| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về những 'hot boy' cứu hộ

Thứ Hai 24/08/2015 , 09:37 (GMT+7)

Họ toàn là đàn ông, thân hình săn chắc cường tráng, cao, đẹp trai và đặc biệt bơi lội cực giỏi. Công việc mỗi ngày của họ bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc vào hơn 7 giờ tối. 

Họ luôn phải túc trực để canh gác cho người khác vui chơi, giải trí. Mong muốn lớn nhất của những người đàn ông này là “thất nghiệp” mỗi ngày vì như vậy nghĩa là sẽ không có ai gặp nguy hiểm.

Họ là những chàng trai đội cứu hộ bờ biển Đà Nẵng thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.

“Hot boy” bãi biển

Biển Đà Nẵng vào hè đông nghịt người, du khách trong và ngoài nước đổ về những bãi biển, hòa mình vào sóng nước để vui chơi, giải trí. Mùa hè, cũng là thời điểm mà những chàng trai ở đội cứu hộ bờ biển Đà Nẵng phải làm việc hết công suất.

Đứng trên bờ cát sát mép biển, anh Trương Thành Chân (39 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đưa ánh mắt quét liên tục về phía những vị khách đang vui đùa dưới sóng nước.

Anh Chân là tổ phó tổ cứu hộ số 7, phụ trách đoạn bờ biển Mỹ Khê dài hơn 1km cùng 4 thành viên khác. Chiếc áo cứu hộ màu vàng in dòng chữ “đội cứu hộ bãi biển” khiến anh nổi bật giữa hàng trăm người ở bãi biển. Tay cầm chiếc phao cứu hộ luôn sẵn sàng. Chiếc còi báo hiệu móc kỹ vào lưng quần.

“Đồ nghề làm việc của tụi em ngoài mấy thứ đó còn có chiếc thuyền thúng, hai chiếc ca nô cao tốc luôn sẵn sàng”. Anh Chân nói, tay chỉ về hai thành viên khác của tổ đang đứng trên thuyền thúng quan sát từ bên ngoài vào. Hai thành viên còn lại đứng trên bờ căng mắt nhìn xuống nước theo dõi mọi rủi ro có thể xảy đến với du khách.

15-05-13_nh-2-thnh-vien-doi-cuu-ho-qun-st-du-khch-tu-thuyenthung
Các thành viên đội cứu hộ quan sát du khách từ thuyền thúng

Anh Chân sinh ra, lớn lên ở làng chài Mân Thái sát mép biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Biển đã gắn liền với tuổi thơ anh, nơi anh chơi đùa, tắm mát hàng ngày. Mới 7 tuổi, anh đã bơi lội thỏa thích như một chú cá heo trưởng thành. Lớn lên, anh Chân lên tàu cùng cha ra khơi đánh cá.

Nghề biển vất vả, lắm rủi ro mà thu nhập thấp. Con thuyền đánh cá của gia đình anh may mắn thoát nạn trong cơn bão Xangsane năm 2006. Từ đó, anh bỏ biển lên bờ. Chàng trai làng biển phải làm thợ hồ, chạy xe ôm, bốc vác để mưu sinh. Vậy nhưng nỗi nhớ biển luôn bùng cháy trong anh. Và rồi, anh đăng ký xin việc vào đội cứu hộ để được tiếp tục gắn bó với biển.

“Hồi đó em cũng nghĩ chỉ làm tạm rồi tìm việc khác, vậy mà đã gắn bó với nghề này được gần 10 năm. Anh em trong tổ nói riêng và toàn đội cứu hộ nói chung phần lớn đều là con dân các làng biển Đà Nẵng cả. Ai cũng được bà con gọi là “hot boy” hết đó nghe”, anh Chân cho hay.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết hiện có 80 nhân viên đội cứu hộ đang hoạt động. Các nhân viên đội cứu hộ được chia thành từng tổ, mỗi tổ có 4 - 5 thành viên làm nhiệm vụ liên tục tất cả các ngày trong năm.

Quả thật, anh Chân cùng các thành viên đội cứu hộ không hổ danh khi được gọi là “hot boy”. Các thành viên đều cao trên 1,7m. Anh Chân có khuôn mặt góc cạnh, vuông vắn chữ điền, nước da ngăm đen, săn chắc. Cơ thể cường tráng, khỏe mạnh.

Cứu người là niềm vui

Anh Trần Lâm  (24 tuổi) tâm sự, nghề cứu hộ vui nhất là khi cứu được người thành công khi họ gặp nạn. Hai tháng làm việc, anh đã kịp cứu được một trường hợp bị đuối nước. Lâm kể, đó là một buổi chiều thứ 7, biển đông nghịt. Lâm đang chèo thuyền thúng giám sát quanh khu vực biển mà tổ của anh được phân công thì nghe tiếng kêu cứu. Anh liền thổi còi báo động cho các đồng đội rồi lao mình xuống nước đến nơi có người gặp nạn.

15-05-13_nh-1-nh-lm-trong-gio-lm-viec
Anh Lâm trong ca trực cứu hộ

“Đó là một cậu bé 9 tuổi đi bơi cùng anh chị. Do chưa khởi động kỹ nên bị chuột rút dẫn đến đuối nước. Lúc đó em nâng nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi đưa lên bờ. Nạn nhân không bị ngất nên chỉ xoa bóp để cơ bắp cậu bé giãn ra. Lần đầu tiên em cứu được người gặp nạn, đến bây giờ nghĩ lại em vẫn cười tủm tỉm một mình”, Lâm tâm sự.

“Chín năm làm nghề, em cứu được rất nhiều trường hợp,  không nhớ nổi để kể. Mỗi lần cứu được khách gặp nạn là em vui như lần đầu tiên vậy. Nghề của tụi em, buồn nhất là cứu nạn không kịp khiến du khách không qua khỏi”, anh Chân ngậm ngùi kể.

Biển mùa hè, khách đông nghịt nhưng họ lại yên tâm hơn vì sóng nước lành. Mùa đông, khi người tắm biển ít hơn, cũng là những ngày họ làm việc vất vả nhất. Từng dòng nước, cơn sóng thay đổi liên tục khiến người cứu hộ không phút nghỉ ngơi. “Ai cũng nghĩ mùa hè cứu hộ mới vất vả nhưng họ nhầm. Mùa đông khách thường xuyên gặp tai nạn hơn”, anh Chân nói.

Những người cứu hộ, họ coi việc cứu người là niềm vui, là nhiệm vụ của mình chẳng cần đền đáp dù cuộc sống còn khó khăn. “Em làm 9 năm lương và phụ cấp tròm trèm 4 triệu đồng. Mấy anh em mới vào nghề thì khoảng 2,5 triệu đồng. Lương tụi em ở đây như vậy không cao, chỉ đủ sống thôi nhưng đã theo nghề thì chẳng ai bỏ được. Anh biết vì sao không, vì mỗi khi cứu được người là vui sướng lắm, không dứt ra được”, anh Chân thổ lộ.

15-05-13_nh-doi-cuu-ho-d-nng-tp-hun-chung-voi-hi-qun-my
15-05-13_nh-tp-hun-chung-voi-hi-qun-my
Tập huấn nghiệp vụ cứu hộ chung nhân dịp Hải quân Mỹ đến thăm Đà Nẵng

Rất nhiêu lần, họ mỉm cười từ chối những số tiền lớn, những món quà cảm ơn mà người bị nạn gửi tặng. “Có khi là phong bì, có khi là cả món quà lớn như chiếc xe máy. Tụi em cảm ơn ngược lại vì đã ghi nhận công lao của mình nhưng đều từ chối hết. Nhiệm vụ của tụi em là vậy mà”, anh Lâm chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm