| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 4] Tất tả ngược xuôi, đói nghèo vẫn đeo bám

Thứ Năm 12/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Địa hình bất thuận, điều kiện đi lại khó khăn cùng hàng loạt yếu tố đặc thù khác khiến công tác thu hút đầu tư tại các huyện miền tây Nghệ An vô cùng gian nan.

19-27-24_2
Nhiều hộ dân tại xã Quang Phong khốn khó.

Thế nên mỗi dự án nảy mầm trên vùng đất khó luôn mang theo nhiều kỳ vọng lớn. Tiếc thay sự bội ước của chủ đầu tư khiến niềm tin ngày càng héo hon. Những gì đang diễn ra tại huyện miền núi Quế Phong chính là lát cắt chân thực ấy.
 

Niềm tin đánh mất

Quế Phong là huyện nghèo, qua khảo sát tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 chiếm gần 63%. Nghèo đói xuất phát từ nhiều nguyên do. Tiếc thay sau bao năm gồng gánh địa phương vẫn không thoát ra khỏi nghịch cảnh, mãi loay hoay trong bộn bề gian khó.

Trong tâm thức người dân miền cao, tư liệu sản xuất là yếu tố tiên quyết. Với họ nhà cửa, đường đi, lối lại dù có tuềnh toàng cũng chưa chết ai nhưng thiếu đất canh tác là nguy nan thực sự. Suốt bao đời gắn bó mật thiết với rừng già, lớn lên giữa cỏ cây mây ngàn đã hình thành trong họ những tập tục khó xóa nhòa. Với người dân từng tấc đất mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng và không thể tách rời.

Bởi thế khi phong phanh có dự án lớn, nhỏ khởi công chẳng một ai hồ hởi, trái lại là âu lo xen lẫn không ít mối hoài nghi. Họ trước sau nhất quyết không tán thành chủ trương nhường đất, chỉ khi chính quyền ra sức tuyên truyền, vận động, “mưa dầm thấm lâu” thì các hộ mới xuôi lòng nghe theo.

Chấp nhận chịu phần thua thiệt vì lợi ích chung, nào ngờ thứ người dân nhận lại thật bạc bẽo và xót xa. Thời điểm chưa tìm được tiếng nói chung, phía chủ đầu tư hứa hươu hứa vượn bằng những lời lẽ như rót mật vào tai, để rồi khi đạt được mục đích thì chẳng buồn đếm xỉa. Hết lần này lượt khác đều một bài bổn cũ soạn lại, cứ thế niềm tin của chính quyền sở tại và nhân dân hao mòn. Giờ đây khi nhắc đến 2 từ “dự án” tất thảy đều lắc đầu.

Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thừa nhận: “Dự án mọc lên đồng nghĩa với quỹ đất canh tác của người dân bị thu hẹp lại. Bước đầu chúng tôi kỳ vọng bà con sẽ được hưởng lợi khi mọi thứ xong xuôi, nào ngờ chủ đầu tư không tuân thủ các cam kết khiến tình hình ngày càng đáng lo”.

Điểm mặt đặt tên những ông lớn “ngốn” quỹ đất khổng lồ dưới hình thức “dự án trồng rừng” tại huyện nghèo Quế Phong không phải chuyện khó. Đi đầu phải kể đến Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, kế đó là Cty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An, sau nữa là Lâm trường Quế Phong. Theo quy hoạch 3 đơn vị này có tổng quy mô trên 9.000 ha, đáng chú ý diện tích rừng sản xuất và phòng hộ chiếm phần nhiều.

Cần nói thêm, trước đây UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch diện tích hơn 3.642 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Quang Phong, Châu Thôn và Tri Lễ cho Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt triển khai công tác trồng rừng. Quá ngán ngẩm với những gì đã xảy ra, người dân cả 3 xã đều đồng loạt đứng lên tẩy chay. Không có đất, dự án... ngắc ngoải.
 

Bao giờ trả đất

Trở lại với dự án của Công ty Thanh Thành Đạt, năm 2012 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định cho thuê gần hai ngàn ha, trong đó xã Nậm Nhoóng gần 294ha, Nậm Giải 451ha và Quang Phong trên 978ha. Nhận thấy tiến độ không mấy khả thi, cuối năm 2017 tỉnh tiếp tục điều chỉnh rút xuống còn khoảng 1.300ha, chỉ thực hiện tại 2 xã là Quang Phong và Nậm Giải.

Liên quan đến dự án này, chính quyền các cấp phải xoay như chong chóng không biết bao nhiêu bận, đã ra sức thể theo nguyện vọng của nhà đầu tư rất nhiều lần nhưng kết quả thu về chẳng hề tương xứng.

Thực tế đã qua nhiều năm nhưng Công ty Thanh Thành Đạt chưa khép nổi ½ diện tích được giao, chung quy chỉ đạt trên dưới 600 ha. Chưa kể đơn vị này chỉ chăm chăm thực hiện trên những lô, khoảnh có địa hình thuận lợi, đất đai màu mỡ, riêng những vùng thuộc dạng “chó ăn đá gà ăn sỏi” thì bỏ mặc. Động thái kén cá chọn canh càng góp phần đẩy căng thẳng lên cao trào.

“Với bà con, đất đai thuộc quyền sở hữu của cộng đồng bản địa, từ thời cha ông đã có nay nghĩa vụ của họ là duy trì, tiếp nối. Đùng cái doanh nghiệp vào chiếm đất và hứa hẹn giải quyết công ăn việc làm. Thực tâm kể cả phải sống chung với nghèo đói chứ chẳng đời nào người dân chấp nhận phận làm thuê trên chính mảnh đất của tổ tiên mình”, một cán bộ xã Quang Phong bày tỏ quan điểm.

Chủ tịch UBND xã Vi Thái Điệp bộc bạch thêm: “Nhân dân Quang Phong từ xa xưa chỉ biết làm lúa nước và phát nương làm rẫy kiếm kế sinh nhai. Sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 13 thì tình trạng phát nương làm rẫy bị cấm sạch, bước đầu các hộ bức bách nên kịch liệt phản đối. Phải qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con mới chấp hành nhưng trong lòng không vui”.

Toàn xã Quang Phong có 6.300 khẩu, trong khi diện tích lúa nước chỉ vỏn vẹn 190ha. Nhẩm tính hộ khá được chia 2 - 3 sào, nhiều hộ không có nổi tấc nào trong tay. Quỹ đất ít ỏi không đáp ứng đủ nhu cầu khiến nhiều nhà trầy trật không ngóc đầu lên nổi.

Áp lực đè nặng buộc nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Thanh niên sức dài vai rộng hay người trong độ tuổi lao động đi biền biệt khắp Nam chí Bắc. Có cả những thành phần chấp nhận rủi ro vượt biên tìm kiếm vận may, số này thuộc dạng “đi không ai biết, về chẳng ai hay”, chính quyền không sao quản lý nổi. Theo thời gian làn sóng “di cư” ngày một lan rộng, chung quy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà ra.

Thiếu đất sản xuất, già Sầm Văn Thương (SN 1963), trú tại bản Páo 2 phải ra tận khu Khe Ton, nơi cách nhà đến dăm bảy cây số dựng lán khai hoang, nuôi thêm con lợn, con gà, trồng thêm cây rau, cây cỏ cốt tránh cảnh 3 bữa đói.

19-27-24_3
Già Sầm Văn Thương phải tăng gia để lo toan cho gia đình.

Hàng tháng nay dịch tả lợn Châu Phi đã tràn về bản Páo 2, báo hại già Thương suốt từ bận đó ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, ngày đêm canh cánh nặng trĩu âu lo: “Đấy chú xem, đất đai chỗ có chỗ không, vụn vặt chả ai buồn ngó ngàng. Nhà đông miệng ăn, cực chẳng đã phải lăn lộn kiếm thêm chút đồng bạc lẻ chứ sức đâu mà ham hố nữa. Mưa thuận gió hòa, ông trời thương tình còn có cái cho vào mồm, chẳng may...”, nói đến đây già sụt sùi như muốn khóc.

Con trai già Thương là anh Sầm Văn Phúc, đã kết duyên với chị Lang Thị Thơm, người làng trên mấy năm trước. Sau đó ít lâu cả gia đình vỡ òa trong sung sướng khi cháu gái đầu lòng Sầm Thị Thúy Nga cất tiếng khóc chào đời. Chẳng ngờ hân hoan chưa dứt thì biến cố đã thi nhau ập đến.

Không may mắn như con trẻ trong làng, ngay từ nhỏ cháu Nga đã có dấu hiệu của bệnh tật, sức khỏe cháu không đảm bảo, nay ốm mai đau như cơm bữa. Hết ngày này qua ngày khác, mãi không thấy tình hình thuyên giảm vợ chồng sốt ruột cất công đưa con xuống huyện thăm khám thì mới hay cháu mắc bệnh thiếu máu trầm trọng. Kể từ đó, cuộc sống gia đình đảo lộn tứ tung.

Đều như vắt chanh, hàng tháng người nhà phải thay phiên nhau đưa cháu xuống Bệnh viện điều trị, thông thường mỗi đợt từ 7 – 8 ngày, nhiều lúc trở nặng kéo dài đến 12 ngày. Đi lại vất vả còn gắng gượng được, chứ với mức điều trị như hiện nay thì quả là bài toán khó nhằn.

“Cả nhà chỉ có khoảng 1.200m2 đất, không làm thì đói, cất công cày bừa cũng chẳng đủ no. Mấy miệng ăn trông cả vào anh Phúc nhưng bấp bênh lắm, thi thoảng có người thuê mướn kéo gỗ được trả dăm ba trăm ngàn tiền công, loay xoay cũng chỉ trang trải được một phần thuốc men. Tất tả ngược xuôi mà cái đói cái nghèo vẫn mãi đeo bám, cũng may còn chòm xóm, láng giềng chứ thực tâm gia đình không sao kham nổi”, chị Thơm trải lòng.

Gia cảnh của anh Phúc, chị Thơm cũng chính là vấn đề của hầu hết các hộ dân tại xã miền cao Quang Phong. Hỏi khắp làng trên xóm dưới, tất thảy đều đau đáu: “Người có thì không cần, người cần thì không có. Đến bao giờ họ mới trả đất cho chúng tôi”?

19-27-24_4
Mẹ con chị Thơm đều có vấn đề về sức khỏe.

Quế Phong có 10 dự án thủy điện

Bên cạnh hệ lụy các dự án trồng rừng, Quế Phong còn lâm vào tình cảnh sống dở chết dở vì vướng vào 10 công trình thủy điện lớn, nhỏ bủa vây tứ phía khiến huyện nghèo ngày càng kiệt quệ.

Lợi ích chủ đầu tư hưởng, hậu quả địa phương nai lưng gánh chịu. Chính quyền huyện đề nghị trích kinh phí từ nguồn thu của các thủy điện nhằm phục vụ đời sống nhân dân. Huyện đề nghị trích 3 - 5% tiền thuế thu hàng năm từ các nhà máy thủy điện. Với chủ đầu tư, đề nghị trích 1 - 2% doanh thu sau thuế. Tiếc thay, tất cả vẫn... án binh bất động trước thống khổ của nhân dân.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.