| Hotline: 0983.970.780

Cô gái mù tỏa sáng

Thứ Tư 01/08/2012 , 09:57 (GMT+7)

Căn bệnh u não quái ác đã cướp đi của Hạnh tất cả: liệt 2 chân, mù 2 mắt, điếc. Nhưng bằng nghị lực phi thường, cô đã vượt qua tuyệt vọng tận cùng để quay trở lại cuộc sống.

Lê Dương Thể Hạnh từng là một tiểu thư đài các, học giỏi lại nết na. Mọi thứ đang đẹp như một giấc mơ thì bất ngờ tai họa giáng xuống, căn bệnh u não quái ác đã cướp đi của cô tất cả: liệt 2 chân, mù 2 mắt, điếc. Nhưng bằng nghị lực phi thường, cô đã vượt qua tuyệt vọng tận cùng để quay trở lại cuộc sống.

TAN BIẾN GIẤC MƠ HỒNG

Tôi gặp Hạnh trong một buổi chiều Đà Lạt lất phất mưa. Trời lạnh, làn da trắng hồng của cô cuộn trong chiếc áo khoác hồng rất xinh. Khuôn mặt trái xoan và mái tóc dài đen óng ả. Hạnh từng là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô, bởi cô không chỉ ngoan hiền, thùy mị mà còn học rất giỏi, đặc biệt các môn khoa học xã hội và ngoại ngữ. Tôi định nói: “Thấy Hạnh vẫn xinh như những lần gặp trước”, nhưng đã kịp dừng lời khi Hạnh chào tôi mà mặt lại quay sang hướng khác, đôi mắt mờ đục, vô hồn. “Nhìn tôi thế này, chắc các bạn thất vọng lắm. Nhưng đó là số phận, biết làm sao bây giờ”, Hạnh nói.

Năm 2003, Hạnh tốt nghiệp bằng “đỏ” ngành Nhật Bản, khoa Đông Phương học, trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Ra trường, trong khi bạn bè phải đôn đáo xin việc khắp nơi thì Hạnh đã nhanh chóng trở thành phiên dịch viên tiếng Nhật cho một Cty lớn ở TPHCM khiến bạn bè không khỏi ghen tỵ. Không bao lâu sau khi ra trường và ổn định công việc, Hạnh đã chuẩn bị cho lễ cưới trong mơ với “hoàng tử” của mình.


Hạnh trong ngày tốt nghiệp năm 2003

Khi đang ngất ngây với mọi thứ mình đang có thì bất ngờ tai họa giáng xuống. Hạnh bị sốt li bì, đầu đau như búa bổ. “Bác sĩ thông báo tôi có một khối u ở bán cầu não trái. Mọi thứ sụp đổ dưới chân tôi. Suốt 4 năm sau đó, tôi phải trải qua lần 3 lần phẫu thuật, 27 lần xạ trị với biết bao đau đớn. Sau lần mổ thứ ba, tôi mới chấm dứt những cơn đau kéo dài, nhưng cũng là lúc tôi phải chia tay với ánh sáng. Liệt 2 chân, còn hai tay tuy không liệt nhưng không cầm được bát đũa để ăn, điếc tai trái... Đau đớn hơn là giọng nói lưu loát của một thông dịch viên ngày nào giờ chỉ còn là dĩ vãng vì cơ miệng bị lệch hẳn sang bên phải, phát âm biến dạng. Tôi trở thành một đứa trẻ 30 tuổi không hơn không kém.

Mối tình thơ mộng gần mười năm ngỡ sẽ đơm hoa kết trái cũng dở dang. Nỗi đau quá lớn cả thể xác lẫn tinh thần làm tôi nhiều lần nghĩ đến cái chết. Sợi dây níu tôi lại với cuộc sống này, chính là tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ, bạn bè, người thân. Có những lần, lơ mơ trong giấc ngủ, tôi thấy bàn tay mẹ dịu dàng mát xa cho tôi. Khi đó, tôi muốn nói câu “cảm ơn mẹ” lắm, nhưng không nói được, chỉ có nước mắt chảy dài. Và, chính tình thương bao la ấy của cha mẹ đã cho tôi sức mạnh đứng lên đương đầu với bệnh tật”, Hạnh kể.

Hạnh kể tiếp, nét mặt cô rạng ngời: Có câu, “nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”. Nếu mẹ là bà tiên nhân ái hiện ra để chăm sóc cho tôi từ miếng cơm, giấc ngủ thì ba như ông bụt trong truyện cổ tích dìu dắt tôi đi giữa cuộc đời. Cứ mỗi buổi chiều, ba lại đưa tôi đến sân trường tiểu học gần nhà để luyện tập. Những âm thanh thân thương năm nào trở lại, lời cô giáo và tiếng trẻ thơ véo von làm tôi vui hơn và rồi tôi lập bập đọc theo lũ trẻ. Thời gian trôi, tôi đã từ từ nói được. Khi học sinh tan trường, ba lại đỡ tôi ra khỏi xe lăn chập chững tập đi. Và, mọi sự cố gắng đều mang lại kết quả tốt, tôi đã có thể tự đứng lên vịn tường di chuyển, tự ăn, uống. Cuối cùng, tôi cũng nói được gần trôi chảy, tuy giọng nói không còn được trong trẻo như xưa”.

Nhưng có lẽ, Hạnh sẽ hạnh phúc gấp ngàn lần nếu cô thấy được những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt ba mẹ khi cô ngọng nghịu tiếng “ba, mẹ” như đứa trẻ lên ba.

HOA VẪN ĐẸP VÀ NGÁT HƯƠNG

Khi sức khỏe đã ổn hơn, Hạnh bắt đầu vạch ra kế hoạch tìm việc để làm. Bước đầu tiên để hòa nhập với xã hội, Hạnh chọn đến với Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng. Cô được mọi người chào đón với tình yêu thương và sự đồng cảm, nhất là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc những em chưa từng thấy ánh sáng từ khi mới sinh ra.

“Tiếp xúc với các em mới thấy, mình may mắn hơn các em nhiều vì còn có một gia đình ấm áp, một tuổi thơ rất đẹp. Mình phải làm gì để các em và những người khuyết tật như mình có một cơ hội thứ hai trong cuộc sống?”.

+ “Chúng tôi rất khâm phục nghị lực của Hạnh. Không chỉ vượt qua tất cả, Hạnh còn rất có tấm lòng với các em nhỏ khiếm thị. Tết vừa rồi, cố ấy viết thư gửi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp kêu gọi sự giúp đỡ cho các em nhỏ trong Hội được hơn 50 triệu đồng cho các em ăn tết”, anh Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng.

+ “Người mù rất cần sự trợ giúp từ cộng đồng, nhưng sự trợ giúp ấy không phải lúc nào cũng ổn định. Cho nên, bản thân người khuyết tật phải tự vươn lên. Vì thế, tôi luôn động viên các em trong Hội phải cố gắng học, trong đó, ngoại ngữ có thể là chìa khóa mở cánh cửa vào tương lai cho các em. Còn tôi, tôi sẽ góp sức bằng việc dạy miễn phí cho các em”, Hạnh tâm sự.

Với trăn trở ấy, Hạnh bắt đầu lập kế hoạch ôn lại vốn tiếng Anh của mình, rồi tự học thêm và trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, tiếng Nhật miễn phí cho những người có nhu cầu muốn học ngoại ngữ thông qua mạng Skype và phần mềm hỗ trợ dành cho người mù.

“Thời gian đầu, dùng máy vi tính sử dụng phần mềm hỗ trợ dành cho người mù, tôi soạn thảo văn bản vô cùng khó khăn, như đánh vật với bàn phím. Thính lực chỉ còn một nửa nên những âm thanh cứ nhảy múa... Nhưng cứ kiên trì, làm mãi cũng quen”, Hạnh kể.

Hiện nay, lớp học của Hạnh đã có nhiều học trò. Cô dạy tiếng Anh cho người Việt, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Các học viên đều là người khiếm thị. Sự đồng cảm đã xóa nhòa mọi khoảng cách và mang lại cho Hạnh niềm hạnh phúc vô bờ.

Nhìn Hạnh ngồi làm việc bên máy vi tính, tôi không dám tin đó là một cô gái mang nhiều bệnh tật. Hạnh làm việc mải miết, say sưa. Những ngón tay búp măng lướt bàn phím tự tin, chuẩn như lướt trên phím đàn. Cô từng mất tất cả, và giờ cô đang làm lại tất cả.


Hạnh đang dạy học trên internet ngay tại nhà

Dĩ nhiên, khái niệm “tất cả” đã đổi thay đáng kể. Được hòa nhập với cuộc sống, được làm người có ích, được trao yêu thương và nhận yêu thương, đó là “tất cả” của Hạnh bây giờ. Ngoài giờ học, cô giáo Hạnh ngồi xe lăn tư lự bên bàn làm việc, suy nghĩ về những bài viết còn dang dở. Cô viết nhiều lắm, viết văn, viết thơ và tập cả viết báo nữa. Cô lắng nghe những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình, trò chuyện rồi thao thức viết về họ. Cô muốn những bài viết sẽ là sợi dây ràng buộc cô với cuộc sống này chặt thêm chút nữa, thiết tha hơn nữa dù cô không còn được nhìn thấy cuộc sống ấy chuyển động trước mắt mình.

Bây giờ, dù không còn xinh tươi như thuở nào, nhưng đóa hoa ấy vẫn tỏa hương thơm, vẫn khiến bao trái tim phải rung động nghẹn ngào.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất