| Hotline: 0983.970.780

Có đuổi được “linh vật lạ”?

Thứ Năm 21/08/2014 , 09:29 (GMT+7)

Những biểu tượng, sản phẩm, linh vật và hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam có thể bị tháo dỡ khỏi di tích, đình chùa./ Bộ VHTTDL khuyến cáo không đưa vật lạ vào di tích

Đây là khẳng định của Bộ VHTTDL trước thực trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng bừa bãi các “hiện vật lạ” tại các nơi sinh hoạt công cộng.

Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho biết, Thanh tra Bộ, Cục Di sản, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã lên kế hoạch rà soát hiện trạng, đưa các “hiện vật lạ” ra khỏi những di tích được xếp hạng.

“Cơ quan chức năng sẽ đưa các “hiện vật lạ” ra khỏi những di tích đã được xếp hạng theo đúng tinh thần của Luật Di sản”, ông Phan Đình Tân khẳng định. 

sm-1654172036800
Tượng Phật ngồi trên sư tử đá tại chùa cổ Chân Tiên (Bà Triệu, Hà Nội)

Trước đó Bộ VHTTDL đã ra Văn bản 2662 (ngày 8/8/2014) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi văn bản được ban hành đến nay, các di tích vẫn chưa có động thái gì về việc loại bỏ các “hiện vật lạ”. Theo lo ngại của các chuyên gia thì văn bản này khó khả thi và có nguy cơ trở thành văn bản treo.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề nghi ngại vì văn bản trên đã không thể hiện tinh thần “cương quyết nói không” mà chỉ dừng lại ở đề nghị, khuyến cáo mà không có tính bắt buộc thực hiện. Đồng thời văn bản này cũng không quy định rõ thời hạn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát hiện trạng và báo cáo kết quả, đề xuất việc xử lý.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Sức đề kháng văn hóa của chúng ta phải trên cơ sở hiểu biết của người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu thiếu hai yếu tố đó thì bản sắc văn hóa sẽ không thể tự bảo vệ được trước sự xâm lăng của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta không kỳ thị văn hóa của bất cứ một quốc gia nào.

Con sư tử - với người Trung Quốc là linh vật, linh thiêng, rất đẹp, đó là giá trị cần trân trọng nhưng phải đặt đúng chỗ. Lấy một ví dụ thế này, trước năm 1954, ở Hà Nội, cứ thấy con sư tử nào là biết ngay đó là chùa Tàu hoặc hội quán của người Hoa, không lẫn lộn vào đâu được, và mọi người đều tôn trọng việc đó. Nhưng bây giờ thì tràn lan vì không ai nhắc nhở, người dân không hiểu biết, và tưởng thế là đẹp”.

Trong khi đó, thực trạng sử dụng các “hiện vật lạ” với mục đích tín ngưỡng vẫn đang tiếp diễn một cách công khai. Trong số đó, hình tượng về sư tử canh mộ Bắc Kinh được sử dụng rộng rãi nhất.

Chiều 19/8, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã gửi công văn đến Sở VHTTDL, thanh tra văn hoá các tỉnh thành để giới thiệu mẫu linh vật "canh cửa" của Việt Nam. 
Cục đã thu thập tư liệu ảnh từ các nguồn khác nhau để tập hợp thành một bộ mẫu tượng linh vật "canh cửa" thuần Việt, nhằm giúp việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý và hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ những biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo khảo sát của Báo NNVN, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đôi tì hưu hay sư tử đá Bắc Kinh ngay tại Hà Nội nghìn năm văn hiến. Điển hình như đôi tì hưu ở chùa Vân Hồ (phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội), đôi sư tử đá Trung Quốc nhe răng, giơ móng vuốt dữ dằn ở Đông Miếu (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) hay cặp sư tử đá theo phong cách châu Âu trước cổng di tích Đền - chùa Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm).

Nghiêm trọng nhất là trường hợp di tích chùa cổ Chân Tiên (Bà Triệu, Hà Nội) cũng bày sư tử đá nhưng lại lai tạp phong cách Âu - Á. Cặp sư tử trước khu vườn tháp của chùa được làm theo mẫu của Trung Quốc, nhưng trên đỉnh tháp lại theo tạo hình Châu Âu.

Theo ý kiến từ các nhà nghiên cứu, có hiện tượng này là do truyền thông và các nhà quản lí chưa hợp lực cùng nhau trong tuyên truyền và phổ biến kiến thức văn hóa.

Một vấn đề tế nhị khác là những linh vật truyền thống như sư tử đá, con nghê thời Lý rất đẹp, nhưng rất cầu kỳ, tốn kém trong chế tác.

Còn sư tử Bắc Kinh trông dữ dằn và gân guốc nhưng việc chế tác lại đơn giản, rẻ tiền. Vì lợi ích kinh tế, giữa hai linh vật, người Việt đã loại bỏ linh vật của mình dù nó mang tính thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa.

Ngoài sư tử Bắc Kinh ra thì “hiện vật lạ” còn là những hiện vật mà “không biết gọi là con gì, kiểu gì”. Điều này rất gần với bộ hiện vật áo giáp - ngựa - roi sắt tại đền Phù Đổng mới được cung tiến gần đây.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra giải pháp triệt để cho vấn đề này là khi loại bỏ những linh vật, sản phẩm xa lạ thì điều quan trọng hơn là chúng ta phải có những sản phẩm thay thế và phát huy những sản phẩm của văn hóa truyền thống, những hình mẫu đẹp.

“Ví dụ, nếu chúng ta thờ Quan Vân Trường vì tôn trọng cái chính nghĩa của ông thì tại sao chúng ta không thờ Thánh Gióng hay Đức Thánh Trần? Đó là những hình tượng đẹp cũng có những phẩm chất ấy và thêm nữa, họ gắn bó với dân tộc ta”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất