| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa sản xuất cà phê bền vững

Thứ Tư 17/01/2018 , 14:35 (GMT+7)

Tại Tây Nguyên có nhiều mô hình SX cà phê bền vững đã được triển khai, song việc áp dụng cơ giới hóa vẫn là điều mới mẻ. Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã triển khai đề tài cơ giới hóa SX cà phê hướng đến phát triển bền vững.

09-20-16_1
Mô hình SX cà phê ứng dụng cơ giới hóa do WASI thực hiện

Hiện Tây Nguyên có khoảng 582.194ha, chiếm 90,20% diện tích cà phê cả nước, trong đó trên 80% diện tích cà phê dưới 15 năm tuổi đang trong thời kỳ cho thu hoạch tốt, vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020.

Niên vụ cà phê 2016 - 2017, mặc dù gặp thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài nhưng năng suất cà phê toàn vùng vẫn đạt bình quân 2,5 tấn nhân/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê vối của thế giới, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân, chiếm 93,3% sản lượng cà phê nhân của cả nước.

TS Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI cho biết: Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên hiện nay việc SX, chế biến cà phê đang có những khó khăn chung.

Cụ thể giá nhân công thu hái cà phê hiện nay mỗi hộ gia đình đến mùa thu hoạch đều phải trả từ 180.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Chưa kể do người nông dân trồng các loại giống khác nhau nên cà phê chín không đều, vì vậy khi thu hoạch họ thường hái đại trà khiến chất lượng cà phê bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo giá bán cũng bị giảm.

Không chỉ trong khâu thu hoạch mà ngay trong việc làm cỏ, phun thuốc, tưới nước, bón phân nếu người dân không áp dụng mô hình SX tưới tiết kiệm, hay tổ chức SX không đồng nhất cũng gây nên những lãng phí không đáng có so với áp dụng cơ giới hóa.

Tây Nguyên có từ 350.000 - 400.000ha cà phê đang bước vào thời kỳ già cỗi cần phải tái canh. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con thực hiện việc cơ giới hóa. Ngoài các nông trường, Cty có diện tích lớn rất thuận lợi cho cơ giới hóa thì quy mô SX nhỏ, diện tích trồng cà phê nông hộ chiếm 84,8 - 89,7%, số hộ có diện tích dưới 1ha chiếm 63% cũng có thể áp dụng cơ giới hóa.

Điều quan trọng trong việc cơ giới hóa cà phê là người dân phải sắp xếp lại tổ chức SX thì mới mang lại thành công. Cụ thể có đến 30 - 40% diện tích cà phê có thể áp dụng thực hiện cơ giới hóa, sẽ giảm chi phí thuê nhân công lao động, tiết kiệm thời gian làm cỏ, bỏ phân, phun thuốc.

Phương thức SX mới này là các hộ gia đình có thể góp vốn cùng nhau đầu tư một máy thu hoạch, hoặc một hộ đầu tư máy rồi phục vụ cho 10 - 15 hộ khác trong vùng. Với quy mô các hộ có 1ha cà phê để SX với đất đai bằng phẳng rất dễ áp dụng hình thức cơ giới hóa.

Từ một nước sản xuất cà phê chưa được biết đến, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới, đứng thứ nhất về sản lượng cà phê vối trong gần 2 thập niên qua. Nếu như năm 1961, diện tích cà phê của cả nước chỉ có 21,2 nghìn ha, thì đến cuối năm 2016, diện tích đã tăng gấp 30 lần, năng suất đạt khoảng 24,5 tạ/ha, sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,35 tỷ USD.

Kỹ sư Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (thuộc WASI) chia sẻ, trung tâm đang triển khai mô hình thực nghiệm 2ha cà phê áp dụng cơ giới hóa. Mô hình thiết kế trồng hàng kép, đa thân, thu hoạch trên cành cơ bản là chính nên năng suất rất ổn định. Một thân có thể thu hoạch 3 - 4 vụ liên tiếp.

"Chúng tôi sẽ trồng và nuôi thân thẳng 4 - 5 thân sau đó cho phát triển và chọn những cành cho năng suất cao để giữ lại thu hoạch. Đối với những thân sau khi đã tiến hành thu hoạch thì sẽ dùng máy cắt, băm nhỏ và trả lại để làm tơi đất. Sau đó lấy thân kế tiếp chăm sóc để cho thu hoạch vụ tiếp theo.

Đối với vườn cây có thể trồng 1.600 cây/ha tại các nông trường, công ty cà phê thì việc áp dụng cơ giới hóa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với nông hộ. Giảm ngày công lao động nhưng năng suất và chất lượng cà phê cao hơn so với hiện nay", ông Khánh chia sẻ.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào SX phát triển cà phê bền vững là một trong những nhiệm vụ luôn được WASI quan tâm hàng đầu. Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cà phê đã được WASI triển khai ứng dụng cho bà con mang lại những lợi ích thiết thực.

Theo lối canh tác truyền thống của người dân Tây Nguyên, tưới nước đã trở thành biện pháp mang tính quyết định đến năng suất cà phê. Cứ vào mùa khô, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê sử dụng các loại ống dẫn nước với các hình thức tưới ống vòi, tưới tràn, tưới bét quay phun mưa, với lượng nước từ 600 - 800 lít/cây/lần tưới.

Quá trình tưới đã làm cho lượng nước lãng phí gần 1 nửa và tăng chi phí sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, WASI đã nghiên cứu phát triển kỹ thuật tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa cục bộ, với lượng nước 400 - 450 lít/cây. Mô hình cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả vẫn đạt từ 3 - 4 tấn cà phê nhân/ha. Cùng với đó, giảm được nhân công lao động và tiết kiệm được chi phí phân bón từ 16 triệu đồng/ha trở lên so với việc tưới truyền thống lâu nay.

Theo TS Trương Hồng, chi phí SX cà phê của VN và Brazil ngang bằng nhau. Tuy nhiên công đoạn thu hoạch thì nông dân nước ta phải tốn nhiều chi phí hơn, do đó lợi nhuận còn thấp. Nếu ta thuê một nhân công thu hái cà phê một ngày trung bình 3 - 4 tạ thì một nông dân Brazil có thể thu hoạch bằng máy một ngày đạt 3 - 4 tấn.

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Bình luận mới nhất