| Hotline: 0983.970.780

Có dấu hiệu bao che trong vụ cho thuê đất trái phép ở Tân Lập?

Thứ Tư 12/04/2017 , 08:05 (GMT+7)

Vụ cho thuê đất và phê duyệt giá đền bù trái thẩm quyền, trái pháp luật của UBND huyện Đan Phượng (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội) tại xã Tân Lập đã gây ra những hậu quả rất nặng nề.

Có doanh nghiệp, như Cty Hương Quế, dù đã được UBND huyện Đan Phượng giao đất từ năm 2001, nhưng đến nay, đã 16 năm vẫn chưa được UBND tỉnh Hà Tây cũ, rồi UBND TP Hà Nội ra quyết định cho thuê đất.

Thực tế thì doanh nghiệp này đã ngang nhiên chiếm dụng trên 6.000m2 đất rồi cho một doanh nghiệp khác thuê lại để mở xưởng sản xuất. Người dân bị thiệt thòi về tiền đền bù vẫn không được giải quyết.

Nhớ lại ngay từ những năm 2003, ông Nguyễn Hữu Lễ, Bí thư Chi bộ cụm 13 xã Tân Lập, người được chi bộ giao nhiệm vụ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những hộ dân có đất bị thu hồi, đã có rất nhiều đơn thư gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ, và UBND TP Hà Nội, tố cáo những việc làm trái pháp luật nói trên của UBND huyện Đan Phượng và UBND xã Tân Lập.

Ông Nguyễn Hữu Lễ, Bí thư Chi bộ cụm 13 xã Tân Lập

Ngày 31/5/2011, UBND TP Hà Nội ra thông báo số 138/TB-UBND “kết luận nội dung đơn tố cáo của công dân cụm 13 xã Tân Lập, huyện Đan Phượng” do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh ký.

Nội dung của thông báo này chứa đựng đầy mâu thuẫn. Một mặt, thông báo thừa nhận những tố cáo của ông Nguyễn Hữu Lễ là đúng. Nhưng mặt khác lại thừa nhận rằng “mức giá đền bù về đất nông nghiệp (theo quyết định phê duyệt giá đền bù của UBND huyện Đan Phượng là 12 triệu đồng/sào) cho các hộ đã cơ bản tuân thủ các quy định, chính sách tại thời điểm thu hồi đất do UBND tỉnh Hà Tây trước đây ban hành”.

Thật là kỳ lạ. Theo quy định của pháp luật, thì thẩm quyền phê duyệt giá đền bù đất không phải là thẩm quyền của cấp huyện. Thế mà UBND TP Hà Nội lại công nhận thẩm quyền này của UBND huyện Đan Phượng. Thời điểm UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp Tân Lập là năm 2003, và giá đền bù đất được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt là 25,6 triệu đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần giá đền bù trên cùng một đơn vị diện tích đất do UBND huyện Đan Phượng “phê duyệt” (12 triệu đồng/sào).

Thế mà thông báo trên của UBND TP Hà Nội lại cho là giá đền bù đất mà UBND huyện Đan Phượng “phê duyệt” là “cơ bản tuân thủ các quy định, chính sách do UBND tỉnh Hà Tây ban hành”. Nói thế, tức là UBND tỉnh Hà Tây đã vi phạm những quy định, chính sách của chính mình.

Nhận định sau đây của Thông báo số 138/TB-UBND của UBND TP Hà Nội mới thật hài hước: “Hồ sơ sử dụng đất của Cty Tân Hoàng Long, HTX công nghiệp dệt Tân Lập, DNTN Đông Thành (3 trong 7 DN được UBND huyện Đan Phượng cho thuê trái pháp luật tại Tân Lập) phù hợp với hướng dẫn của Sở Địa chính (cũ), đã được UBND tỉnh quyết định quyết định cho thuê đất từ năm 2001”.

Năm 2003 UBND tỉnh Hà Tây mới có quyết định thu hồi đất. Thế thì năm 2001 UBND tỉnh lấy đâu ra đất để cho 3 DN kia thuê?

Đối với việc UBND huyện Đan Phượng đã chặn 322 triệu đồng trong số tiền đền bù của dân (theo giá 12 triệu đồng/sào) để giao cho bà Nguyễn Thị Mai, chủ Cty Vĩnh Lợi, người không có một m2 đất nào bị thu hồi, tuy thông báo trên của UBND TP Hà Nội kết luận là sai, nhưng lại giao cho UBND huyện Đan Phượng thu hồi lại, nộp vào kho bạc Nhà nước, chứ không trả lại cho dân. Kết quả là 6 năm nay, vẫn không thu hồi được.

Theo nhận xét của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, thì “quá trình giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân với các vi phạm pháp luật của chính quyền, do lãnh đạo UBND TP Hà Nội (ông Vũ Hồng Khanh) ban hành trong giai đoạn 2011 - 2013 không đúng với các quy định về nội dung, thể thức giải quyết theo Luật Khiếu nại và tố cáo năm 1998, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại và tố cáo năm 2004 và 2005. Nội dung giải quyết còn mập mờ, né tránh và thể hiện sự bao che cho khuyết điểm của cấp dưới”.

Nếu UBND TP Hà Nội không giải quyết một cách rạch ròi, dứt khoát vụ việc trên, thì những vi phạm pháp luật của UBND huyện Đan Phượng vẫn không bị xử lý. Người dân xã Tân Lập có đất bị thu hồi để xây dựng cụm công nghiệp Tân Lập vẫn bị thiệt thòi, và Tân Lập vẫn còn là điểm nóng của khiếu kiện.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất