| Hotline: 0983.970.780

Chuyện vui đặt nick name cho con

Chủ Nhật 07/09/2008 , 09:56 (GMT+7)

Đến chơi nhà bạn, Nhung ngẩn người khi thấy chị gọi con: "Nghé ơi, ra chào cô đi".

Những cái tên ở nhà thường không đặt nặng sự kỳ vọng của cha mẹ mà nó thường chứa đựng sự yêu thương trìu mến từ những người thân của bé (Ảnh minh họa)

Đến chơi nhà bạn, Nhung ngẩn người khi thấy chị gọi con: "Nghé ơi, ra chào cô đi". Cô bạn thích thú lý giải: "Con của Trâu (chị tên Châu), không phải là Nghé thì là gì?".

Không chỉ tên họ trong giấy khai sinh, cái tên gọi thân mật ở nhà cho con nhiều khi cũng khiến các vị phụ huynh đau đầu, còn người ngoài thì phải tròn mắt vì ngạc nhiên.

Có một số cặp ngay lúc con còn trong bụng, thậm chí khi chưa làm đám cưới đã bỏ công nghĩ tên gọi ở nhà cho con. Với họ, cái tên đó không cần hay, đôi khi không quan trọng ý nghĩa nhưng nghe phải thật dễ thương, ngộ nghĩnh và thân mật.

Hồng, 25 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, hồi nhỏ cô rất ghét khi bị cả nhà gọi là Mắm bởi thân hình gầy nhẳng của mình. Cho đến lúc học cấp 3, mỗi khi bạn đến chơi, Hồng vẫn phải dặn người nhà không được gọi tên đó nếu không cô sẽ ngượng đỏ mặt. "Thế nhưng giờ, mỗi lần nghe ai gọi 'Mắm ơi!' mình lại thấy thân thương đến lạ. Kể cả ông xã cũng chỉ gọi tên đó thôi. Thế nên mình nhất quyết phải đặt tên ở nhà cho con", Hồng tâm sự. Cô đang dự định năm tới nếu đẻ con trai sẽ gọi là Mũm, còn con gái sẽ gọi là Mĩm để "bù đắp" cho mẹ ngày xưa.

Nhiều người thường chọn tên các loai trái cây như na, mít, ổi, cà chua... hay các con vật như gấu, thỏ, đại bàng, rùa,... hay thậm chí cả các loại thực phẩm như khoai tây, nấm, cà chua, bí đỏ, cá, cua, tôm... để đặt cho con. Cũng không ít bố mẹ lấy luôn năm con sinh để gọi bé như ỉn, gà, mèo, cún...

Lại có những bậc phụ huynh rất cầu kỳ trong việc chọn một "nickname" cho thiên thần nhỏ. Một thành viên của webtretho đặt tên hai con ở nhà có ý nghĩa đặc biệt. Đứa lớn gọi là Chu, đọc theo âm Việt từ chữ "zhù" trong tiếng Hán, từ "zhèn zhù", nghĩa là "trân châu", vì là đứa con đầu nên quý như trân châu vậy. Còn đứa nhỏ được gọi là SU, đọc theo âm Việt từ chữ "chou" trong từ "chouchou", nghĩa là "cục cưng", vì là đứa nhỏ nên là cục cưng của cả nhà.

Cũng nhiều khi cái tên ở nhà của con lại xuất phát từ "nickname" của bố, mẹ. Như chuyện của anh Thế (Ba Đình, Hà Nội). Ngày nhỏ, anh được cả nhà gọi là Cải và cái tên này đã theo anh suốt cho đến khi trưởng thành. Từ bạn bè thân đến đồng nghiệp và cả vợ đều gọi là "Cải" chứ chẳng ai gọi tên thật. Vì thế, ngay khi vợ có bầu, tên bé đã được nhắm sẵn là "Bắp".

Còn nhà anh Quang, Tây Hồ, Hà Nội đặt tên thân mật cho con trai là Tôm vì bố cháu vốn được cả nhà gọi là chuột Jerry. "Đặt tên thế cho hai bố con nó trị nhau", vợ anh tủm tỉm lý giải.

Có một số trường hợp, tên ở nhà của con ra đời từ những tình huống rất bất ngờ hay do cảm hứng nhất thời của bố mẹ. Chẳng hạn có ông bố rất thích bóng đá nên lấy tên Gôn để đặt cho con trai.

Một cặp vợ chồng khác lúc đầu tưởng con là bé trai nên cứ gọi là Jun (viết tắt của Junior - từ chỉ con trai trong gia đình), sau này đi siêu âm bác sĩ lại khẳng định là con gái nên bố bé hơi "sốc" (vì lỡ khoe khắp nơi là mình sắp làm bố thằng cu), bèn đặt luôn tên cho công chúa của mình là Sóc.

Còn vợ chồng anh Bình (Gia Lâm, Hà Nội) có cách rất đặc biệt khi đặt tên ở nhà cho con. Từ lúc mới biết vợ có bầu, anh Bình đã quyết nếu con trai sẽ gọi là Bo còn con gái gọi là Bơ vì anh có nhóm máu B, mẹ bé có nhóm máu O, mà con là sự kết hợp, hòa trộn của hai dòng máu của cả bố và mẹ.

Hai con của chị Hương (Kim Liên, Hà Nội) lại có tên ở nhà rất ngộ nghĩnh: Cô bé lớn là Hà Hà, cậu em nhỏ là Hì Hì. Gọi là Hà Hà vì mẹ nó là người vui tính, cười suốt ngày. Chị thấy cũng hay hay nên biến ý tưởng đó thành sự thật luôn. "Sắp tới biết đâu nhà mình còn có thêm bé Hề Hề, Ha Ha... Khẹc Khẹc nữa ấy chứ", chị đùa vui.

Chuyện đặt tên ở nhà cho con nhiều khi cũng trở thành đề tài gây tranh cãi của mọi người trong nhà.

Như nhà chị Trà, Long Biên, Hà Nội. Lúc biết em bé của mình là con gái, chị thích gọi con là Mít, phần vì đó là món khoái khẩu của chị, phần vì ai cũng bảo bụng chị to tròn như trái mít. Thế nhưng chồng chị nhất định phản đối. Anh cho rằng cái tên ấy vừa gợi về một người không đẹp về hình thể lẫn trí tuệ (người ta hay gọi là dốt như "mít đặc"). Anh thích cái tên "Na" vì nghe vừa thùy mị, đằm thắm vừa dễ thương nhưng chị cứ một mực bảo chắc đó là tên của một cô người yêu cũ ở quê của anh.

Còn nhà chị Thủy, (Hà Đông, Hà Nội) khi bàn chuyện đặt tên "phụ" cho bé thì mỗi người một ý. Chị Thủy thích gọi con là Nấm vì nghe rất dễ thương nhưng bà nội sợ đặt tên đó thì sau này bé sẽ lùn. Bà rất tâm đắc gọi cháu là Kẹo hay Bim Bim nhưng bố bé lại chỉ thích con gái là Bông cho nữ tính.

Những cái tên ở nhà thường không đặt nặng sự kỳ vọng của cha mẹ mà nó thường chứa đựng sự yêu thương trìu mến từ những người thân của bé. "Mình muốn đặt tên ở nhà cho con ngay từ khi đang mang thai và có thể dùng tên đó để nói chuyện với con. Tối nào bố bé cũng sờ tay lên bụng mình và gọi tên con để trò chuyện. Những lúc ấy, thấy con như gần gũi và có mặt ở ngay cạnh mình rồi, cảm giác hạnh phúc khó tả lắm", một thành viên của webtretho tâm sự.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.