Bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội cho biết năm 2024 kinh tế-xã hội của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã tập trung triển khai các Nghị quyết của Trung ương, của thành phố để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
Cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp rất lớn, song thành phố đã có những biện pháp kịp thời để hỗ trợ, ổn định tình hình cho bà con, cũng như khôi phục chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các Cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong đó có bà con thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Bà ấn tượng với diện mạo của thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao hôm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Phả, Bí thư Chi bộ thôn Lai Tảo cho biết thôn có 1.005 hộ với 4.300 nhân khẩu. Thời gian qua chi bộ kết hợp chặt chẽ với chính quyền thôn cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Qua những đợt tuyên truyền ấy người dân hiểu rằng xây dựng nông thôn mới không phải là cho lãnh đạo, cho chính quyền mà cho chính họ, giúp họ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nên rất hăng hái tham gia đóng góp sức lực, trí tuệ, ngày công, tiền của. Trước đây trong phong trào xây dựng nông thôn mới người dân trong thôn Lai Tảo đã đóng góp nhiều kinh phí, ngày công cũng như hiến đất, hiến của để trùng tu 2 khu di tích lịch sử với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; đổ bê tông đường làng, ngõ xóm, xây hệ thống cống rãnh các xóm Đăng Hạ, xóm Cộng Hòa, xóm Lê Lợi...
Các phong trào phát triển kinh tế được khuyến khích, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả đã thu được kết quả khả quan, nhiều hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện tại, cán bộ và người dân trong thôn đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể đội ngũ lãnh đạo thôn đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện; chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất sản lượng cây trồng. Nhờ đó năm 2024 tuy có bão số 3 nhưng năng suất lúa đạt 66,5 tạ/ha và sau bão thì mở rộng trồng cây rau màu để tăng thu nhập, giúp bình quân đạt 15 triệu đồng/sào/vụ, duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, giữ ấm chúng để qua đông, đón Tết.
Có nền tảng kinh tế vững vàng nên năm 2024, nhân dân trong thôn đã xây dựng 51 nhà kiên cố và sửa chữa nâng cấp 10 nhà với tổng trị giá gần 60 tỷ đồng. Phong trào xây dựng xã hội học tập được phát động rộng khắp từng nhà, từng cụm dân cư, từng dòng họ. Hội khuyến học thôn và các Ban khuyến học của các dòng họ đều hoạt động sôi nổi giúp thay đổi tư duy của nhiều người về chuyện học. Nhờ đó năm 2024 trong thôn có 17 em đỗ đại học...