định gọi bia. Thành mới chỉ biết tôi khi tham gia thi vào trường Viết văn.

Thành nộp tác phẩm muộn. Nhưng thầy Hiến và sau đó là tôi công khai dành sự ưu ái cho Thành, vì Thành có một giọng văn lạ, sắc sảo, chúng tôi đều mong muốn cậu ta vào học. Sau đó qua vài người bạn, tôi biết qua về Thành. Cậu ta từng lăn lộn kiếm sống rất cơ cực cả khi ở Liên Xô, lẫn lúc đã về nước. Có lẽ vì thế mà Thành luôn thường trực lòng thương người, như sau này tôi chứng kiến.

Thoáng thấy Nguyễn Phúc Lộc Thành, nghĩ đến tình cảnh và tâm trạng mình, thành thực là tôi định quay mặt đi, để cậu ta không nhìn thấy. Nhưng hóa ra cậu ta thấy tôi trước. Thành một mực nài tôi để cậu ta mời. Tôi ngồi uống những ngụm bia mát lạnh nhưng lòng dạ ngổn ngang nên hầu như không thấy có hương vị gì.

Chợt Thành nhìn thẳng vào mặt tôi, mắt nheo nheo, hỏi: “Trông anh cứ như đang có chuyện gì ấy?”. Tôi cười, đã định gạt đi. Nhưng có lẽ mặt tôi thê thảm lắm, nên Thành không buông tha, tiếp tục truy hỏi. Đã thế, tôi chẳng giữ kẽ nữa, tuồn tuột nói hết với Thành.

Nghe xong Thành cười to bảo: “Có thế sao anh không nói sớm. Chuyện nhỏ. Quá nhỏ. Coi như xong nhé. Thú thật là em đang xây khách sạn, còn khoảng 400 triệu tiền mặt chưa cần dùng đến. Anh cần bao nhiêu em có thể cho anh vay trong vòng một tháng”.

Tôi như người thoát bóng đè, phút chốc thấy cuộc đời rực lên một mầu tươi sáng. Tôi chỉ dám bảo Thành là tôi cần ngay 10 triệu. Thành lại cười lớn: “Ối giời, tưởng nhiều, chứ chỉ có thế thì uống bia đi, mai em cầm đến cho”. Tôi lặng người vì mừng. Nhưng nếu cậu ta nói chơi thì chết mình. Vì thế tôi bảo: “Này, mình hẹn chính xác ngày giờ rồi, đừng làm mình sai hẹn nhé”. “Khổ quá - Thành nhăn mặt kêu lên - Tối ngày kia anh mới cần, sáng mai em đi học mang theo là được chứ gì”.

Suốt đêm tôi như nằm trên than hồng. Vậy là tôi đã có hai mươi triệu. Mười triệu tôi định sẽ vay tạm của người bạn làm kế toán. Nhưng có vẻ anh chưa hứa chắc, vì không phải tiền của anh. Một vài chỗ mà tôi nghĩ có thể vay được ngay, thì họ im lặng không hồi đáp, hoặc phải chờ một thời gian.

Hôm sau tôi bèn đến nhà riêng của Nguyễn Thành Phong, lúc ấy còn ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, kể hết với anh về chuyện tôi chả có xu nào nhưng quyết định mua một căn hộ. Phong vốn thân với tôi ngay khi gặp nhau trong một lớp ôn thi vào trường Viết văn.

Chưa thi, Phong đã tự mình lên danh sách lớp học, trong đó có cả tên Phong và tôi, rồi cười bảo: “Bọn mình không đỗ thì còn ai đỗ nữa”. Thế là chạm cốc một trận ngay cửa trường, chỉ gồm rượu trắng và lạc. Ba năm học, cũng là thời gian chúng tôi khẳng định sự quý mến nhau. Phong nhẹ vía, tốt và thảo với bạn.

Biết chúng tôi nghèo, hễ có tiền là Phong lại mời về nhà, cùng vợ làm cơm khoản đãi, chuyện văn chương bốc tận trời. Vợ Phong con nhà gia giáo, hiền thục, kiệm lời, luôn coi bạn của chồng là khách quý, dù nhiều phen cũng khổ lây. Phong có tính lạc quan ít người có. Với Phong, mọi chuyện khó mấy cũng có cách giải quyết. Câu Phong hay nói là: “Bọn mình có đến nỗi nào đâu mà phải chịu khổ!”.

Nghe tôi nói chuyện nhà cửa, Nguyễn Thành Phong cười như chính cậu ta được của, hứa luôn sẽ cho tôi vay hai triệu nhưng hiện tại thì chưa có. Chúng tôi ngồi ăn tối, có chút men, nên Phong rất bốc, bảo đời còn dài chả có quái gì phải lo.

Nghe thế và nhìn vẻ mặt Phong, tôi thấy mọi thứ bớt u ám phần nào. Khi tôi nói tình hình tài chính, rằng may gặp Nguyễn Phúc Lộc Thành nhưng hiện vẫn còn thiếu mười triệu, trong khi vài nơi chưa thật chắc chắn vay được, Phong nghe xong bực mình bảo: “Chán ông bỏ mẹ! Sao không vay luôn Lộc Thành cả hai mươi triệu có phải xong việc rồi không, có phải giờ ngồi uống rượu đến khuya cũng chả bận gì. Lại còn sỹ diện cơ. Ông ngốc lắm, cứ vay Thành cho chắc đã, nếu những chỗ kia vẫn lấy được thì trả trước cho Thành phần vay thêm, có sao đâu”.

Tôi ngồi ngẩn ra, thấy có phần tiếc. Phong bảo luôn: “Giờ vẫn kịp mà”. Tôi còn đang lưỡng lự, sợ mình quá lạm dụng lòng tốt của người khác, thì Thành Phong như đọc được ý nghĩ của tôi, gạt đi: “Sông có khúc, người có lúc, ông cả nghĩ làm gì. Thôi, quyết thế đi, vay luôn Thành cho xong việc đã. Để tôi cùng đi với ông xuống nhà Lộc Thành. Ông ngại thì tôi nói đỡ”.

Xong bữa, trời đã tối, nhưng Phong bảo việc lớn phải làm ngay. Phong lấy xe máy đưa tôi đến nhà Nguyễn Phúc Lộc Thành, lúc ấy còn ở phố Trung Liệt, để điều chỉnh lại số vay từ mười triệu lên gấp đôi.

Nghe Thành Phong cười cười vào chuyện, rồi trình bày mong muốn của chúng tôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành nghẹo đầu nghẹo cổ trách tôi khách sáo, đã là anh em còn ngại, rồi cười bảo chúng tôi cứ hoàn toàn yên tâm. Chuyện vặt.

Trên đường về, Thành Phong rất phấn khích, coi như vừa hoàn thành một việc thương thuyết quan trọng, nhìn trời hát nghêu ngao. Phong vẫn có thói quen coi việc của bạn như của mình.

Thế là xong việc vay mượn. Tôi không hỏi thêm bất cứ chỗ nào, mà đặt cược cả vào cửa Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nếu chả may có chuyện gì tôi sẽ thành kẻ nói láo. Mà tôi thì sợ nhất là sai hứa.

Hôm sau tôi đi làm sớm. Không thấy Thành trong lớp. Có thể cậu ta đi muộn. Từng phút khắc khoải trôi qua với tôi. Thành vẫn chưa đến. Số tôi khổ rồi!

Tôi bắt đầu đi ra đi vào. Thì bỗng Thành xuất hiện, vẫn tùm hụp cái mũ cối bộ đội. Cậu ta chẳng cầm theo bọc gì cả - như hình dung của tôi là nó phải có. Vậy là cậu ta sắp nói lời xin lỗi mình đây. Thành bước nhanh vào phòng, nghẹo đầu nghẹo cổ cười cười bảo tôi là cậu ta phải qua công trường một lát.

Rồi trong khi tôi chuẩn bị thất vọng, thì Thành thò tay vào túi áo ngực lôi ra một tập đô la Mỹ. Hai mươi triệu đồng tiền Việt, quy ra thành 1.800 đô la Mỹ. Tôi thộn ra như người mất hồn, chỉ kịp nghe loáng thoáng Thành đã xin phép để lên lớp.

Khi ra gần cửa, Thành quay lại bảo: “Hai tháng sau đưa lại cho em cũng được”. Tức là Thành gia hạn thêm cho tôi một tháng nữa”.

Mặc dù chỉ sau 13 ngày tôi đã lo xong để trả Thành, nhưng nếu không có tấm lòng lớn của Nguyễn Phúc Lộc Thành, có lẽ cuộc đời tôi sẽ còn khốn đốn chưa biết đến bao giờ. Tôi biết là mình sẽ mang theo cái ơn đó với Thành xuống mồ.

Ngày nhận nhà, tôi hồi hộp lắm. Toàn tiền đi vay nhưng nhà thì chắc chắn là của mình. Bạn bè tự bỏ tiền ra mời cơm chúc mừng. Kiểm đi đếm lại số tiền tôi vay so với tiền mua nhà còn thừa ra một chỉ vàng.

Tôi dự định sẽ bán đi để tu sửa trước khi đón vợ và con gái xuống. Hôm đầu tiên thực sự có chỗ chui ra chui vào, tôi cứ nằm ngửa nhìn lên nóc nhà, nơi những dây mạng nhện vừa to vừa bẩn thõng xuống khắp nơi. Chủ cũ vốn là những công nhân nghèo nên họ chả sửa chữa tu bổ gì.

Tường tróc lở khắp nơi trong khi mọi chỗ đều ám khói. Sợ nhất là khu bếp. Một cái lò bát quái xây bằng gạch non, thông lên trời bởi một ống khói kệch cỡm và vô cùng bẩn thỉu.

Có lẽ ít có loại căn hộ nào trên thế giới được thiết kế vô lý và xây xấu xí như vậy. Nhưng đó thực sự tổ ấm của tôi trong suốt tám năm. Cũng tại đó chúng tôi có thêm một cậu quý tử.  

Tạ Duy Anh
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.