| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa đồng bộ, liên kết trong SX lúa tại Mai Đình

Thứ Hai 25/04/2011 , 10:18 (GMT+7)

Theo đó, người nông dân chỉ đảm nhận hai khâu là bón phân, làm cỏ và vận chuyển thóc về phơi...

Trước khi có mô hình ở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội), việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp tuy có nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ với quy mô không lớn và mạnh nhà ai nhà ấy làm nên hiệu quả còn thấp. Việc liên kết sản xuất hầu như chưa có hoặc nếu có chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, không có dịch vụ bao tiêu sản phẩm. Dù là xã khá của Sóc Sơn nhưng về cơ bản thu nhập của người nông dân còn thấp, không sống được bằng nghề nông mà phải bươn chải đủ thứ nghề khác.

Được sự quan tâm của Sở NN - PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, vụ này Mai Đình đã quyết định tiến hành thí điểm triển khai mô hình áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất với diện tích 100 ha tại 2 thôn Thái Phù và Đường 2. Nội dung chủ yếu là đưa cơ giới hoá vào sản xuất và tiến hành vận động nhân dân liên kết sản xuất, phá bờ đóng cọc tre và căng dây để phân định ô thửa của mỗi hộ. Một Ban chỉ đạo dự án thí điểm áp dụng cơ giới hoá đồng bộ cũng được gấp rút thành lập để thực hiện triển khai hàng loạt bước như:

1. Khảo sát lập quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch hạ tầng kênh mương thuỷ lợi, đường nội đồng và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá khu vực 100 ha làm thí điểm.

2. Tiến hành công tác tuyên truyền vận động tới toàn thể nhân dân trong 2 thôn nơi dự án triển khai với nhiều hình thức, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức các buổi họp dân, hội thảo có mời lãnh đạo huyện, Phòng Kinh tế, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông thành phố, các chuyên viên nông nghiệp của Sở NN - PTNT và huyện về tuyên truyền, định hướng những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp để nhân dân tự giác tích cực tham gia vào quá trình triển khai thực hiện dự án.

3. Phân công trách nhiệm cho lãnh đạo Ban quản lý, các ngành đoàn thể và đặc biệt giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã Mai Đình thường xuyên bám sát chỉ đạo, tổ chức và triển khai các biện pháp kỹ thuật giúp đỡ bà con nhân dân trong sản xuất và canh tác.

4. Tiến hành lập các dự án phụ trợ phục vụ mô hình thí điểm trong đó: Đã đầu tư khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cầy, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo sạ… với nguồn vốn hỗ trợ của thành phố là 50%. Đã và đang triển khai thi công 4 dự án xây dựng đường nội đồng, kênh tưới tiêu, cải tạo trạm bơm…phục vụ sản xuất khu vực 100ha với kinh phí dự toán ban đầu khoảng 12 tỷ đồng.

5. Vận động nhân dân tự giác tham gia liên kết sản xuất theo đó Ban quản lý dự án đã giao HTX mua các cọc tre để đóng nhằm phân ranh giới ô thửa sau đó phá các bờ ruộng cũ để tạo điều kiện cho việc bơm nước đổ ải và đưa máy móc vào sản xuất trước mắt là việc cầy bừa và gieo sạ tập trung.

6. Tiến hành xử lý hạt giống, ngâm ủ giống tập trung có sự hướng dẫn và tham gia trực tiếp của các kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông thành phố.

7. Để đảm bảo cho thành công bước đầu của dự án Ban chỉ đạo đã giao cho hợp tác xã dịch vụ tổng hợp thành lập các tổ đội chuyên trách phục vụ sản xuất như: Tổ dịch vụ ngâm ủ giống, Tổ dịch vụ làm đất, Tổ dịch vụ gieo sạ, Tổ dịch vụ lấy nước, Tổ dịch vụ phun thuốc trừ sâu, Tổ dịch vụ thu gặt lúa…

Theo quy trình cơ giới hóa đồng bộ, liên kết trên người nông dân chỉ đảm nhận hai khâu trong quá trình sản xuất đó là bón phân, làm cỏ và vận chuyển thóc về phơi tại gia đình. Đây là một bước tiến được cho là cách mạng, trong giải phóng sức lao động nặng nhọc cho nhà nông, nhất là ở miền Bắc khi tình trạng người làm thay máy, cổ cày, vai bừa còn rất phổ biến.

Tuy mang lại nhiều lợi ích như vậy song quá trình triển khai vận động nông dân tham gia thí điểm ban đầu còn gặp không ít khó khăn, nhất là khâu đóng cọc tre để phân bờ vùng, bờ thửa. Những bờ đất phân định ruộng đã bao năm nay quen thuộc với người nông dân, nó khẳng định chủ quyền với mảnh đất họ hằng gắn bó. Bà con rất băn khoăn khi tự nhiên lại phải phá bỏ chúng đi, thay thế bằng cọc tre, phân định ranh giới bằng căng dây giữa hai đầu cọc.

Ở đây, chính quyền có vai trò rất lớn gần như quyết định khi tuyên truyền cho bà con hiểu rõ lợi ích cũng như chỉ đạo cho HTX trực tiếp mua cọc về đóng dưới sự chứng kiến của nông dân để sao cho "ba mặt một lời” ai ai cũng phải công nhận mốc giới đó.

Kinh nghiệm của Mai Đình rút ra là, mấu chốt nhất vẫn là khâu công phá vào tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ, ngại sự thay đổi của một bộ phận người dân, vào thói quen muốn giữ bờ vùng bờ thửa bằng đất của họ. Nếu vận động được thành công khâu này, đi kèm theo các dịch vụ nông nghiệp tốt hơn sẽ là một nền móng vững cho cơ giới hóa đồng bộ, liên kết trong sản xuất lúa phát triển ở miền Bắc.

Sau khi áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất ước tính người nông dân chỉ phải chi phí khoảng 265.000đ/sào canh tác lúa một vụ từ khâu làm đất ngâm ủ, gieo sạ phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch lúa…- một số tiền mà phần đa nông dân cho rằng chấp nhận được. Hiện diện tích lúa gieo sạ tại Mai Đình đang phát triển khá tốt tuy gặp một số khó khăn trong vấn đề thời tiết, do năm nay rét nhiều và kéo dài. Với lợi thế là các bờ ngăn đã được phá bỏ nên việc tưới, tiêu nước và đưa máy móc vào trong quá trình sản xuất thuận lợi hơn hẳn. Chủ động được tưới tiêu là một trong những mấu chốt cho gieo thẳng thành công.

Các dịch vụ như cung ứng phân, thuốc trừ sâu, phun thuốc trừ sâu, tưới nước và các dịch vụ khác trong quá trình sản xuất nông nghiệp đáp ứng tận ruộng cho người nông dân. Nông dân không phải trực tiếp lao động ở nhiều công đoạn nên có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để làm thêm các ngành nghề khác, tăng thu nhập.

Tại diễn đàn "Khuyến nông @ công nghệ" mới đây tổ chức tại Sóc Sơn để rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo mô hình toàn miền Bắc, xác định Mai Đình là mô hình điểm lần đầu tiên được triển khai do chưa được tập huấn kỹ về các biện pháp kỹ thuật nên chất lượng gieo sạ có lúc còn chưa đảm bảo, vừa triển khai thực hiện vừa phải tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp nên tiến độ có lúc còn chậm nhưng về cơ bản đến giờ là suôn sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất