Vừng, lạc, lúa, xoài…, anh nghiên cứu đối tượng nào thì trực tiếp chuyển giao đối tượng đó. Nghiên cứu phải gắn liền với chuyển giao.
Nghiên cứu và thị trường
ThS Nguyễn Đức Thọ, GĐ Trung tâm tư vấn và dịch vụ nông nghiệp của ASISOV đưa chúng tôi xuống một số vùng liên kết sản xuất lúa giữa Trung tâm và các hợp tác xã. Trung tâm của Thọ không chỉ sản xuất lúa giống mà còn bao tiêu cả lúa thương phẩm.
Dòng giống lúa mới của Viện ASISOV. Ảnh: Minh Hậu. |
Anh kể cách làm là đến thẳng các nhà máy chế biến gạo xem họ đang làm gạo gì sau đó mình đưa mẫu gạo của mình để họ so sánh. Phải làm sao cùng một phân khúc, giá cả ngang nhau nhưng chất lượng mình phải hơn thì họ mới chấp nhận mình là đối tác.
Nhà máy đặt hàng Trung tâm, còn Trung tâm liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa thương mại với giống bản quyền của Viện. Một chuỗi giá trị mới hình thành khá đơn giản nhưng nhanh chóng phát huy hiệu quả và ngay năm nay đã có trên ngàn tấn gạo an toàn ra đời theo cách làm đó.
Trung tâm tư vấn và dịch vụ nông nghiệp cùng một số bộ môn của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ được đặt tại An Nhơn, Bình Định.
Cơ sở rộng mấy chục hecta này trước đây là đại bản doanh Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Nam Trung bộ, tiền thân của ASISOV mà năm 2005 Bộ trưởng Lê Huy Ngọ vào thăm cảm thán trung tâm nghiên cứu gì xập xệ như hợp tác xã thời xưa cũ, nay được quy hoạch quy củ, vừa nghiên cứu vừa thực nghiệm vừa chuyển giao.
Các bộ môn của Viện đều có người làm việc tại đây, để nghiên cứu và chuyển giao thành một thể thống nhất. Các lớp tập huấn diễn ra thường xuyên hằng tuần hằng tháng, còn thường ngày, bà con khắp nơi đến thẳng Trung tâm để được cán bộ kỹ thuật tư vấn từ giống đến phòng trừ sâu bệnh.
Một số mẫu sản phẩm của Viện. Ảnh: Minh Hậu. |
Tỉ mẩn giống như cách mà Viện trưởng ASISOV Hồ Huy Cường nói với tôi từng phân khúc nghiên cứu làm sao đạt hiệu quả ngoài sản xuất cao nhất.
Tiến sỹ Hồ Huy Cường chia 700.000ha đất lúa Nam Trung bộ ra nhiều phân khúc giống: Phân khúc cho chế biến là các giống hàm lượng amylose cao (giống 13/2, Q5, DV108, Khang dân, TH6, Ma Lâm 202…); phân khúc cho chăn nuôi chất lượng gạo vừa phải nhưng cần ngắn ngày năng suất cao; phân khúc gạo trong cơm mềm phục vụ đa phần người dân; phân khúc gạo hạt bầu, cơm mềm, dẻo, vị đậm; khân khúc gạo hạt dài và cao hơn nữa là phân khúc gạo thơm.
Giống của phân khúc nào có trên thị trường cũng có điểm mạnh điểm yếu và Viện bám vào đấy nghiên cứu các dòng, giống khắc phục điểm yếu phát huy điểm mạnh.
Như phân khúc cho chế biến (khoảng 50% diện tích lúa vùng Nam Trung bộ là dùng chế biến bún bánh…), nhiều giống bị thoái hóa, nhiễm nặng sâu bệnh, như giống 13/2 nhiễm nặng khô vằn, đạo ôn; DV 108, Q5, Khang dân nhiễm rầy, có vụ cháy rầy gây mất mùa.
Trong khi đó giống lúa mới BĐR999 của Viện đáp ứng tốt yêu cầu chế biến khi hàm lượng amylose đạt 26%, cao nhất trong số các giống lúa cho chế biến hiện có ngoài sản xuất và điểm nổi trội là năng suất cao, kháng rầy, còn với đạo ôn, vụ đông xuân năm nay bệnh bùng phát mạnh ở Nam Trung bộ nhưng BĐR999 vẫn không bị ảnh hưởng.
Phân khúc nào Viện cũng có giống sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng.
Các giống đậu, lạc, vừng… Viện đều định hướng nghiên cứu đúng yêu cầu thực tế. Với cây đậu xanh, cả nước có trên dưới 100 nghìn hecta, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Các năm gần đây bệnh khảm vàng bùng phát dữ dội, năm 2018 Tây Nguyên mất mùa đậu xanh vì căn bệnh do virus này.
Nghiên cứu giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng ở Viện ASISOV. Ảnh: Minh Hậu. |
Rất may Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã có liền 3 giống đậu xanh ĐX07, ĐX08 và ĐX09 đều có khả năng kháng được bệnh khảm vàng.
Vườn mẫu và bán từng gói hạt rau
Cây ăn quả là cây trồng chủ lực có giá trị đối với vùng Nam Trung bộ. Với cây ăn quả, sau giống thì biện pháp canh tác vô cùng quan trọng.
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cây lâu năm và bán khô hạn của Viện tại Phù Cát đã xây dựng được các vườn mẫu tiêu biểu của vùng. Cây trong vườn mẫu được tỉa cành tạo tán, canh tác theo quy trình chuẩn, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân.
Thực tế trong canh tác cây ăn quả nói chung, sử dụng phân bón và thuốc hóa học BVTV còn bị lạm dụng, chăm bón không đúng cách. Thường các chủ vườn nghe theo tư vấn của đại lý, từ phun thuốc gì, bón phân gì. Đại lý thì bao giờ cũng muốn bán được nhiều thuốc, bán thuốc rẻ chiết khấu hoa hồng cao nên các tư vấn từ đại lý dễ lệch lạc, sai.
“Mình phải vào cuộc, thay đổi cách tiếp cận. Muốn thế phải có vườn mẫu cho người dân thấy thực tế thì họ mới học và làm theo cách của mình. Như giống phải chuẩn từ cây đầu dòng tuyệt đối sạch bệnh.
Mà bán giống không thôi cũng không được, phải xuống tận vườn, tư vấn lắp đặt hệ thống tưới, thiết kế vườn cây, dạy quy trình kỹ thuật, thường xuyên qua lại thăm vườn, khám bệnh từng cây, làm được thế người dân mới bảo nhau tìm đến mình”, TS Hồ Huy Cường nêu quan điểm.
Xoài mẫu tại Trung tâm Phát triển cây lâu năm và bán khô hạn thuộc ASISOV. Ảnh: Minh Hậu. |
Vườn mẫu của Viện ở Phù Cát có nhiều mô hình trong đó vườn xoài (cát Hòa Lộc và Đài Loan) luôn được người dân quan tâm. Những cây xoài tạo tán đẹp như vẽ được xử lý ra hoa đậu quả, bao quả, tưới - bón tự động. Mùa xoài đậu quả cán bộ nông nghiệp cùng nông dân các địa phương lại đến tham quan, ký hợp đồng chuyển giao, dịch vụ chăm sóc.
Trong nhóm rau quả thì rau là đối tượng nghiên cứu trong nước yếu nhất, hầu hết đều phải nhập giống từ nước ngoài. Ở Nam Trung bộ cũng tình cảnh vậy. Rất may Viện ASISOV có được một số chuyên gia giỏi về rau, có người có học vị tiến sỹ tu nghiệp ở Nga gần 10 năm.
“Mới đi sâu nghiên cứu mảng rau 4 năm và kết quả mới sơ khai bước đầu. Tuy vậy Viện hiện đã làm chủ được công nghệ tạo giống dưa chuột thơm đặc trưng, đã có doanh nghiệp đặt vấn đề đặt hàng. Một số giống khổ qua có ưu thế Viện cũng đã làm chủ được giống bố mẹ”, TS Hồ Huy Cường cho biết.
Khi chưa hoàn thiện được công nghệ thì anh đi bằng đường thủ công, truyền thống. Đó là giống bản địa rau muống, dền địa phương, hạt é… được Viện chỉn chu lại quy trình sản xuất, hạt giống đóng gói đẹp và tiện dụng. Người dân đến mua giống lúa được khuyến mại gói hạt giống rau. Họ lấy giống gieo trồng thành quen, không ai đi để giống rau nữa mà chủ động mua về trồng. Những gói hạt giống rau nhỏ bé nhưng tiền công thu về không nhỏ.
Trăn trở chuyển đổi vùng Nam Trung bộ
TS Hồ Huy Cường nói với tôi điều anh ám ảnh đối với nông nghiệp vùng Nam Trung bộ là năm nào cũng vậy, đến cao điểm mùa nắng là cả hệ thống chính trị lại phải dốc sức chống hạn cho lúa, trên một số vùng gần như mặc định bị hạn.
Theo Tiến sỹ Cường, khô hạn chắc chắn sẽ khốc liệt hơn, nên chỉ với khoảng mấy chục nghìn hecta lúa toàn vùng năm nào cũng hạn thì cần dứt khoát chuyển đổi sang cây trồng cạn.
Chuyển đổi đất lúa bị khô hạn sang trồng lạc hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu. |
“Năm nào cũng thế, các tỉnh, cả các bộ ngành ngoài Trung ương đều rất khổ với mấy chục nghìn hecta này. Đây là những nơi chỉ có hồ đập nhỏ, nước nôi phập phù, lượng tưới đối với lúa chỉ đáp ứng được 1/3 thôi, hạn là đương nhiên. Nhưng nếu chuyển sang trồng lạc, đậu, vừng thì lượng nước đó lại vừa đủ và chắc chắn hiệu quả kinh tế hơn hẳn lúa”, TS Cường nói.
Còn nữa, điều đáng tiếc nhất của vùng là cả triệu hecta đất gò đồi phía tây chưa phát triển xứng tầm. Cần biết phía tây Nam Trung bộ là lợi thế hiếm có mà các tỉnh trong khu vực chưa phát huy, đấy là phát triển cây ăn quả.
Lợi thế gì? Đó là các vựa cây trái nổi tiếng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ có gì thì Nam Trung bộ có nấy: Từ xoài cát chu, cát Hòa Lộc, sầu riêng Ri6, Mon Thong, chôm chôm Java, kể cả cây trồng khó tính như măng cụt ở Nam Trung bộ đều có; chưa nói cây đặc sản nổi tiếng của vùng như thanh long, chuối…
Nam Trung bộ có lợi thế là trái vụ tự nhiên với hai vùng cây ăn quả Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Vậy thì thay vì phải xử lý ra quả trái vụ vừa hại cây chất lượng trái kém để chuyển sang phát triển cây ăn quả ở Nam Trung bộ. Trái vụ vùng này nhưng là chính vụ ở vùng kia và về nguyên lý cây ra quả tự nhiên sức bền cây và chất lượng quả sẽ tốt hơn.
Liên kết thành những trục trái cây lớn của đất nước hoa trái quanh năm là ý tưởng lãng mạn và thiết thực.