| Hotline: 0983.970.780

Có ba trăm tỷ việc này mới xong...

Thứ Năm 30/06/2011 , 11:13 (GMT+7)

Để hoàn thành cả 19 tiêu chí về NTM, thì xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) cần tới 300 tỷ đồng...

Giao thông nông thôn thay đổi nhờ xây dựng NTM

Với ưu thế là một xã nội đồng, gần sông Trà Lý, hệ thống tưới tiêu thuận lợi, đất đai màu mỡ…xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) có kinh tế tương đối phát triển, dân có trình độ thâm canh cao, có truyền thống trồng cây vụ đông, nhất là cây khoai tây. Đó là một lợi thế khi xã này bắt tay xây dựng NTM.

Người dân hiến 26 ha đất

Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng mô hình NTM của xã Đầu Văn Phán, thì năm 2009, khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng mô hình NTM, Trọng Quan đã tự đạt được 6/19 tiêu chí về NTM là: An ninh trật tự; hệ thống tổ chức chính trị; môi trường; giáo dục; hình thức tổ chức sản xuất và bưu điện. Cho đến nay, đã đạt thêm được 4 tiêu chí nữa là: Nhà ở dân cư; chợ nông thôn; điện và quy hoạch. Dự kiến đến hết năm 2011, hai tiêu chí nữa là trường học (phấn đấu đạt chuẩn quốc gia) và y tế sẽ được hoàn thành.

Cho đến nay, đã huy động được trên 19 tỷ đồng từ các nguồn vốn Trung ương (9,33 tỷ), tỉnh (4,7 tỷ), huyện (0,56 tỷ), xã (1,9 tỷ) và dân đóng góp (3,4 tỷ). Với lượng tiền ấy, xã đã xây dựng mới được 12 phòng học cho trường mầm non, 6 phòng học cho trường tiểu học, 1 nhà văn hóa thôn (trị giá 1,5 tỷ), 1,3 km đường giao thông nội đồng, 2,8 km kênh mương cấp 1, hai trạm bơm, đào đắp trên 3.000 m3 đất bờ thửa. Đó có thể nói là một cố gắng rất lớn của nhân dân và Đảng bộ xã. Sở dĩ có được thành tích đó là vì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được tiến hành khá tốt và bài bản, đạt được sự đồng thuận rất cao. Ông Phán khoe:

- Chỉ riêng việc hiến đất nông nghiệp để phát triển giao thông nội đồng thôi, cũng đủ thấy sự đồng thuận của nhân dân là cao đến mức nào. Mỗi khẩu tình nguyện hiến 48 m2. Với 7.500 khẩu, chúng tôi đã có ngay một lúc 26 ha đất, đủ điều kiện để thay đổi cơ bản về giao thông nội đồng.

"Lấy tiền đâu ra?"

Mỗi lần về một địa phương được chọn làm mô hình xây dựng NTM, điều quan tâm nhất của chúng tôi vẫn là thu nhập bình quân đầu người. Về tiêu chí này, năm 2010, Trọng Quan mới đạt 9,5 triệu/ người, trong khi năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã là 10,02 triệu/người. Hỏi làm thế nào để hoàn thành tiêu chí thu nhập bình quân đầu người bằng 1,5 lần thu nhập bình quân của tỉnh? Bí thư Đảng ủy Đầu Văn Phán cho biết:

- Chúng tôi đang triển khai rất mạnh trên 2 hướng. Thứ nhất là đào tạo nghề cho dân. Đã mở được 4 lớp dạy nghề. Xã đã có ngót 1.000 lao động có nghề xây, trong xã đã có 1 điểm may công nghiệp, sử dụng toàn lao động trong xã và một số người có nghề khác như thêu, đan…Hệ thống dịch vụ cũng đang được củng cố và phát triển, tận dụng được bến bãi ven sông Trà Lý, mời các doanh nghiệp vào đầu tư. Đã có một số tổ dịch vụ được hình thành mới như dịch vụ làm đất, dịch vụ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp…Hướng thứ hai là tiếp tục phát triển sản xuất bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể là quy vùng sản xuất, đưa cây có chất lượng cao vào đồng ruộng. Hiện tại, trong cơ cấu lúa của Trọng Quan đã có 30% là lúa chất lượng cao. Sản lượng khoai tây thương phẩm đã đạt trên 1.000 tấn và hơn 100 tấn khoai tây giống hàng năm. Trong những năm tới, hai thế mạnh này sẽ được tận dụng hơn nữa để tăng thu nhập cho dân. Các trang trại, gia trại chăn nuôi cũng được khuyến khích, tạo mọi điều kiện để phát triển. Xã đã dành 15 ha đất cho khu chăn nuôi tập trung…

Đăm chiêu một lúc, rồi ông Bí thư mới ngỏ thật lòng mình:

- Tăng thu nhập cho dân để đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người bằng 1,5 lần thu nhập bình quân của tỉnh là khó, tuy nhiên đó vẫn chưa phải điều khó nhất, và chúng tôi hoàn toàn có thể làm được trong những năm tới. Điều khó thực hiện nhất chính là tiêu chí thứ 2, về giao thông nông thôn Không thể đạt được chuẩn theo quy định nếu không có quỹ đất để mở rộng đường trục xã và đường làng, đường xóm. Vận động tốt, thì dân có thể hiến đất, nhưng để giải tỏa được diện tích đất đã hiến đó, thì phải làm đền những công trình cho người ta, lấy tiền ở đâu ra? nó khác hẳn với giao thông nội đồng, dân hiến đất xong là có thể làm đường ngay, chẳng mất đồng nào?

- Xin hỏi thực ông, để hoàn thành cả 19 tiêu chí về NTM, thì Trọng Quan cần một lượng kinh phí là bao nhiêu?

Ông Phán chưa kịp trả lời, thì một anh cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Đông Hưng đi cùng với chúng tôi đã buột miệng “lẩy” một câu Kiều: Tính bài “huy” đó “động” đây/ Có ba trăm tỷ việc này mới xong.

- Đúng vậy, ông Phán nói, đó là tính vào thời điểm bây giờ, chứ nếu đồng tiền còn tiếp tục trượt giá, thì chưa biết thế nào…

Thế nhưng, cho đến nay, xã mới có được chưa đầy 20 tỷ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất