Cơ cấu hợp lý ngành lâm nghiệp
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, thực hiện quyết định số Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN của Bộ NN-PTNT ngày 8/7/2013 về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, cơ cấu về diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất 50%, đất rừng phòng hộ 36% và đất rừng đặc dụng 14%. Cơ cấu về diện tích thực tế của các loại rừng năm 2019 lần lượt là 53% rừng sản xuất, 32% rừng phòng hộ, 15% rừng đặc dụng.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, để đảm bảo cơ cấu hợp lý, trong giai đoạn tới cần thêm khoảng 1 triệu ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Cơ cấu rừng tự nhiên và rừng trồng khá hợp lý: 10,2 triệu ha rừng tự nhiên + 4,2 triệu ha rừng trồng, tương đương với cơ cấu 70% rừng tự nhiên + 30% rừng trồng.
Cơ cấu diện tích loài cây trồng rừng sản xuất: Keo, bạch đàn 70% + các loài khác 30%. Đến 2025, tỷ trọng về diện tích của keo, bạch đàn nên được nghiên cứu điều chỉnh. Điều này cũng tác động đến thay đổi cơ cấu giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó có cơ cấu giống có năng suất cao, chịu hạn, kháng bệnh...
Về cơ cấu doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay có 4.776 doanh nghiệp trong nước + 624 doanh nghiệp FDI (tỷ lệ là 88,4% doanh nghiệp trong nước + 11,6% doanh nghiệp FDI). Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt tỷ lệ 55%, doanh nghiệp FDI đạt 45%. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đây là cơ cấu chưa hợp lý, đặt ra yêu cầu cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
Đến nay, thị trường lâm sản có 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm tới 85% thị phần xuất khẩu. Riêng thị trường Mỹ chiếm 47% thị phần xuất khẩu gỗ, đây cũng là một cơ cấu chưa hợp lý, tiềm ẩn rủi ro.
Tỷ lệ che phủ của rừng ở hai vùng chưa đạt yêu cầu là Tây Bắc (45,52%) và Tây Nguyên (45,92%). Mỗi vùng này cần tăng thêm tỷ lệ che phủ từ 4 - 5% vào năm 2025. Tỷ lệ che phủ của rừng Việt Nam năm 2019 là 41,89%, từ năm 2020 trở đi được duy trì ở mức ổn định là 42%. Đây là tỷ lệ khá cao (xấp xỉ bằng tỷ lệ che phủ của rừng năm 1943 là 43%), cao hơn mức bình quân của thế giới (29%).
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ số diện tích rừng và trữ lượng gỗ bình quân đầu người ở Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới. Diện tích rừng bình quân của Việt Nam và thế giới lần lượt là: 0,14 ha/người và 0,97 ha/người (hơn 7 lần). Trữ lượng gỗ bình quân đầu người của Việt Nam và thế giới là 10 m3/người và 75 m3/người (hơn 7,5 lần). Cần nâng cao tỷ trọng về diện tích của rừng giàu, rừng trung bình, giảm diện tích rừng nghèo và nghèo kiệt trong thời gian tới.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển lâm nghiệp bền vững
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT cho rằng, cần làm rõ nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của lâm nghiệp Việt Nam để huy động vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển lâm nghiệp bền vững.
“Trong các yếu tố vốn, lao động, tài nguyên và công nghệ, ngân sách nhà nước là có hạn, thời kỳ lao động và nhân công giá rẻ sắp qua đi, khả năng phục hồi và cung cấp của tài nguyên rừng cũng có giới hạn nhất định. Chỉ còn hai yếu tố có thể tăng tỷ trọng trong tương lai là nguồn lực từ doanh nghiệp và trong nhân dân, và từ khoa học - công nghệ.
Chính khoa học - công nghệ là động lực để phát triển theo chiều sâu, cùng với thể chế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam có thứ hạng khá cao (42/129 nước), là một nguồn lực lớn và chúng ta cần tập trung hỗ trợ phát triển nó ở cấp độ doanh nghiệp”, ông Điển nêu quan điểm.
Lâm nghiệp phát triển sẽ làm giảm chi phí môi trường cho phát triển kinh tế quốc gia. Bởi, nói về hạ tầng cơ sở, người ta nghĩ đến việc rừng là cơ sở hạ tầng xanh, có vai trò quan trọng, là trụ đỡ cho phát triển bền vững ở nhiều vùng miền, đặc biệt là các vùng miền núi, thượng nguồn, vùng dân tộc thiểu số.
Dự kiến năm 2020 chúng ta thu được gần 3.000 tỷ đồng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là điểm sáng trong việc phát triển lâm nghiệp môi trường, xã hội hóa ngành lâm nghiệp và thực hiện giải pháp gia tăng giá trị từ rừng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm rừng.
Ông Điển cho rằng, trước một nền kinh tế mở, các hiệp định thương mại tự do, hội nhập sâu rộng cũng tạo lợi thế cho phát triển lâm nghiệp. Nhu cầu của thị trường gỗ thế giới ước khoảng 460 tỷ USD/năm. Nhu cầu lâm sản trong nước cũng lớn, khoảng 3 - 5 tỷ USD/năm. Chế biến và xuất khẩu lâm sản gắn với hội nhập là then chốt cho phát triển lâm nghiệp theo hướng có hiệu quả và tuân thủ trong giai đoạn tới.
Chúng ta cũng có lợi thế của nền lâm nghiệp nhiệt đới, với thế mạnh của lâm thổ sản và đặc sản. Sức hút của nghề rừng và của các chuỗi giá trị lâm sản ngày càng lớn đối với nhân dân, tư nhân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, là một trong những ngành hàng xuất khẩu tỷ USD trọng điểm. Khả năng độc lập và cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu của ngành gỗ Việt Nam đã và đang trở thành thương hiệu lớn.
Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,5% năm 2014 lên 41,85% năm 2019; năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung liên tục tăng, từ 12,8 triệu m3 năm 2015 lên 19,5 triệu m3 năm 2019 và dự kiến đạt 21,0 triệu m3 năm 2020, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp được xây dựng; công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng từ 6,5 tỷ USD vào năm 2014 lên 11,31 tỷ USD năm 2019 và dự kiến năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD.