| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về người thương binh đi xe lăn 40km hỏi vợ

Thứ Hai 24/07/2017 , 14:29 (GMT+7)

Tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, 97 thương binh ở đây đều là thương bệnh binh hạng ¼, tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%...

Bên chiếc bàn la liệt đồ điện gia dụng kê sát ô cửa sổ, ông Tư tỉ mẩn ngồi tách, sửa từng chi tiết nhỏ xíu rồi lắp lại hoàn chỉnh. Nghề này đã giúp ông góp phần nuôi cả gia đình và cậu con trai ăn học thành tài, làm cho một công ty lớn tại Hà Nội.

Nhìn ông Nguyễn Ngọc Tư lúi húi sửa đồ điện, rất khó để nhận ra ông là thương binh. Chỉ đến khi người đàn ông này kết thúc công việc, gấp lại chiếc bàn đặt bên cửa sổ, chậm rãi dùng đôi tay để di chuyển từ giường ra xe lăn, mới biết đôi chân của ông bị tàn phế.
 

Đi xe lăn 40km hỏi vợ

Trong căn phòng của đôi vợ chồng Tư - Phương ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh, nhiều đồ điện gia dụng từ đầu đĩa, quạt, máy bơm cho đến những chiếc vợt muỗi bằng điện được chia làm hai góc. Một góc cho hàng mới nhận về để sửa, góc còn lại là những đồ gia dụng đã sửa xong.

16-10-53_nguyen-ngoc-tu
Thương binh Nguyễn Ngọc Tư sửa chữa đồ điện gia dụng

Căn nhà mới sửa lại, đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt gia đình. “Hai vợ chồng dành dụm nhiều năm, cũng mới sửa lại thôi. Tiền từ nghề điện cũng ổn lắm, có đồng ra đồng vào”, ông Tư nói.

Nguyễn Ngọc Tư từng tham gia tại chiến trường Tây Nam năm 1979. Trong lúc đi tìm thi thể đồng đội hy sinh sau một trận chiến, anh Tư ngất lịm khi tiếng nổ chát chúa vang lên. Tỉnh dậy trong bệnh viện, các bác sĩ cho Tư biết anh bị vướng mìn, cột sống tổn thương vĩnh viễn, cả đời sẽ phải gắn với chiếc xe lăn.

Một năm sau, anh Tư được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh. Tại đây, anh gặp chị Phương, khi đó đang là điều dưỡng viên tại Trung tâm.

Những lần chăm sóc, trò chuyện, dần khiến tình yêu giữa hai người nảy nở. Chị Phương quyết tâm đến với anh Tư dù bị gia đình phản đối.

Ngày ra mắt gia đình bạn gái, anh Tư dậy từ sớm, đẩy xe lăn từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên, đường dài đến 40 cây số. Chị Phương đi xe đạp đằng trước, yên xe có dây nối với xe lăn của anh Tư, giúp nhau đi qua những đoạn đường xấu.

“Về đến nhà thì quần áo dính bết lại vì mồ hôi. Cũng may gia đình vợ tôi khi đó không phản đối nữa mà sau đó ít lâu tổ chức đám cưới”, ông Tư kể.

Đôi vợ chồng sinh con trong thời bao cấp, miếng ăn cho con là thách thức không nhỏ với thu nhập từ chế độ tem phiếu cho thương binh và điều dưỡng viên.

Ông Tư chậm rãi kể chuyện từng có lúc nuôi gà, nuôi lợn như vô số gia đình thời kỳ đó. Song kết quả không mang lại là bao, chỉ may mắn hòa vốn. Hàng ngày, ông cần mẫn đẩy xe lăn đi thu gom nước gạo, thân chuối về nấu cám cho lợn. Tay vịn trên xe lăn được gia cố thêm để biến thành thớt thái chuối. Một mình ông Tư ở nhà lo toan mọi thứ trong lúc vợ đi làm.

Song công việc quá vất vả mà không cải thiện thu nhập, trong khi thời quân ngũ từng được học sửa ắc quy, thương binh Nguyễn Ngọc Tư quyết định thu gom ắc quy hỏng về sửa rồi đem bán lấy lời.

Vết bỏng axit thời đó đến nay còn in dấu trên những đầu ngón tay của thương binh Nguyễn Ngọc Tư.

“Nghề sửa chữa có lẽ hợp với tôi nhất, vì có chút ít năng khiếu cộng kiến thức học được trong quân đội, lại ít phải di chuyển. Sau khi nghề sửa ắc quy không còn mang lại nguồn thu tốt, tôi học thêm nghề sửa quạt, máy bơm, máy biến thế cỡ nhỏ. Nhìn chung các đồ điện gia dụng tôi đều xử lý được”, ông Tư nói.

Nghề này cũng góp phần nuôi sống gia đình ông Tư và nhiều thương binh khác ở Trung tâm. Các lớp đào tạo do giảng viên ngành điện của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng giúp họ có thêm kiến thức, nâng cao tay nghề.

Con trai ông giờ đã là nhân viên một công ty viễn thông lớn ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử - Cơ khí, Cao đẳng Bách khoa.
 

Mẹ cụt hai tay nuôi con thạc sĩ

Chiều xuống ở Thuận Thành, bà Trần Thị Hồng ngồi dưới giàn thiên lý, mỉm cười nhìn người chồng tóc sợi bạc nhiều hơn sợi đen, cũng là thương binh chống Mỹ, đang lúi húi tưới nước cho vườn cây sau nhà. Con gái lớn và con trai út của bà đều có bằng thạc sĩ, một người làm ở UBND huyện, một người dạy Toán ở trường chuyên Thuận Thành.

Để có ngày thư thả hôm nay, vợ chồng bà Hồng từng có thời ngược lên Thái Nguyên mua chè mang về Thuận Thành bán. Cộng thêm nghề mua đầu chợ, bán cuối chợ, nhặt nhạnh trồng rau và “đủ thứ lặt vặt không nhớ hết”, hai vợ chồng bà vượt qua bao gian khó thời bao cấp để nuôi con khôn lớn.

“Tôi sắp có đứa cháu thứ 5 rồi, khoảng cuối tháng 7 này thôi”, bà Hồng cười bảo. Nói về thời gian khổ nhất, bà Hồng kể đó là những đêm khóc thầm, những giọt nước mắt rơi trên đường mưu sinh ngược xuôi Thái Nguyên - Bắc Ninh. Trên chiếc xe đạp thồ chất hàng chục kg chè, chồng lái, vợ dùng đôi vai đẩy phía sau, bởi đôi tay bà bị mảnh bom phạt ngang đến gần khuỷu.

Kể rồi bà quay vào bếp, với chiếc bao tay được thiết kế đặc biệt đeo vào phần tay lành lặn để chuẩn bị bữa cơm chiều. Trên chiếc bao tay có may thêm những ống nhỏ, giúp bà tra đũa, thìa vào để nấu cơm. “Cái ni là từ hồi mấy đứa con tôi còn bé, vẫn dùng để quấy bột cho bọn hắn”, nữ thương binh quê Hương Sơn, Hà Tĩnh cười nói.
 

Những nỗi đau ẩn giấu

Tại Trung tâm, ngoài gia đình ông Tư, bà Hồng thuộc diện “điển hình”, vẫn còn những gia đình khác đang phải vượt lên nỗi đau hậu chiến.

Trong một căn phòng của Trung tâm, thương binh Nguyễn Ngọc Sửa miệt mài bên những bảng điện đồ điện tử. Một mình ông ở căn phòng này, tự nấu ăn, tắm giặt. Nhắc chuyện thời chiến, chuyện làm quen với vợ, ông đều cười, nói dõng dạc, tác phong quân nhân như chưa từng phai dấu. Nhưng khi nhắc đến con, ánh mắt ông Sửa thoáng nét đau thương.

16-10-53_nguyen-ngoc-su
Thương binh Nguyễn Ngọc Sửa có con trai cả bị chất độc da cam

Người con cả của ông bị di chứng da cam, năm nay đã 30 tuổi mà vẫn không thể vệ sinh cá nhân, vợ ông vẫn phải chăm sóc con ở quê.

“Cuối tuần tôi lại đi xe lăn về nhà vợ ở Hưng Yên. Cũng may xe lăn gắn máy, bây giờ già rồi, không đẩy xe đi xa được nữa”, ông Sửa nói.

“Lấy vợ sinh con rồi cứ nuôi thôi, chỉ thấy thằng bé có biểu hiện lạ, cứ nghĩ nó chậm lớn chứ hồi đó có ai biết chất độc da cam là gì đâu”, ông Sửa bảo. Mãi đến năm 1995, cựu binh thời kháng chiến chống Mỹ mới biết con mình bị chất độc da cam. Song hành trình đi xin chứng nhận cũng bao gian khổ.

“Từ năm 1995 đến 2000 mới xác nhận xong. Có mấy bận tôi đi xe lăn đến các nơi xin xác nhận, dọc dường về xe bị lật, chân mình thì liệt cả hai bên, cứ thế ngồi ngoài đồng đến sáng, thấy ai qua thì nhờ họ giúp bế lên xe. Hồi ấy cũng chưa có điện thoại di động như bây giờ, nghĩ thương vợ con lắm mà chẳng biết sao”, cựu binh quê Phú Lương, Thái Nguyên nói. Ông vẫn tỏ ra thoải mái khi nhắc lại những ngày đó, dù nỗi xót xa thoáng hiện qua ánh mắt.

“Ngoài những người vẫn phải chiến đấu với nỗi đau hậu chiến như ông Sửa, còn có những thương binh nữ ở vậy cả đời, làm bạn với chiếc xe lăn. 97 thương binh ở đây đều là thương bệnh binh hạng ¼, tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%”, ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm, cho biết.

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành hiện có hơn 20 nam thương binh và hai nữ thương binh không xây dựng gia đình vì nhiều lý do. Phần đời còn lại của họ phải gắn với trung tâm, bởi bệnh nặng không thể về nhà điều dưỡng. Do di chứng vết thương cột sống, dẫn đến nửa người bên dưới bị teo cơ, mất cảm giác (không tự chủ được sinh hoạt cá nhân). Nhiều thương binh mắc thêm các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, viêm đường tiết niệu, loét lưng.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất