| Hotline: 0983.970.780

Có giải thưởng là có kiện cáo

Thứ Tư 20/07/2011 , 11:50 (GMT+7)

“Có giải thưởng là có kiện cáo”, có lẽ là câu “châm ngôn” của “thời đại” đụng đâu sai đấy, xét thưởng ở đâu có bất cập đấy của cơ chế ban phát sự khen tặng (ghi nhận công lao)..."

Nhà biên kịch Phan Huyền Thư
“Có giải thưởng là có kiện cáo”, có lẽ là câu “châm ngôn” của “thời đại” đụng đâu sai đấy, xét thưởng ở đâu có bất cập đấy của cơ chế ban phát sự khen tặng (ghi nhận công lao) đã được tùy tiện hóa, cá nhân hóa núp dưới vỏ bọc của sự lạm quyền được thể chế hóa, chính thức hóa.

Trong rất nhiều dẫn chứng để chứng minh cho nhận định trên, chuyện kiện cáo, bất bình xoay quanh việc đạo diễn Nguyễn Thước được Bộ Bộ VH-TT-DL đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Nhà nước năm nay với 3 bộ phim: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @ Chất xám. Trong đó, Sự nhọc nhằn của cát đã đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng 2004 và Chất xám đoạt giải thưởng Bông Sen Vàng 2010 về biên kịch cho các nhà biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư.

Vậy là, qua hai cuộc liên hoan phim, đạo diễn không hề có giải thưởng nào bây giờ lại được đề nghị xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước còn hai nhà biên kịch được nhận giải thưởng xuất sắc nhất thì bị... quên!

Cái lý của mê cung - tạm gọi là “hội chứng hội đồng” của ta mới sinh ra những nhiễu thưởng oái oăm như thế. Về nguyên tắc, công lao của đạo diễn chưa hề được thừa nhận ở bất kỳ cấp độ xét thưởng nào thì không thể bỗng nhiên “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” như thế. Tại sao có thể phủ định cái đã được khẳng định bằng cách tuyên dương vượt cấp cái chưa hề?

Tất nhiên, không ai phủ nhận công lao của đạo diễn, người đã chuyển tải thành công ngôn ngữ văn học thành ngôn ngữ hình ảnh trong một bộ phim được công chúng ghi nhận. Nhưng vấn đề là ở chỗ, khi đã bàn đến chuyện giải thưởng tức là bàn cụ thể về cách cân đo đong đếm thì nhất thiết phải lượng hóa các giá trị đã được cân đong.

Thứ nhất, Hội đồng cấp Bộ của Bộ VH-TT-DL vô hình trung đã phủ định Hội đồng Liên hoan phim 2004 và 2010! Nói cách khác, Hội đồng cấp Bộ không thừa nhận cái hội đồng mà chính nó đã tạo dựng, quản lý? Xét theo nghĩa hẹp nhất, Hội đồng Liên hoan phim là “cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cao nhất” trong việc đánh giá chất lượng của một bộ phim cũng như công lao, giá trị của những người có vai trò chủ yếu nhất làm nên thành công của phim.

Thứ hai, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước nhầm lẫn khi ông cho rằng các nhà biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư đã nhầm lẫn vì giải thưởng cấp Nhà nước đã từng xét thưởng năm 2007 cho đạo diễn nên ông có lý, có quyền được đề cử xét thưởng lần này. Tại sao Nguyễn Thước không nghĩ rằng năm 2010 phim Chất xám cũng không hề tôn vinh ông với tư cách là đạo diễn?

Thứ ba, trong sáng tạo văn học nghệ thuật, ai cũng biết rằng giá trị quan yếu nhất chính là ý tưởng. Nhà văn hay nhà biên kịch là người “đẻ” ra một bộ phim theo đúng nghĩa mang nặng đẻ đau. Thử đi tìm hiểu, hỏi han các nhà làm phim từ Nam chí Bắc, sẽ thấy là ai cũng than phiền về chuyện “thiếu kịch bản hay”.

Kịch bản là cái quyết định đầu tiên đến chất lượng của một bộ phim, do đó, nếu muốn tôn vinh một đạo diễn (không có giải thưởng nào) thì nhất thiết, trước đó phải ghi nhận, tôn vinh nhà biên kịch. Có thể ví công việc của nhà biên kịch như là nhà thiết kế cho một mẫu xe mới còn đạo diễn là người vật chất hóa, hình ảnh hóa mẫu xe đó đến với hiện thực tiếp nhận.

Thứ tư, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Thước đã có thêm một nhầm lẫn nữa khi ông cho rằng các nhà biên kịch Phan Anh Tú, Phan Huyền Thư kiện vì “sợ” rằng lần sau sẽ không có cơ hội được xét thưởng (theo nguyên tắc không thể xét xử hai lần cho cùng một “tội danh”). Cách lý giải như thế là rất vị kỷ, hay nói “vuông” hơn, suy bụng ta ra bụng người.

Tại sao đạo diễn – NSƯT Nguyễn Thước không chịu thừa nhận rằng tách mình ra khỏi cái “tập thể” biên kịch – đạo diễn thành công trong các tác phẩm chung là việc làm thiếu nghĩa khí của sự tôn thờ chủ nghĩa danh gia? Đó là chưa nói đến việc nâng đỡ (tài năng chẳng cần nâng đỡ, ở đây chỉ bàn riêng về đạo lý) những người có tài năng thực sự là bổn phận của bậc thức giả.

Thứ năm, vụ kiện cáo này cho thấy rằng cơ chế xét thưởng (phong chức, phong hàm) của ta lâu nay thực sự có vấn đề. Quyền sinh sát bất kỳ thành bại của ai đó chỉ nằm trong tay một nhóm người. Tại sao không thiết lập một cơ chế, chẳng hạn, phát phiếu thăm dò cho hàng trăm nhà phê bình điện ảnh, đạo diễn, diễn viên, biên kịch để lấy sự bầu chọn từ những người thông thạo, am hiểu nhất và đến lượt nó, Hội đồng chỉ là một ban kiểm phiếu mà thôi (mỗi thành viên hội đồng cũng chỉ có một phiếu có giá trị  tương đương).

 Những người từng được giải thưởng cấp quốc gia (Bông Sen Vàng) lại bị gạt ra bên lề khi xét giải thưởng cấp Nhà nước, có lẽ là một trong những hài kịch đẫm nước mắt của thời nay. Chừng nào mà cơ chế phân định tài năng vẫn cứ đủng đỉnh dạo quanh cánh đồng làng thì chừng đó, chuyện kiện tụng vẫn còn tiếp diễn dài dài...

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất