| Hotline: 0983.970.780

"Cò" cầm đèn chạy trước... Quốc hội

Thứ Ba 18/05/2010 , 07:15 (GMT+7)

Một dân “săn” đất bảo:"Lên đây (Yên Bài - PV) mua đất, ai cũng mang theo tiền. Được mảnh ưng ý rồi là làm giao kèo, đặt cọc ngay. Chứ nếu bảo về mai quay lại đặt cọc thì có khi mình vừa bước ra, anh khác đã vào ngay, nó chỉ cần thêm mấy chục triệu nữa là mình mất. Hôm sau quay lại, giá đất đã khác rồi..."

Đi mua đất, ai cũng mang theo tiền. Được mảnh ưng ý rồi là làm giao kèo, đặt cọc ngay bởi hôm sau quay lại, giá đất đã khác rồi…

>> Đất điên đảo giá

Mua bán theo... tin đồn

Việc xây dựng Trung tâm Hành chính Quốc gia ở Ba Vì vẫn đang được nhiều nhà quản lý xây dựng, kiến trúc sư, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hoá và cả nhà phong thuỷ, đóng góp ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ý kiến rất phong phú và xem ra ý kiến nào cũng có lý, có căn cứ khoa học. Nhiều ý kiến còn kiến nghị Chính phủ nên đưa Trung tâm Hành chính Quốc gia về cạnh Hồ Tây. Và mới đây nhất, nhà phong thuỷ Nguyễn Vũ Tuấn Anh còn cho rằng nếu đặt Trung tâm Hành chính Quốc gia ở Ba Vì thì “khí chất rất hẹp, không đủ tụ khí”. Cả việc xây dựng Trục Thăng Long cũng còn gặp nhiều ý kiến chưa tán đồng.

Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được Quốc hội thông qua. Và trong quy hoạch cũng chỉ nói sẽ xây dựng Trung tâm Hành chính Quốc gia ở sườn núi Ba Vì chứ chưa nói sẽ xây dựng ở vị trí cụ thể nào. Mà Ba Vì thì mênh mông, có diện tích gấp ba gấp bốn một huyện đồng bằng của Hà Tây cũ. Vậy nhưng không hiểu sao những anh “cò” đất, môi giới đất, cả người buôn đất nữa (những người buôn đất cấp xã, cấp huyện này khác hẳn những “đại gia” đầu tư bất động sản), hầu hết đều là dân quê, lại cứ nhất quyết rằng Trung tâm Hành chính Quốc gia được đặt ngay tại Yên Bài, một xã bán sơn địa ở sườn đông núi Ba Vì. Chẳng lẽ những anh này còn biết hơn cả những tác giả bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050?

Một mảnh đất đang rao bán ở Yên Bài

Điều thắc mắc ấy của chúng tôi chỉ được làm sáng tỏ khi hỏi một “cò” đất tên Thực, người đã thề sống thề chết với khách mua đất rằng Trung tâm Hành chính Quốc gia “nằm ngay ở thung lũng hồ Yên Bài này”:

- Anh có đến Vân Hồ xem Triển lãm quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không?

- Hồi tháng tư, cũng nghe nói có triễn lãm cái gì to lắm về Hà Nội ở Vân Hồ, ti vi đưa tin mấy lần, nhưng em bận không đi xem được.

- Không xem, sao anh biết được Trung tâm Hành chính Quốc gia được đặt tại xã này?

- Thì nghe cán bộ xã nói vậy, là ở đây sẽ xây khu hành chính. Rồi nhiều người đi tìm mua đất cũng nói vậy. Thế là chắc chứ còn gì nữa. Các bác có tiền cứ đặt vào đất ở đây đi, đảm bảo chỉ mấy năm nữa, một đồng bỏ ra, không ăn mười cũng ăn tám.

Thì ra vậy, thì ra tất cả mới chỉ là tin đồn. Người ta tự đặt ra tin đồn rồi chính người ta lại bị cuốn vào vòng xoáy của những tin đồn ấy. Mà tin đồn ở ta thì muôn hình muôn vẻ. Một tin đồn rằng đồng tiền Việt Nam bị phá giá 4% mới tinh đây thôi, đã khiến hàng triệu người hoang mang, khiến cả nhiều người có chức vụ quan trọng trong ngành ngân hàng phải lên tiếng trấn an dư luận trên báo chí.

"Cò" thao túng giá cả

Yên Bài là một xã có diện tích bình quân cả đất ở lẫn đất canh tác còn khá rộng. Nhiều nhà, ngoài đất ở còn hàng mẫu vườn. Đi dọc đường xã, đường thôn, chúng tôi thấy rất nhiều ô đất đã được xây gạch bao quanh, gạch còn mới tinh khôi và rất nhiều ô còn đang xây dở.  

Cả ruộng cũng được xây bao chờ bán

Một người dân cho biết, những ô đất đang xây dở đó, đều là của những người ở các địa phương khác, nhiều nhất là ở nội đô Hà Nội, mới mua được, và mua xong cái là họ thuê thợ tại xã xây luôn để giữ đất. Nhiều nhà có đất còn đang chờ giá lên thêm nhưng cũng xây tường bao để lô đất trông tăng thêm vẻ hoành tráng. Anh Thịnh, một “chuyên gia môi giới nhà đất”, cho biết:

- Đất ở đây không bán theo mét vuông mà bán theo sào hay theo thước. Đất nào cũng có một phần thổ cư, một phần đất vườn. Vì theo quy định, thì mỗi người chỉ được không quá 200 mét vuông thổ cư, nên nhiều nhà, dù là đất thổ cư do ông cha để lại rộng đến hàng mẫu (10 sào) nhưng trong “sổ đỏ” cũng chỉ ghi diện tích thổ cư theo quy định trên thôi, còn lại là đất vườn.

- Trước Tết Canh Dần, giá đất chừng bao nhiêu một sào?

- Trước Tết, giá như bèo ấy mà. Một sào có năm chục triệu, mà rao khản cổ chẳng ai hỏi.

- Còn bây giờ?

- Giờ thì ở những vị trí tốt, xe con vào được, giá hôm nay là 300 triệu một sào. Những vị trí khác là hai trăm bẩy, hai trăm rưỡi. Vậy vẫn còn là rẻ đấy, vì đất nông nghiệp nhà nước giao 20 năm, từ năm 1993, chỉ còn 3 năm 6 tháng nữa là hết hạn, thế mà bây giờ có thu hồi, Nhà nước vẫn đền bù 360 triệu một sào kia mà.

Rồi anh quay sang “tán” chúng tôi:

- Các ông có mua thì theo tôi, tôi chỉ cho mấy miếng, phí môi giới chỉ 1% thôi, mà ưng ý thì đặt cọc luôn, chứ đến ngày mai ngày kia, không biết thế nào, nhưng chỉ có tăng chứ không có dừng. Tuần trước một ông ở Hà Nội tìm đến tôi, ông bảo có 2 tỷ, nhờ tôi kiếm cho một mảnh vừa số tiền đó. Tôi đưa ông đến miếng đất đúng một mẫu (3.600 mét vuông), là đất của ông bác họ tôi, giá đúng 2 tỷ rưỡi, tức là 250 triệu đồng một sào. Ông chê đắt không mua.

Tôi bảo tiền của ông là cố định, ông không mua ngay đi thì cứ sau mỗi ngày, diện tích đất ông mua được bằng số tiền đó lại hẹp đi, hoặc là càng ngày càng phải chui sâu, ông không nghe. Y như rằng hôm qua ông điện hỏi tôi, tôi bảo nếu hôm nay ông mua cũng cái đất hôm nọ, thì 2 tỷ rưỡi của ông chỉ còn được 8 sào. Mà cũng không được nữa, vì ông bác tôi bán rồi. Người ta đến xem đất, xem giấy tờ xong là đặt cọc năm trăm triệu luôn, tất cả chỉ có hơn tiếng đồng hồ. Đất đai ở đây bây giờ nó thế. Anh này không mua, vừa quay ra có anh khác đến xem ngay, mua ngay, cứ như thể tôm tươi ấy.

Chỉ trong một buổi sáng ở Yên Bài, chúng tôi đã gặp tới hơn chục xe con vào xã. Tất cả đều là dân “săn” đất. Và quả đúng như lời anh Thịnh nói, nhà có mảnh đất muốn bán, chỉ cần tung tin ra hôm trước là hôm sau có khách ngay. Người này bước ra, người khác bước vào, có nhà đã bán xong đất rồi mà vẫn phải tiếp cả chục khách đến hỏi vì…cứ tưởng là chưa bán. Một dân “săn” đất bảo:

- Lên đây mua đất, ai cũng mang theo tiền. Được mảnh ưng ý rồi là làm giao kèo, đặt cọc ngay. Chứ nếu bảo về mai quay lại đặt cọc thì có khi mình vừa bước ra, anh khác đã vào ngay, nó chỉ cần thêm mấy chục triệu nữa là mình mất. Hôm sau quay lại, giá đất đã khác rồi.

La cà trong xã, chúng tôi gặp khá nhiều thanh niên đi xe máy xịn, láng coóng. Hỏi, phần lớn bảo là tiền mua xe là của “ông bà già” bán được đất, cho. Và hàng chục ngôi nhà, dù đang xây dựng dở nhưng chỉ nhìn bộ khung bê tông cũng đã thấy rõ đó là những ngôi nhà bề thế. Tiền xây nhà ấy, cũng đều là từ tiền đất mà ra. (Còn nữa)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm