| Hotline: 0983.970.780

Cô giáo làng lập bảo tàng, xây thư viện

Chủ Nhật 01/04/2012 , 19:08 (GMT+7)

Ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định có một bảo tàng lúa nước. Đặc biệt, người lập bảo tàng lại là một cô giáo làng về hưu.

Ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định có một bảo tàng lúa nước đặc biệt, được xây dựng nhằm lưu giữ lại những nét văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ. Người thực hiện lập bảo tàng là một cô giáo làng về hưu.

Sinh ra và lớn lên ở Xuân Tân, huyện Xuân Trường, Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội, cô Ngô Thị Khiếu (sinh năm 1955) được phân công về dạy cấp 2 tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy. Cũng tại ngôi trường này, cô gặp một nửa của đời mình là thầy giáo Hoàng Kiền (sinh năm 1951). Sau đó chồng cô theo tiếng gọi Tổ quốc đi bộ đội, tham gia xây dựng quần đảo Trường Sa.

 
Cô Ngô Thị Khiếu bên món đồ vật cô sưu tầm được.

Nói về ý tưởng xây dựng bảo tàng lúa nước và thư viện của mình, cô Khiếu chia sẻ: “Cách đây mấy năm, bà con ở đây bán rất nhiều đồ vật như nồi đồng, mâm đồng, sanh đồng… với cái giá của sắt vụn. Đồng lương hưu của tôi với chồng, dẫu không dư dả nhưng thấy dân bán rẻ quá thì tiếc nên bỏ tiền ra mua sưu tầm lại. Nhiều người thấy vậy để rẻ cho tôi hoặc biếu không. Còn sách thì vợ chồng tôi đều thích đọc nên đọc xong lưu giữ lại cẩn thận dành cho người khác đọc”.

Cũng trong dịp đó, một lần dự khai trương trường mầm non của làng, thấy trường còn thiếu thốn quá nhiều thứ, các cháu nhỏ thì thiếu nơi vui chơi, giải trí, đồ dùng học tập, sách báo. Thấy làng quê như vậy, cô về bàn với gia đình muốn xây một thư viện để phục vụ học sinh và người dân. Dù kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả, nhưng cô được chồng và các con ủng hộ nhiệt tình.

Ngay cạnh trường mầm non, có một khu đất nông nghiệp rộng hơn 5.000m2, đất ở đây thì bạc màu, người dân không canh tác do không thu được lãi, nên gần như khu đất này bỏ hoang. Cô Khiếu đã mạnh dạn đặt vấn đề với lãnh đạo xã cho thầu khu đất này làm thư viện, để phục vụ các cháu học sinh và người dân, cũng như đầu tư xây dựng một khu bảo tàng nhằm lưu giữ lại những nét văn hóa của người dân đồng bằng Bắc Bộ.


Ngôi nhà này thể hiện cho tầng lớp Trung nông, đang trong quá trình hoàn thiện.

Bắt tay vào xây dựng khu bảo tàng này hầu hết là những người ủng hộ "dự án" của cô Khiếu. Cấu trúc của bảo tàng được xây dựng theo 5 kiểu nhà, tiêu biểu cho 5 giai đoạn hình thành và phát triển của đất nước. Tất cả các kiểu nhà này đều xây dựng rất đơn giản, thân thiện và phù hợp với văn hóa vùng miền.

Ngôi nhà thứ nhất là ngôi nhà tượng trưng cho tầng lớp nông dân nghèo, được gọi là nhà Cố nông. Đặc trưng chính của ngôi nhà này là nền nhà được đắp bằng đất, trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, trong nhà có một chiếc cối xay đá, cái cày, cái cuốc, những đôi quang gánh,… hiện cơ bản đã xây dựng xong. 


Ngôi nhà tầng lớp địa chủ, chủ yếu được lập bằng ngói, gỗ lim và sến.

Ngôi nhà thứ hai là ngôi nhà Trung nông, được xây dựng kiên cố hơn so với nhà Cố nông. Ngôi nhà luồn gianh, lợp bổi bên trong có những hiện vật thể hiện nghề dệt cói truyền thống của những làng quê ven biển Nam Định. Ngôi nhà này cũng đang trong quá trình hoàn thiện.

Ngôi nhà thứ ba là ngôi nhà mang phong cách địa chủ, được xây dựng toàn bằng gỗ lim và sến, mái nhà được lợp ngói. Trong nhà cũng có rất nhiểu các hiện vật có giá trị tượng trưng cho tầng lớp quyền lực lúc bấy giờ. Ngôi nhà thứ tư được thiết kế theo kiểu đơn giản với gác tường và được lập ngói, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy.

Ngôi nhà thứ năm là ngôi nhà thể hiện phong cách hiện đại, được xây bê tông cốt thép, thiết kế theo mô hình bảo tàng nhưng không cầu kỳ. Tòa nhà này được xây 4 tầng, tầng 1 là tầng khách, tầng 2 và 3 là bảo tàng, tầng 4 là thư viện.

Ngoài ra, cô Khiếu còn cho xây dựng một hầm chữ A mà người dân thường dùng để tránh bom. Trong nhiều năm qua, cô Khiếu đã sưu tầm được rất nhiều đồ vật. Hiện nay cô có khoảng 1.000 đầu sách, chủ yếu là sách cũ, sách với chủ đề chính là về ẩm thực vùng miền các tỉnh, các bài thuốc đông tây y, về đất nước và con người Việt Nam, và các loại sách về lịch sử về Bác Hồ…

Hiện nay, các ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện dần, toàn bộ số vốn đầu tư cho bảo tàng trên đều do một tay cô Khiếu lo liệu. Cô Khiếu cho biết: “Toàn bộ số tiền để xây dựng bảo tàng trên đều do gia đình tôi lo liệu, gom góp từ khi đi làm. Cũng một phần UBND xã tạo điều kiện, bà con trong xã mỗi người góp ít công sức xây dựng bảo tàng. Bảo tàng làm cũng rất bình dị, không cách điệu hay làm phô trương, chỉ làm phù hợp với phong cách bình dị của người dân đồng bằng Bắc Bộ…”.

Về các hiện vật được trưng bày chủ yếu cô sưu tầm các hiện vật thể hiện các nông cụ của nông dân như: Gầu, cày bừa, cuốc, hái. Các dụng cụ hàng ngày như: Nong, nia, rổ, rá; các dụng cụ bắt cua, cá: đơm, đó…


Ngôi nhà đại diện cho tầng lớp Cố nông.

Nhiều nhất hiện nay là các hiện vật về đồ đồng như: nồi, mâm, chậu, sanh và ấm đồng với hàng trăm hiện vật. Tổng trọng lượng của đồ đồng theo ước tính của cô là khoảng 200 tấn.

Ngoài ra cô còn sưu tầm được các đồ gốm, sứ có trên 100 năm, chiếm khoảng 13.000 hiện vật. Cùng với đó là hơn 100 kg tiền xu, 2kg tiền giấy Đông Dương.

Từ những manh nha, ý tưởng xây dựng bảo tàng lúa nước, đến nay bảo tàng của cô Khiếu đang trong quá trình hoàn thiện và dần hình thành sắc vóc. Theo dự kiến đến ngày 12/12/2012 cô Khiếu sẽ khánh thành bảo tàng giai đoạn một. Dự kiến, đến cuối năm 2013 bảo tàng sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo Dân trí

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất