| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vô lý ở Thái Hòa

Thứ Năm 07/06/2012 , 11:39 (GMT+7)

Cầu Khe Tọ nằm trên địa phận thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã được khánh thành 5 năm, nhưng những hệ luỵ từ việc GPMB đến nay vẫn còn rất nặng nề.

Cầu Khe Tọ nằm trên địa phận thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã được khánh thành 5 năm, nhưng những hệ luỵ từ việc GPMB đến nay vẫn còn rất nặng nề. Điều làm dư luận thêm bức xúc là chính quyền đã đẩy một bệnh binh nặng, chủ một DNTN vào vòng tố tụng khiến họ lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Cam kết không được thực hiện

Ông Phạm Đông Đức, thương bệnh binh nặng (mất 81% sức khỏe), hiện trú ở khối Tân Thắng, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đưa cho chúng tôi 1 tập đơn dày cộm rồi bức xúc cho biết: Năm 1984, tôi trở về quê nghỉ chế độ bệnh binh (có người phục vụ) và lấy vợ (bà Lê Thị Hoa - PV), cũng là một quân nhân chuyển ngành, sau đó một năm. Thấy vùng Khe Tọ đồi đá cằn cỗi đang bị bỏ hoang nằm sát bên bãi gỗ của Liên hiệp Lâm - Công nghiệp Sông Hiếu giao lại cho địa phương quản lý nên đầu năm 1990 chúng tôi làm đơn xin chính quyền thị trấn ra đây lập nghiệp, trồng keo bạch đàn, cà phê, ớt...


Khu vực DNTN Đức Hoa bị giải toả dưới chân cầu Khe Tọ

Từ diện tích trên 5.000 m2 đất trồng keo, bạch đàn và đất ở (được cấp bìa đỏ) chúng tôi chăm chỉ làm ăn. Thu nhập mỗi năm một ít, chúng tôi tích góp dần vốn liếng và mở xưởng cưa. Khi đã có vốn liếng kha khá, năm 2004, hai vợ chồng quyết định bán nhà ở của bố mẹ để lại để có đủ vốn pháp định xin giấy phép mở DN mây tre, đan lát xuất khẩu lấy tên là Doanh nghiệp tư nhân Đức Hoa (DNTN Đức Hoa). DN chúng tôi đã thu hút được 190 công nhân đều là con em các hộ chính sách, hộ nghèo, tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức lương bình quân từ 650 nghìn đến 700 nghìn/người/tháng (vào năm 2000).

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, bắt đầu từ năm 2006, khi Nhà nước triển khai dự án xây dựng cầu Khe Tọ cắt qua khu đất DN chúng tôi đang đặt nhà xưởng. Chúng tôi trở thành đối tượng buộc phải GPMB để tiến hành xây dựng cầu. Thế nhưng, chính những việc làm khuất tất, không minh bạch trong công tác đền bù GPMB từ phường đến thị xã Thái Hòa đã làm DN của chúng tôi lâm vào cảnh điêu đứng, khốn cùng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do DNTN Đức Hoa thuộc đối tượng đã có Giấy CNQSD đất + Giấy phép đăng ký thành lập DN nên ngày 25/2/2008, một đoàn cán bộ trong Ban GPMB huyện Nghĩa Đàn (thời điểm đó chưa tách thành thị xã - PV) từ Chánh, Phó chủ tịch đến các Trưởng, Phó phòng liên quan từ thị trấn Thái Hòa đến huyện Nghĩa Đàn đã phải đến tận hiện trường để “Biên bản làm việc” để có cơ sở đền bù cho DNTN Đức Hoa. Theo biên bản này thì: “Diện tích thu hồi vĩnh viễn làm cầu, đất lâm nghiệp là 4.203,5 m2/7.355,9 m2. Nay thống nhất đất đổi đất. Trong 4.203,5 m2 có 1500 m2 đã xây dựng nhà xưởng chuyển ra vị trí mới bám mặt đường vào cầu Khe Tọ phía đông bắc, chiều dài 70 m, rộng 21,5 m, số còn lại 2.523 m2 đổi đất lâm nghiệp. Ngoài diện tích đã đổi và chuyển nhà xưởng, phần còn lại gia đình ông đã trồng cây bạch đàn đề nghị cấp giấy chứng nhận sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Ngoài ra ưu tiên cho gia đình ông một lô đất nhà ở đầu cầu”.

Nội dung biên bản lập ra hôm đó là thoả đáng, không có ý kiến thắc mắc nào nên từ xóm trưởng đến Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn và gia đình đều lần lượt ký tên, đóng dấu. Sẽ chẳng có gì phải bàn cãi nếu bản cam kết trên được 2 bên thực hiện nghiêm túc. Tiếc rằng, gần một năm sau khi thị trấn Thái Hòa được nâng cấp lên thành thị xã, tách ra khỏi huyện Nghĩa Đàn thì mọi việc bỗng thay đổi.

Phủi tay

Các cán phường Hòa Hiếu và thị xã Thái Hòa đã “phủi tay” và tìm cách đổi trắng thay đen đẩy DNTN Đức Hoa vào vòng tố tụng bất đắc dĩ. Mở đầu là việc ông Nguyễn Quang Tâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu tổ chức họp dân vào ngày 04/9/2008, nâng diện tích bị thu hồi của DNTN Đức Hoa từ 4.203,5 m2 lên 4.838,5 m2 với tổng số tiền hỗ trợ cho DNTN Đức Hoa là 1.216.154.100 đồng nhưng sau đó lại không làm các thủ tục để cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi và giao đất theo chính sách “đất đổi đất” cho DNTN Đức Hoa.

Ngược lại cán bộ địa chính phường Hoà Hiếu quay sang làm hợp thức hoá đất mượn làm quán và lấn chiếm đất vào năm 2002 và 2003 của 8/12 hộ dân thành đất thổ cư làm thất thoát lớn ngân sách Nhà nước và quỹ đất công gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là chính cách làm khuất tất này đã trực tiếp cản trở việc thu hồi 1.500 m2 đất bám mặt đường phía đông bắc để giao cho DNTN Đức Hoa xây dựng lại nhà xưởng (như biên bản 25/2/2008 đã được các bên ký cam kết). 


Khu vực 12 hộ lấn chiếm vẫn tiếp tục dựng nhà sau khi GPMB

Xin được nói thêm rằng, ngày 12/3/2009, UBND, Đảng uỷ phường Hòa Hiếu phối hợp với ban cán sự, các đoàn thể khối Tân Thắng, tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân phản ánh nhằm xác định nguồn gốc sử dụng đất và các giấy tờ liên quan về đất đai bị ảnh hưởng thì cả 12 hộ chỉ có giấy viết tay xin mượn đất để sản xuất kinh doanh từ năm 2002 - 2003 do ông Nguyễn Quang Tâm, lúc đó là Phó chủ tịch UNBD thị trấn Thái Hoà ký đóng dấu. Trong các giấy tờ viết tay nói trên, cả 12 hộ đều “cam kết khi Nhà nước thu hồi đất, gia đình xin trả lại, không hỗ trợ đến bù. Các hộ mượn đất đã có đất đai trong các khu vực dân cư thuộc địa bàn phường”. Thế mà, không hiểu bằng cách nào đã khiến ông Trần Hưng Long, Chánh Văn phòng UBND, lại thừa lệnh Chủ tịch UBND thị xã Thái Hoà ký Thông báo số 89, ngày 31/7/2009, quay ngoắt 180 độ, phủ nhận ý kiến nhân dân và cán bộ cơ sở trước đó.

Thông báo trên đổ lỗi là “Do sơ xuất trong khâu đánh máy và không kiểm tra chặt chẽ nên đã nhầm lẫn về thời gian sử dụng đất của các hộ, về nguồn gốc sử dụng đất là ổn định liên tục, không có tranh chấp”.

Đây là lý do chính khiến 8/12 hộ có giấy xin mượn (10m2/hộ) đất làm quán (sau đó lấn chiếm thêm) bỗng được đền bù (4 hộ bị gạt ra khỏi danh sách đền bù). Trong số 8 hộ mượn đất còn trụ lại, chỉ có 4 hộ ngoài việc được đền bù phần diện tích bị ảnh hưởng còn được hợp thức hoá phần đất lấn chiếm thành đất thổ cư để xây dựng nhà ở kiên cố. Riêng hộ ông Hồ Thanh Phúc, phần đất lấn chiếm còn lại tới 1.000m2, bỗng được xem là đất thổ cư cha mẹ để lại(!?). (còn nữa)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.