| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người 'sở hữu' đất và bò nhiều nhất huyện Đà Bắc

Thứ Sáu 02/12/2016 , 13:15 (GMT+7)

"Sở hữu" trên 170 ha đất, có lẽ nông dân Lường Văn Sương, người dân tộc Tày ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) là một trong những người tích tụ được nhiều đất bậc nhất trong vùng. Anh con sở hữu 3 trại bò, mỗi trại nuôi cũng tầm 30-50 con...

Hễ cứ thấy người dân trong xóm bỏ đất hoang anh đều tìm cách mua hoặc thuê lại để đầu tư và cải tạo thành những mô hình kinh tế hái ra tiền như nuôi trâu bò, trồng chanh leo, mở xưởng chế biến lâm sản, mở chợ phiên…

16-50-30_nh-luong-vn-suong-phu-giup-nhn-cong-cho-bo-njpg
Anh Lường Văn Sương phụ giúp công nhân cho bò ăn

 

Vượt hơn 80 cây số từ TP Hòa Bình trên những con đường đèo đang thi công mở rộng, bụi mù mịt, tôi tìm đến xóm Nà Lốc nơi tận cùng của huyện vùng cao Đà Bắc lúc trời đã sập tối. Sáng sớm hôm sau, tôi được anh Lường Văn Sương chở trên chiếc ô tô gầm cao trị giá tiền tỷ để đi thăm cơ ngơi trên núi của mình sau 20 năm vất vả gây dựng.
 

Mê đất

Trên con đường dốc gồ ghề đầy đá, sỏi lớn, chiếc xe dù lắc lư ngả nghiêng vẫn chầm chậm vượt dốc đưa chúng tôi lên cao.

Anh Sương cho biết, ngày trước đây chỉ là một con đường mòn, muốn đi lên núi chỉ có cách leo bộ. Sau khi mua được vài chục ha đất trên núi, anh Sương đã tự mình bỏ công bỏ sức, thuê người ủi đất làm mất nửa năm trời mới thành con đường ô tô đi tạm được như bây giờ…

Lấy vợ sớm khi mới vừa bước qua tuổi hai mươi, được cha mẹ cho ra ở riêng với 300 m2 đất mà không có một con trâu, con bò nào làm vốn khiến cuộc sống vợ chồng anh khó khăn vô cùng.

Sau 4 năm lập gia đình, hằng ngày anh vẫn phải khoác một can nước 10 lít leo đồi đi cày mướn cho bà con trong vùng để đổi công khai phá đất. Khi được bố mẹ cho 800 ngàn đồng từ tiền bán trâu và vay người anh ruột thêm ít tiền, anh quyết định mua một máy xát gạo để làm dịch vụ trong xóm.

Làm ăn được 2 năm, anh đã xóa được cái đói của gia đình, tiền lời đem đầu tư hết trên những mảnh đất vừa khai phá. Cải tạo xong đất, anh bỏ tiền mua giống keo, bồ đề và trẩu trồng xen canh với sắn, với ngô để lấy ngắn nuôi dài. Sau vài năm diện tích trồng đã được phủ kín đến 5 ha.

16-50-30_mot-goc-tri-bo-giu-vung-nui-cojpg
Một góc trại bò giữa vùng núi cao
 

Năm 2006, khi bắt đầu đã có thu nhập từ cây trẩu, cây keo, anh mạnh dạn xuống huyện vay Ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu để mua chiếc xe ben chở gỗ. Đây là chiếc xe ben đầu tiên của cả xã miền núi Đồng Chum. Có phương tiện, có vốn liếng, vợ chồng anh liên doanh, liên kết với các hộ dân trong xóm và mua thêm đất hoang để trồng trọt, sản xuất. Từ 5 ha, diện tích đất lúc này của anh đã lên đến 60 ha.

Quyết định làm ăn lớn, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, anh tiếp tục đi vay ngân hàng 500 triệu để mua thêm 1 chiếc ô tô tải và 1 máy xúc san ủi mặt bằng, mở đường lên núi khai hoang. Ngày xưa, để đến được khu đất trồng ngô, tất cả người dân trong xóm phải đi bộ leo đồi hết gần cả buổi sáng, phí mất bao công sức vác phân lên, vác ngô xuống. Bây giờ, nhờ con đường mới lên đất canh tác, nhiều hộ đã có thêm điều kiện làm đất, mở rộng thêm diện tích trồng ngô, trồng sắn gấp 5 gấp 10 lần ngày xưa.

Hiện tại, gia đình anh đã mua được 120 ha đất trồng trot, sản xuất và có thêm 50 ha đất trồng keo liên kết với người dân theo tỷ lệ ăn chia 50-50. Năm ngoái, khi thu hoạch 1 ha keo bán lãi 30 triệu, người dân liên kết đất với anh được nhận ngay 15 triệu, còn phần anh chỉ lãi được khoảng 8 triệu do phải chịu chi phí đầu tư ủi đường, vận chuyển...
 

Trại bò trên mây

Câu chuyện miên man không dứt, con đường cứ ngắn dần. Một trong những thành quả của anh ngày nay, trang trại bò đang dần hiện ra trước mắt chúng tôi giữa đỉnh núi mù sương. Bao phủ quanh trại là những hàng cỏ voi cao trên 2 m, xanh mướt cả một vùng núi. Đầu trang trại là một cái ao đầy nước được bắt ống dẫn từ đỉnh núi Pu Sà xuống, dùng cho việc tưới cỏ và cho bò uống.

Hiện tài sản của anh Sương ngoài hơn 100 ha đất với khoảng 160 con trâu bò, 4 ô tô, 2 máy xúc, 2 cơ sở sản xuất gạch… tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.

Anh Sương cho hay, trại bò này có 50 con, được thả trên một vùng đất rộng chừng chục ha. Tổng cộng anh Sương có đến 3 trại bò trên mây như thế. Những trại còn lại được xây dựng cách đây 6 km, mỗi trại nuôi cũng tầm 30-50 con, lúc cao điểm chưa bán cho thương lái tổng số trâu bò của anh lên đến 150 con, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Để quản lý 3 trại bò này, anh Sương thuê cố định 5 nhân công đều là người trong xóm để trông nom. Ngoài tiền lương cố định, mỗi năm những nhân công này còn được cho thêm 2 con bê hoặc nghé để năm sau tiếp tục chăm sóc chung cùng đàn.

Do được anh Sương dặn trước nên đàn bò sáng nay vẫn chưa thả đi xa, bình thường mỗi sáng bò được thả đi ăn tự do trên núi, buổi chiều người làm thuê rắc muối để bò tự về chuồng. Để cho chúng tôi chụp ảnh, một anh công nhân gõ kẻng báo ăn, những con bò đang lang thang giữa núi bỗng lũ lượt kéo nhau về chật cả cổng trại, tiếng lục lạc vang vọng khắp núi đồi. Có lẽ do háu ăn hay thời tiết những ngày này không rét lắm nên nhìn đàn bò nơi đây con nào cũng tràn đầy sức sống.

16-50-30_dn-bo-lu-luot-keo-nhu-ve-n-khi-nghe-tieng-kengjpg
Đàn bò lũ lượt kéo nhau về ăn khi nghe tiếng kẻng
 

Giới thiệu cho tôi một con bò to mập đang nhai ngấu nghiến những lá cỏ voi, anh Sương kể, đây là con bò khởi nghiệp được vợ chồng anh mua từ năm 2008 với giá chỉ 2,8 triệu đồng. Cộng trên sổ sách, đến nay từ con bò cái này đã cho sinh nhiều thế hệ lên đến 20 con khác, tổng sinh lợi của riêng con bò này mang lại khoảng 200 triệu đồng.

Nuôi bò trên núi tưởng chừng như rất đơn giản, chỉ cần trồng cỏ voi cho ăn và lấy nước suối cho uống, tuy nhiên vào những ngày trời rét nếu không biết cách phòng chống và đầu tư kỹ càng chuồng trại thì trâu bò sẽ chết rất nhanh. Đợt rét kỷ lục năm 2015, tuyết rơi trắng xóa cả Đồng Chum đã làm chết 3 con bò và 4 con trâu của anh, dù trước đó đã mua thêm 10 bóng đèn cao áp để sưởi nhưng vẫn không thể cứu nổi những con sức yếu hay mới sinh.

Rút kinh nghiệm sau đợt rét hại năm ngoái, năm nay anh vừa mới bỏ thêm 50 triệu đồng gia cố chắc chắn mái che và xây thêm tường bao quanh chuồng trại, sẵn sàng đón thêm 10 con bò giống mới, cao sản về nuôi. Một mô hình nông nghiệp khép kín ra đời, khi toàn bộ phân bò, phân trâu hằng ngày được nhân công thu gom để đem đi ủ, phục vụ cho vườn chanh leo cách đó chừng 3 cây số.

16-50-30_con-bo-giong-du-tien-duoc-nh-suong-mu-tu-nm-2008jpg
Con bò giống đầu tiên được anh Sương mua từ năm 2008
 

Ngoài 3 trại bò tập trung này, anh còn có thêm vài chục con bò đang nuôi giẽ ở các hộ dân trong xã với cơ chế ăn chia theo tỷ lệ 50-50. Cứ 2 con bê được sinh ra thì mỗi bên lại được hưởng 1 con.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm