| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về "người lãnh đạo hộ nghèo"

Thứ Tư 13/11/2013 , 10:13 (GMT+7)

Những năm gần đây, khi nhắc đến Bình Liêu (Quảng Ninh) người ta thường nghĩ ngay đến miến dong, một đặc sản nổi tiếng của địa phương này.

Những năm gần đây, khi nhắc đến Bình Liêu (Quảng Ninh) người ta thường nghĩ ngay đến miến dong, một đặc sản nổi tiếng của địa phương này.

Cùng với sự thành công của thương hiệu miến dong, đời sống kinh tế của hàng ngàn hộ dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Nhưng ít ai biết rằng, người thúc đẩy thương hiệu miến dong Bình Liêu chính là Nguyễn Xuân Bách, một cựu binh.

Quê ông Bách ở TP Hải Phòng. Sáu năm khoác áo lính đồn Biên phòng 213- Bình Liêu, đến năm 1989, ông xuất ngũ chuyển về công tác tại Cty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu. Nhớ lại những năm tháng còn trong quân đội, ông kể: Mỗi lần mình ở lại đơn vị trực Tết, bà con dân bản gửi biếu vài cân miến dong làm quà, tôi ăn thấy sợi miến dai và có vị thơm ngon hơn hẳn so với miến những nơi khác. Từ đó tôi đã có ý tưởng sau này nếu có điều kiện sẽ làm một việc gì đó để sợi miến dong Bình Liêu đứng vững trong lòng khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Gian nan tạo dựng thành quả

Năm 2003, huyện Bình Liêu có chủ trương khôi phục nghề trồng cây dong riềng và chế biến miến dong, ông Bách đã được lãnh đạo huyện tin tưởng giao nhiệm vụ “đứng mũi chịu sào”. Khỏi phải nói những ngày đầu khó khăn vất vả thế nào khi bắt tay vào làm miến, ông Bách cho biết: Phải mất hàng tháng trời để tìm ra địa điểm, mặt bằng để đặt xưởng chế biến, nhưng cũng chỉ là vùng đồi núi hoang vu, thiếu thốn đủ thứ.

Giao lại cho anh em san gạt mặt bằng và xây dựng nhà xưởng, một mình ông lặn lội 2 tháng trời đi khắp các vùng Thái Bình, Hà Tây cũ, Hưng Yên, đến tất cả những nơi có nghề truyền thống làm miến lâu năm để học hỏi.

Xây xong nhà xưởng, lại gặp phải khó khăn khác là việc tuyển dụng công nhân. Người địa phương ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí thấp, tay nghề không có, thậm chí khi tuyển vào làm việc ông Bách phải dạy từ cách quét nhà. Kinh doanh thì phải có vốn, bên cạnh sự hỗ trợ của huyện (50% máy móc), ông phải mang bìa đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn.


Sản xuất miến dong tại Bình Liêu

Sau bao ngày chuẩn bị, đến năm 2007, mẻ miến thử nghiệm đầu tiên đã thành công trong niềm phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, cơn bão số 6 năm 2008 ập đến, nước lũ dâng lên cuốn trôi tất cả mồ hôi, công sức mà ông và tập thể công nhân đã vất vả gây dựng trong hơn 2 năm, làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhưng với bản lĩnh và nghị lực của người lính, ông Bách lại bắt tay vào làm lại từ đầu.

Sau những cố gắng của ông và toàn thể công nhân, đến nay, cơ sở sản xuất miến dong đã đi vào hoạt động khá ổn định. Chỉ tính riêng năm 2012, cơ sở đã bán ra thị trường gần 90 tấn miến thương phẩm, với giá bán buôn bình quân 75.000 đồng/kg, thu về trên 6 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn cho lãi gần 500 triệu đồng. Mặc dù giá miến Bình Liêu luôn đắt hơn miến ở các vùng khác từ 15-20 nghìn đồng/kg, nhưng các thương lái từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn… vẫn tranh nhau mua, nhất là vào các dịp Tết.

Theo ông Bách, hiện tại, lợi nhuận của xưởng còn thấp do chi phí khấu hao đầu tư ban đầu lớn. Đặc biệt là chính sách giá thu mua nguyên liệu đầu vào cho bà con hiện là 3.000 đồng/kg, cao gấp hai lần so với giá nguyên liệu ở các tỉnh khác. Toàn huyện Bình Liêu có trên 2.000 hộ trồng dong riềng trên tổng diện tích 150 ha, tập trung chủ yếu ở 4 xã (Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc và Húc Động). Hằng năm, cơ sở của ông Bách đã thu mua của bà con 1.300 tấn nguyên liệu, với thu nhập bình quân mỗi hộ từ 10-15 triệu đồng/vụ.

Để khuyến khích bà con trồng dong riềng phục vụ sản xuất, huyện Bình Liêu đã hỗ trợ cho bà con một lần về giống và phân bón. Ngoài ra, huyện còn tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng dong riềng cho 600 hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Thu nhập bình quân từ 3-6 triệu đồng/người/tháng cộng với bữa ăn trưa công nghiệp, 50 công nhân của cơ sở sản xuất miến dong Bình Liêu đã thực sự thoát nghèo, vươn lên đủ ăn, đủ mặc, lo cho con cái học hành, mua được cả tivi, xe máy, quạt điện…

Thương hiệu làm nên thành công

Đối với nhiều người kinh doanh chỉ biết đến sản xuất, việc bán được hàng hay không đều thụ động phó mặc cho thị trường. Nhưng với ông Bách thì khác, ngay khi bắt tay vào sản xuất, ông đã nghĩ ngay tới việc phải xây dựng thương hiệu để việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.


Thương hiệu miến dong Bình Liêu đã được khẳng định trên thị trường

Ông Bách cho biết: Trước hết phải tập trung làm sao để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, muốn vậy phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào, xử lý bột dong, cho đến khâu tráng bánh đa, thái sợi, đóng gói phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt làm sao để thiết kế mẫu mã bao bì đẹp và hấp dẫn người tiêu dùng.

“Khi thiết kế bao bì, rất nhiều mẫu mã thiết kế ra nhưng tôi không thấy ưng ý. Cơ duyên đến, khi tình cờ về quê gặp người bạn cũ từng là sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp, và người bạn này đã giúp tôi thiết kế thành công mẫu bao bì như ngày hôm nay”, ông Bách cho hay.

Hỏi về những được, mất từ khi dấn thân vào nghề, giọng ông lắng xuống: Xưởng miến này tôi đã đầu tư đến nay gần 6 tỷ đồng, với số tiền này tôi có thể gửi vào ngân hàng lấy lãi mà không cần lao tâm, khổ tứ. Nhưng đã trót nặng lòng với cây dong riềng, với thương hiệu miến Bình Liêu và với cuộc sống của bà con, nên tôi nguyện nhận lấy cái nghiệp vào thân. Bà con ở đây thường gọi đùa tôi là “Người lãnh đạo hộ nghèo”, có lẽ đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của tôi.

Có thể nói, việc gây dựng và phát triển nghề sản xuất miến dong là chủ trương đúng đắn của huyện Bình Liêu, góp phần mang lại hiệu quả to lớn cả về kinh tế và xã hội đối với người dân trong huyện.

Nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp, mà hàng ngàn hộ nông dân trồng dong riềng cũng có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở chế biến như của ông Bách còn gặp khó khăn về vốn để đầu tư kho lạnh làm nơi dự trữ bột dong.

Ông Bách mong muốn lãnh đạo huyện cần cơ chế tạo điều kiện để cơ sở ký hợp đồng thu mua toàn bộ nguyên liệu do bà con sản xuất, giúp bà con yên tâm mở rộng vùng trồng dong riềng. Mặt khác huyện cần quan tâm hoàn thiện thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp bìa đỏ cho đơn vị để thuận lợi trong việc vay vốn ngân hàng.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất