| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực đời chẻ đá

Thứ Sáu 19/12/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đá đã giúp những người thợ có cơm ăn, chi tiêu cuộc sống gia đình; nhưng cũng chính nó đã mang đến cho họ không ít đau thương, nước mắt.

Địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là nơi tập trung khá nhiều bãi đá thiên nhiên chất lượng cao. Vì thế, không biết từ bao giờ, nơi đây đã quy tụ hàng trăm người mưu sinh bằng nghề chẻ đá, một nghề vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm…

Mồ hôi thấm ướt đá xanh

Bãi đá đầu tiên chúng tôi đến nằm sâu trong rẫy ở ấp 3, xã Vĩnh Tân, với ngổn ngang lều chõng. Ở đó, có gần chục người thợ với cánh tay gân guốc rắn chắc, liên tục giơ cao chiếc búa tạ nặng hơn chục ký nện xuống những khối đá to, phát ra âm thanh khô không khốc giữa không gian tĩnh lặng, khuôn mặt, lưng áo họ ướt đẫm mồ hôi.

Từ một khối đá to bằng chiếc xe bò, nặng hàng tấn, người thợ khoan một lỗ ở giữa, sau đó dùng cây sắt nhọn đầu, to bằng cổ tay, đặt vào lỗ vừa khoan rồi cầm búa tạ nện mạnh từng nhát cho đến khi hòn đá vỡ ra từng mảng nhỏ. Sau đó, họ bắt đầu đục, đẽo, thành những viên đá đủ kích cỡ theo yêu cầu của khách hàng.

Khi mặt trời gần đứng bóng, những viên đá vuông vắn được xếp cao dần, cũng là lúc những người thợ thấm mệt. Họ ngừng tay, quây quần bên thùng nước đá, uống ừng ực, rồi sau đó lại chuyền tay điếu thuốc.

Nhìn về đống đá vừa chẻ với đôi mắt đăm chiêu, ông Ngàn Văn Thế (55 tuổi, ở thị trấn Vĩnh An), người đã có gần chục năm gắn bó với chiếc búa tạ và những khối đá lạnh lùng, tâm sự: “Đây là một trong những nghề cực khổ nhất mà tôi từng biết. Nhưng tuổi cao, lại không có nghề nên đành phải làm. Được cái nghề này tự do, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ, không ai thúc ép, la mắng. Chủ tính tiền công dựa trên sản phẩm, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”.


Vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người vẫn bám nghề chẻ đá

Ông Thế cho biết, người nào mới vào nghề làm chưa quen cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng/ngày, còn những thợ làm lâu năm thì trung bình mỗi ngày phải từ 200 đến 300 ngàn đồng.

Ngồi cạnh ông Thế là ông Phạm Văn Thiện (50 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Vĩnh An). Toàn thân ông mồ hôi vã ra như tắm, tay chân, mặt mũi phủ trắng bụi đá. Nhớ lại những ngày đầu đi chẻ đá, ông Thiện kể: “Tui làm nghề này từ năm 18 tuổi nên biết rõ, không còn nghề nào nặng nhọc, nguy hiểm hơn nghề chẻ đá đâu chú. Lúc đầu chưa quen với công việc nặng nhọc này nên sau một ngày làm việc trở về nhà, tay chân rã rời, mệt đến mức không ngồi nuốt nổi chén cơm mặc dù bụng đói cồn cào. Nỗi cực nhọc của cánh thợ chúng tôi không thể cân đo đong đếm được, bởi không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ máu, thậm chí cả tính mạng. Cho nên, anh em trong nghề thường khuyên bảo nhau phải luôn kiên trì và cẩn thận trong từng thao tác để hạn chế mức thấp nhất rủi ro xảy ra”.

Theo ông Thiện, ngày xưa khi chưa có máy khoan, máy đục hỗ trợ thì người thợ toàn phải dùng tay. Vì thế nếu ai sức khỏe không đảm bảo, khó gắn bó lâu dài được với nghề. Hơn nữa, để làm ra sản phẩm nhiều, ngoài sức khỏe tốt thì còn phụ thuộc vào chất lượng đá. Đá tốt thì chẻ không bị hư, còn đá xấu thì chẻ sẽ dễ bị nát. Chính vì thế thu nhập nghề này cũng khá bấp bênh.

Nghề hiểm huy

Đá đã giúp những người thợ có cơm ăn, chi tiêu cuộc sống gia đình; nhưng cũng chính nó đã mang đến cho họ không ít đau thương, nước mắt.

Với họ, chỉ cần nhắc đến nghề là có thể tưởng tượng ra sự hiểm nguy như thế nào. Tai nạn luôn chực chờ bởi hầu như những thợ chẻ đá không sử dụng bất cứ một dụng cụ bảo hộ lao động nào ngoài đôi tay trần.


Nghề chẻ đá thường xuyên đối diện với những nguy hiểm

Từ khối đá to, để chẻ tiện ra thành những viên đá nhỏ, người thợ phải tốn rất nhiều sức lực. Những ai đã gắn bó với nghề này thì chuyện bị dập móng tay, ngón chân, trầy xước là chuyện bình thường. Đó là chưa nói đến những sự cố nghiêm trọng hơn như bị mảnh đá văng mù mắt, đá đè gãy tay, chân, thậm chí chết người.

“Nghề này nguy hiểm nhưng để hạn chế những rủi ro, chúng tôi thường nhắc nhở, động viên nhau nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Với những thợ mới vào nghề, anh em thợ cựu sẽ hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác như tư thế cầm máy phải đứng như thế nào, cách cầm búa tạ nện xuống đá ra làm sao để hạn chế bị đá, đồ dùng văng trúng vào người”, ông Hoàng bày tỏ.

Rít thêm điếu thuốc lào, ngửa cổ nhả khói bay mù mịt với vẻ sảng khoái, ông Đặng Văn Khôi (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Tân), có thâm niên 26 năm trong nghề chẻ đá, kể về những câu chuyện gắn với các thương tích trên cơ thể mình: “Cách đây vài tháng, trong lúc tôi đang dùng máy để khoan hòn đá nặng khoảng 500 ký thì chẳng may máy khoan giật ngược trở lại trúng vào ngực gây nứt xương. Tôi phải nằm bệnh viện điều trị mất mấy tháng mới khỏi, nay vừa đi làm trở lại đấy”.

Tôi để ý, cũng vì chẻ đá mà một ngón tay của ông đã bị đứt lìa và còn nhiều mảnh đá văng găm vào cơ thể, tay chân ông để lại chi chít những vết sẹo, thậm chí một số mảnh vẫn còn nằm trong bắp thịt.

Chưa hết, ông Khôi còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thương tâm về các vụ tai nạn lao động xảy ra đối với đồng nghiệp của mình. Có trường hợp, người thợ đang cặm cụi tiện đá thì một hòn đá to từ trên dốc cao lăn xuống khiến người này bị chấn thương nặng và đã tử vong.

Theo lời những người thợ chẻ đá ở đây, để đục được đá, những thợ đá như họ rất dễ bị đá bắn vào người, bay vào mặt, mắt. Cứ dăm ngày lại có mảnh bay vô người, mấy chục năm làm nghề chẻ đá, trên người có bao nhiêu vết sẹo, đếm không hết được.

Nghề chẻ đá còn bao hiểm nguy chực chờ đe dọa mạng sống của bao người thợ nhưng vì miếng cơm, manh áo, họ đã phải gắn chặt cuộc đời mình với đá.

Mới đây, có lần trời đổ cơn mưa nhưng một anh thợ chẻ đá vẫn ráng làm nhưng chẳng may bị điện chạm và giật chết…


Phút giải lao của thợ chẻ đá

Trời càng về trưa, cái nắng càng trở nên ngột ngạt hơn, mồ hôi đổ nhiều làm ướt hết lưng áo nhưng những người thợ già vẫn cặm cụi chẻ đá. Chúng tôi chào tạm biệt những người thợ ra về. Tiếng máy khoan, tiếng búa, tiếng đục…vẫn văng vẳng bên tai xen lẫn lời tâm sự của ông Khôi: “Ngày nào tôi còn khỏe thì ngày ấy vẫn còn chẻ đá. Tui nuôi con ăn học đến đại học cũng nhờ cả vào tiền chẻ đá thuê này. Tui như “mắc nợ” đá, dứt ra không được, nghề đã chọn mình thì phải cố gắng cũng vì miếng cơm, manh áo chứ không còn cách nào khác nữa”.

Chủ bãi đá Trần Văn Hoàng cho biết, đa số những người thợ chẻ đều là người dân địa phương. Ở đây, người làm nghề lâu nhất có đến hơn 30 năm, còn ít nhất cũng phải cả chục năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có khoảng một trăm bãi đá gia đình, mỗi bãi lại có trên dưới chục người thợ. Tính ra, số thợ chẻ đá ở Vĩnh Cửu cũng vài trăm chứ chẳng ít. Riêng bãi đá của ông Hoàng hiện đang tạo công ăn việc làm cho 25 thợ. Đá ở đây được dùng phổ biến trong xây dựng móng nhà, hàng rào, các công trình lăng mộ, đường mương thoát nước, bờ kè chống lũ...

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Ninh: Công ty Hanaka có hành vi vi phạm Luật Thủy lợi

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản 407/SNN-CCTL về việc giải quyết hoàn trả lại tuyến kênh tưới đã bị san lấp, gây ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.