| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người đàn ông 'gàn' biến vùng đất trũng thành vàng

Thứ Ba 04/04/2017 , 14:30 (GMT+7)

Suốt một thời gian dài, khu vực xứ đồng Nảy Tài đất đai cằn cội, đi lại khó khăn không ai buồn ngó ngàng đến. Ấy thế mà có một người đã bán đất, bán xe, vay tiền ngân hàng để "đổ" vào đây, ấp ủ giấc mơ làm giàu.

Đó là anh Đỗ Xuân Sơn (SN 1971, trú tại thôn 9, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
 

Xa vợ ra ngủ với... ễnh ương

Đến tận bây giờ, những mẩu chuyện về ngày đầu lập nghiệp của anh Đỗ Xuân Sơn vẫn được xem là kỳ tích.

“Mặc dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng bằng niềm tin mãnh liệt và nỗ lực phi thường, anh Sơn khiến cho tất cả phải trầm trồ thán phục”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thọ Xuân Lê Thọ Cường khẳng định chắc nịch.

14-49-43_4
Những nỗ lực phi thường của anh Đỗ Xuân Sơn sau 4 năm đã được đền đáp xứng đáng

Trước khi bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại, anh Sơn có thâm niên gần 20 năm (từ 1995 đến 2013) lăn lộn với nghề vận tải. Có vất vả nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế không tồi, công việc kinh doanh hiệu quả giúp anh có điều kiện tậu đất, dựng nhà và tích góp được lưng vốn kha khá.

Vì lẽ đó, khi anh quyết định rẽ ngang sang lĩnh vực mới thì tất thảy đều ngỡ ngàng, nhiều kẻ ác mồm còn cho rằng đầu óc anh có vấn đề, khi không đang yên đang lành lại tự dưng muốn ôm rơm nặng bụng.

"Đi đây đi đó thường xuyên, tiếp xúc với nông dân, được tham quan những mô hình trang trại quy mô lớn giúp tôi mở mang tầm mắt. Dần dà tôi nhận ra mình có tình yêu lớn với nông nghiệp và ấp ủ giấc mơ sẽ đồng hành với nó”, anh Đỗ Xuân Sơn tâm sự.

Lại nói về xứ đồng Nảy Tài, toàn bộ diện tích này trước đây đều là đất lúa. Đặc điểm địa hình nửa trũng, nửa vàn cao, vừa khó dẫn nước vừa thường xuyên chịu cảnh ngập úng, nhận thấy quá nhiều rủi ro nên người dân không mặn mà canh tác, nếu có cũng chỉ triển khai lấy lệ.

Xuất phát từ lý lo trên, khi xã Xuân Trường có chủ trương quy hoạch lại đất để phát triển mô hình trang trại thì gần như không ai buồn bận tâm. Thế nhưng bản thân anh Sơn thì hào hứng tột độ.

Nhận thấy cờ đã đến tay, anh sốt sắng làm đơn xin thuê lại 2,2 ha với mức phí 1 tạ thóc/sào/năm, thời hạn kéo dài trong 5 năm. Không ai cạnh tranh nên nguyện vọng của anh nhanh chóng được chính quyền địa phương chấp thuận. Ngày nhận đất anh Sơn vui mừng như vớ được vàng, trong khi bên ngoài kẻ dè bỉu, người chê bai không tiếc lời.

“Đi đến đâu người ta bàn tán đến đó, họ gọi tôi là thằng khùng, thằng điên, những lúc như thế chỉ biết cúi gằm mặt mà đi”, anh Sơn bùi ngùi nhớ lại.

14-49-43_2
Anh Sơn đang chăm sóc cho vườn cam

Ban đầu, anh Sơn dự định triển khai nuôi lợn làm hướng đi chính. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường quá bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường nên quyết định chuyển hướng sang nuôi gà Đông Tảo với quy mô trên 1.000 con, đồng thời tiến hành trồng cùng lúc 1.200 gốc cam Vinh và 2.000 cây cam đường Canh.

Chân ướt chân ráo bước vào nghề, vốn liếng kinh nghiệm chưa thấm tháp vào đâu nên sự cố cứ thế thi nhau tiếp diễn. Nghiêm trọng hơn cả là toàn bộ diện tích 1ha cam đường Canh không tài nào chịu lớn, cây phát triển còi cọc, trơ trụi lá và héo queo, héo quắt, để rồi tất cả 2.000 gốc cam đành phải nhổ sạch. Riêng vụ này, anh mất trắng 400 triệu đồng.

Cần nói thêm, khi anh Sơn quyết định thầu đất áp dụng mô hình kinh tế trang trại trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” Nảy Tài, làng xóm chê cười đã đành, đến cả người vợ đầu ấp tay gối suốt nhiều năm cũng gay gắt phản đối. Thất bại lần này như đổ thêm dầu vào lửa, không những bỏ mặc anh tự xoay xở “nơi ốc đảo”, chị còn cấm tiệt 2 đứa con bén mảng ra khu vực trang trại.

Một thân một mình thui thủi giữa đồng không mông quạnh, tiếng ếch nhái, ễnh ương ồm oàm réo rắt suốt những đêm khuya khiến anh không khỏi chạnh lòng…
 

Canh bạc tất tay

Tiếp tục hay dừng lại? Câu hỏi trên ám ảnh anh Sơn suốt nhiều ngày liền. Nếu buông xuôi đồng nghĩa với việc mất tất cả, suy nghĩ đó càng thôi thúc anh quyết tâm hơn.

Nhận thấy không thể thành công với cách làm chộp giật, thế nên bên cạnh việc gia cố, hoàn thiện lại hệ thống trang trại, anh Sơn ngày đêm miệt mài tìm hiểu thêm thông tin, kinh nghiệm từ sách báo, mạng internet. Ngoài ra, anh không tiếc công đi tham quan thực tế các mô hình, ăn chực nằm chờ cả tháng trời tại những “thủ phủ” có tiếng về trồng cây ăn quả trên cả nước như Hòa Bình, Hưng Yên hay Bắc Giang.

14-49-43_1
Mô hình trồng cây ăn quả của anh Đỗ Xuân Sơn đang phát huy hiệu quả

Sau thời gian “cắp sách tới trường”, nhận thấy bản thân đã sẵn sàng đối đầu với thách thức nên anh Sơn quyết định chơi canh bạc tất tay. Trên diện tích sẵn có, anh tiến hành trồng cây ăn quả dàn trải, từ cam Vinh, cam đường Canh cho đến chanh đào, bưởi da xanh, ổi, mít Thái thi nhau mọc lên, ngoài ra anh còn tận dụng thêm quỹ đất làm chuồng, nuôi hàng trăm cặp chim bồ câu.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2015, anh Sơn tiếp tục đấu mối, thuê thêm 3,5 ha đất nhân rộng mô hình lên gần 6ha, đồng thời đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại hàng đầu của Israel nhằm phát huy tối đa hiệu quả.

Không chút giấu giếm, anh Sơn cho hay: “Tổng chi phí đến thời điểm này rơi vào khoảng 3,8 tỷ đồng, để có tiền đầu tư tôi phải bán đất, bán xe và vay mượn ngân hàng, hiện vẫn nợ trên 1 tỷ đồng. Sau 4 năm ròng rã đổ mồ hôi sôi nước mắt, đến giờ tôi mới thấy dễ thở hơn đôi chút”.

14-49-43_5
Bên cạnh cây ăn quả, mô hình nuôi bồ câu cũng mang lại cho anh Sơn khoản thu nhập tương đối khá

Chăm cây đã đến ngày hái quả, tháng 10/2016, trang trại chính thức thu hoạch lứa sản phẩm đầu tiên. Thời điểm đó, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau, gồng gánh vào "ăn" hàng, tiếng người mua, kẻ bán lanh lảnh không ngớt như muốn xé toang không gian trầm lắng của vùng đất khó.

Hơn 7 tấn cam Vinh, ngót chục tấn cam đường Canh và trên 20 tấn chanh đào mang lại doanh thu ngót 1 tỷ đồng, trừ chi phí phân gio, giống má, công cán, chủ nhân bỏ túi trên 700 triệu đồng. Lúc này, khắp từ làng trên xóm dưới mới ngớ người ra, từ chỗ chê cười họ chuyển sang khâm phục anh, tuyệt nhiên từ đó trở đi không còn ai nhắc đến cái tên Sơn “khùng” nữa.

Thành quả đầu tay trở thành chiếc cầu nối để vợ chồng anh xích lại như xưa.  “Đang yên đang lành, đùng đùng quay ngoắt 360 độ đòi bán nhà, bát đất làm trang trại, trong khi một chữ bẻ đôi về nông nghiệp cũng không biết thì ai tán thành cho được? Chồng một nơi, vợ một nơi, con cái chịu nhiều thiệt thòi nên trong thâm tâm nào có được yên, nghĩ rằng để anh tự xoay xở một thời gian sẽ từ bỏ chứ ai ngờ anh quyết làm đến cùng”, chị Trịnh Thị Tuyết, vợ anh Sơn thổ lộ.

Trong các sản phẩm hiện có, anh Sơn đặt nhiều kỳ vọng vào giống bưởi đào và bưởi da xanh. Được biết, 1.600 gốc bưởi đào trồng từ năm 2013, đến nay tất cả phát triển tốt, thân to, khỏe, cao trên 2m, theo tính toán đến 2018 sẽ thu hoạch, mỗi cây cho khoảng 300 quả.

Trong khi đó, bưởi da xanh dù là giống khó tính, tỷ lệ đậu quả kém hơn nhưng nhờ chăm bẵm đúng quy trình nên chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, quả ngọt, thơm, múi to, mọng nước, thế nên dù giá cả cao chót vót (55.000đ/kg) nhưng có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Dự kiến, 2 mặt hàng chủ lực này cùng với các sản phẩm sẵn có sẽ mang lại cho anh Sơn khoản lãi ròng không dưới 1 tỷ đồng/năm.

“Giờ đây anh có thể kê cao gối ngủ ngon rồi đấy?”, tôi hỏi. “Không đâu, tôi đặt ra mục tiêu sẽ mở rộng trang trại thêm 4ha nữa, hãy còn vất vả dài dài anh ạ”, nói đoạn anh nông dân Sơn “khùng” cười tít.

Nỗ lực của Đỗ Xuân Sơn đã được ghi nhận xứng đáng, trong năm 2016, anh vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa vinh danh là 1 trong 70 công dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh về sản xuất giỏi.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm