| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người làm nghề lái cộ bò trở thành người 'nổi tiếng'

Thứ Sáu 22/12/2017 , 15:30 (GMT+7)

Anh Ma Văn Ngân (SN 1976, ở phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) có “thâm niên” 20 năm mưu sinh bằng nghề lái cộ bò, nên nhiều người đặt cho anh biệt danh Ngân “cộ bò”.

Theo anh Ngân, làm nghề lái cộ bò phải siêng, kêu đâu đi đó, chịu khó như vậy, người ta mới “để ý”, có việc là họ nghĩ ngay đến mình.
 

I. Sau cơn bão số 12, sáng Ngân ra chuồng lui cui mang dép cho bò (dép làm bằng miếng cao su có sợi dây bó vào chân cho bò để bò kéo cộ bước đi không bị đau móng), rồi dắt con bò tới con đường trước nhà. Cột con bò vào hàng rào rồi mắc cộ vào, sau đó anh thắt dây bụng, dây lưng, dây cương xong là thẳng tiến đi chở vật liệu xây dựng.

12-52-26_1
Anh Ngân có “thâm niên” lái cộ bò 20 năm

Lúc thì chở cộ ngói úp, lúc thì chở gạch…để người dân sửa nhà cửa sau cơn bão số 12. Ngày nào cộ bò của Ngân cũng lăn bánh trên khắp nẻo đường, hẻm hóc . Anh cho biết: "Mấy nhà gần đường rộng thì thuê xe tải chở vật liệu xây dựng. Còn trong hẻm, xe tải không lọt vào mới đến tay cộ, coi vậy chứ mần nghề như tôi dày đặc “lịch” công việc. Người thì gọi chở cát đá, người thì gọi chở gạch, xi măng…".

Làm nghề này phải siêng, vì vậy có khi tầm 2 giờ khuya, anh phải lái cộ bò ra sông Ba hốt sạn chở về cho kịp sáng ra thợ làm nhà. Cộ bò đi ra khỏi nhà 2 giờ thì mình thức lúc 1 giờ, ra chuồng bỏ cỏ cho bò ăn no cành hông, bò có sức mới kéo nổi trọng lượng trên nửa tấn. Từ 2 giờ sáng ra sông Ba mất tiếng đồng hồ, một mình hốt sạn đến mờ sáng mới đầy cộ cho bò kéo về.

Còn kéo gạch đá thì thời gian làm việc rất vô chừng, bất kể nửa đêm gà gáy hay trưa tròn bóng, hết đâu chủ nhà gọi đó. Vì thế cộ bò cũng phải “chạy sô”, kéo cát đến nhà này rồi ghé qua nhà bên kia hốt lên cộ xà bần vận chuyển đầu ra. Ngân thổ lộ: Cộ bò “chạy sô” vừa có thêm thu nhập, vừa chạy việc cho chủ nhà, cực nhưng mà vui vì có đồng ra đồng vào!

Cũng do siêng với nghề cộ bò nên Ngân trở thành người “nổi tiếng”. Nhà Ngân nằm trong con hẻm đường Nguyễn Hữu Thọ (phường 9). Nhiều người ở xóm ra đường gặp người thân hỏi thăm nhà ở hẻm nào, đều “xưng” nhà tôi ở trong hẻm thằng Ngân “cộ bò”. Còn nhà ở hóc trong hẻm đều có số điện thoại lưu tên Ngân “cộ bò”…
 

II. Ông Cao Văn Thọ, nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Hữu Thọ, cho hay: "Nhà tôi vừa rồi bị bão “con voi” dỡ đi mấy miếng ngói, tôi gọi điện thoại cho Ngân “cộ bò” chở ngói, gạch, đá đến cho thợ lợp nhà chạy lại đường súc. Trước đó, tôi cất nhà, các vật liệu xây dựng nhờ Ngân “cộ bò” chuyên chở. Nhà tôi ở trong hẻm chật khi kéo cộ vô không có chỗ trở đầu ra, Ngân điều khiển con bò de (lùi) như xe ô tô vậy".

Nghề lái cộ bò của Ngân tiếng tăm ra tận xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Anh Nguyễn Trung Hiếu nhà ở hẻm đường Mậu Thân (xã Bình Kiến) cho rằng, Ngân “cộ bò” không chỉ điều khiển con bò de như xe lớn mà còn bẻ qua cua rất điệu nghệ! “Hẻm nhà tôi có hàng trăm ngôi nhà đều do Ngân “cộ bò” chuyên chở vật liệu xây dựng mà nên. Bây giờ làm nhà xong tôi vẫn còn lưu số điện thoại của Ngân, đôi hồi nếu mình cần cộ cát đúc chậu trồng bông thì liên lạc cũng tiện”, anh chia sẻ.

12-52-26_2
Từ nghề này, anh Ngân nuôi con vào đại học

Tháng Chạp hằng năm khi mà nghề xây dựng nghỉ chuẩn bị ăn tết thì Ngân chuyển sang chở chậu bông cúc, quất, mai của làng bông trong hẻm phường 9 và xã Bình Kiến tập kết ra cạnh đường lớn. Bông ở vùng này được người mua chất lên xe tải chở lên Đắk Nông, ra Hải Phòng, vô Ninh Thuận… để bán lại. Vì thế, đến mùa bông thì cộ bò của Ngân cũng lộc cộc nửa đêm, gà gáy… mưu sinh. Công việc nối tiếp công việc, khi tới mùa đúc chậu thì Ngân “cộ bò” chở cát, xi măng vô trong hẻm, góp phần “làm đẹp” làng bông TP Tuy Hòa.

Ngân nhẩm tính đến nay mình đã tròn 20 năm lái cộ bò, từ thời bò cỏ rồi đến bò lai như bây giờ. Bò đực thì có con ụ nồi (ụ giống cái nồi), có con ụ búa (giống như cái búa bắt đinh). Thường con bò ụ búa đi cổ cao hơn, còn con ụ nồi đi cổ cúi xuống. Con bò kéo cộ hiện giờ của Ngân cao to nên anh đứng thấp hơn cái ụ búa của nó.

Theo Ngân, lựa bò kéo cộ phải bung đùi “đổ” thịt mới kéo trọng tải trên nửa tấn được. Bò lai cao to nhưng nó lỳ đòn hơn bò cỏ. Vì thế khi mua về huấn luyện kéo cộ, mình “làm hung làm dữ” cho nó sợ, sau này điều khiển là nó biết nghe răm rắp.

“Lái cộ bò cũng phải bỏ số, số chậm số nhanh. Số chậm là bò đi bình thường, còn số nhanh thì tăng tốc lên dốc. Gần đến dốc thúc roi cho bò chạy lấy trớn rướn lên dốc cao, chứ bước đi từng bước một, đến nửa dốc sức nặng trong cộ làm cho bò bước lên không được mà “bịn” lại cũng không xong, cộ dễ trụt lui nhật nhào lắm. Chất đồ lên cộ bò cũng phải có cách, cứ “nặng đuôi nhẹ đầu”, khi đi lên dốc sức nặng dồn ra sau “câu” con bò lên trời, nguy hiểm lắm!”, Ngân nói.

Nghề lái cộ cũng phải có người phụ, đó là lo “chạy” thức ăn cho bò. Trước đây, vợ Ngân ra cánh đồng trước nhà ngồi “nạo” bờ ruộng cả buổi mới đầy giỏ cỏ mang về. Làm nghề này, Ngân lo nhất là khi kéo cộ ngoài đường gặp đàn bò lùa ngang qua, bò kéo cộ nó “ức” cái chạy theo, ghì cương không lại, lúc đó “động cơ mất lái”, dễ gây ra tai nạn.

Từ khi theo nghề đến nay, Ngân cũng không nhớ mình đã kéo bao nhiêu lứa bò và trải qua bao nhiêu “xác” cộ.
 

III. Lúc đầu khởi nghiệp làm ăn, Ngân sắm xe ba gác nhưng khi vào nghề chở sạn cát dưới sông Ba hoặc qua đường lún thì ba gác chịu chết. Thấy sắm ba gác không ăn, còn cộ bò thì “thầu” hết nên sau một năm, Ngân chuyển qua lái luôn cho đến nay. Thành thử bây giờ, Ngân có 2 nghề, vừa chạy ba gác vừa lái cộ bò. Nhưng cộ bò là chính còn ba gác phụ, ví dụ như khi chủ nhà gọi còn thiếu 3 bao xi măng thì Ngân đạp ba gác đi cho nhanh.

Nghề này làm việc dưới cái nắng như đổ lửa, nhờ đội cái mũ rộng vành phủ bóng mát “ôm” cái mặt nên Ngân chịu đựng được cái nắng chói chang. Ngân nhớ lại, cách đây hơn 10 năm lúc đó hoàn cảnh khó khăn, có lúc con bị bệnh, vợ lo chăm sóc con. Sáng, Ngân “tự túc” ăn cơm nguội rồi lủi thủi đi lái cộ bò. Có hôm kéo chuyến gạch xong về nhà cởi chiếc áo ướt vắt trên hàng rào cho ráo mồ hôi, gần trưa một người trong hẻm đến kêu Ngân đi kéo đá chẻ.

12-52-26_3
Anh Ngân “ăn nên làm ra” nhờ có cộ bò

Thế là chạy vô trong, nồi cơm mới bắc lên bếp chưa kịp sôi, anh chỉ kịp quơ cái áo tay dài, chụp cái mũ đội đầu vừa đi vừa cài nút. Ra quán hàng xén đầu đường mua gói mì tôm nhét trong túi áo, trên đường cộ bò lăn bánh, anh tranh thủ xé ra ăn sống rồi uống nước lấy sức. Có lúc đói bụng thấy bà bán bắp nấu ven đường, anh dừng cộ lại mua rồi “gặm” mấy trái lót bụng.

Vợ Ngân ngày rằm, mùng 1, buôn bán bông bình (bông cắm bình) kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Niềm vui lớn nhất của vợ chồng anh là đứa con trai đầu Mai Anh Giang đang học năm nhất Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Đứa thứ hai là Mai Anh Danh, học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa.

Hỏi chuyện thì Ngân bảo nhờ trời thương nên không có đau bệnh, có sức lái cộ bò nuôi con ăn học thành đạt. “Đến  giờ mà nói, gia đình tôi “ăn nên làm ra” nhờ có cộ bò” , anh cười hỉ hả.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.