| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội ở xứ người

Thứ Hai 20/02/2012 , 10:26 (GMT+7)

Nếu nhận lời "đẻ thuê", tôi sẽ nhận được khoản thù lao hậu hĩnh đủ để làm vốn kinh doanh và đổi đời...

Ảnh minh họa
Vợ chồng họ cùng làm việc ở một cơ quan ngoại giao tại nước ngoài. Họ đã sống với nhau nhiều năm nhưng không có con. Nguyên nhân do không rõ từ phía người chồng hay vợ. Người vợ không hiểu do rất yêu chồng hay vì anh ta giàu mà không có ý định ly hôn, đã quyết định tìm kiếm con nuôi. Nhưng hình như họ chưa tìm được đứa trẻ nào ưng ý.

Tình cờ tôi quen biết họ khi sang đây lao động. Tôi đã có chồng và hai con trai. Chồng tôi sức khoẻ yếu, không có khả năng làm ra tiền. Nghĩ đời chẳng có tương lai khi chúng tôi đều chưa qua tuổi 30 nên sau khi bàn bạc kỹ, vợ chồng chúng tôi đã quyết định vay mượn họ hàng tiền để tôi sang đây lao động. Thu nhập một tháng được chừng 10 triệu. Tằn tiện, tôi có thể gửi về đủ cho chồng, con sống ở nhà và tích cóp lo cuộc sống về sau.

Vợ chồng người cán bộ ngoại giao có vẻ quý tôi. Chị vợ coi tôi như em ruột, biết hoàn cảnh của tôi, thỉnh thoảng cho tiền, gọi là gửi về nước “mua quà cho cháu”. Lúc đầu tôi không nhận nhưng về sau, trước sự chân thành của chị, tôi đã yên tâm cầm. Người chồng thì suốt ngày bận bịu công việc. Tôi biết rõ anh có tình cảm đặc biệt với tôi, nhưng tôn trọng vợ và là người tế nhị, đã không có biểu hiện gì.

Một lần, chị vợ hỏi rất cặn kẽ về hoàn cảnh của tôi. Lúc đầu, tôi không nghĩ gì, chỉ cho rằng do chị quý, quan tâm mà hỏi. Tôi kể rõ với chị: Tôi là một cô gái quê 100%, sinh ra và lớn lên ở Vũ Thư (Thái Bình), mồ côi cả bố lẫn mẹ từ nhỏ, do bố mẹ tôi đi buôn bè, cùng bị lũ cuốn trôi. Tôi được ông bà ngoại nuôi đến khi lấy chồng năm 20 tuổi. Hoàn cảnh nghèo hèn nhưng do có chút nhan sắc nên được khá nhiều chàng trai con nhà khá giả để ý.

Chẳng hiểu duyên số thế nào, tôi nhận lời lấy một người vừa nghèo, lại hay ốm yếu là chồng tôi bây giờ. Trước khi sang đây, tôi mở quán bán hàng nhì nhằng phục vụ bà con trong làng. Chồng tôi bơm, vá, sửa xe máy, nhưng cũng chỉ chữa lặt vặt. Thu nhập tất cả không đủ nuôi 2 đứa con ăn, học. Sau khi nghe tôi kể chuyện, chị có vẻ rất thông cảm. Tôi nhận thấy hình như chị muốn nói với tôi điều gì đó, nhưng có phần ngần ngại. Bỗng chị hỏi:

- Em có 2 con trai, lại mới 29 tuổi, có nghĩ sẽ đẻ thêm không, nếu được đứa con gái sẽ hay biết mấy?

- 2 con đã quá nghèo túng rồi, vì vậy, em mới phải sang đây, chứ sướng gì phải xa chồng, con, quê hương. Đẻ nữa, lấy gì nuôi hả chị?

- Vậy em không nghĩ rồi cuộc đời sẽ thay đổi sao? Không ai khổ mãi cũng như sướng mãi.

- Em chưa bao giờ nghĩ điều đó.

Sau vài phút đắn đo, chị hỏi tiếp:

- Nếu bây giờ đẻ nữa, em có ngại không? Với điều kiện kiếm được nhiều tiền, kinh tế được cải thiện?

- Ngại thì không, có thêm con là có phúc lớn. Em cũng nghĩ như các cụ xưa, có thể là lạc hậu, nhất lại được đứa con gái thì rất thích. Nhưng chồng em yếu, em nghĩ khả năng sinh thêm con rất khó.

Với vẻ khá dè dặt nhưng khá thẳng thắn, chị nói với tôi:

- Chị muốn trao đổi với em một việc nghiêm túc. Rất mong em giúp đỡ anh chị, em không nên từ chối.

Tôi linh cảm thấy có việc gì đó rất hệ trọng.

- Vợ chồng chị lấy nhau khi cả 2 đã ngoài 30 tuổi. Bọn chị không thiếu thứ gì, có điều kiện về tài chính, chỉ thiếu con. Anh chỉ cần 1 đứa con...

Chị nói đến đó, tôi lờ mờ cảm nhận được vấn đề nên rất hồi hộp chờ đợi. Nhìn vào mắt tôi với cái nhìn vừa như dò xét, vừa như cầu khẩn, chị nói tiếp:

- Chị muốn em sinh cho chồng chị 1 đứa con. Nó mang dòng máu của anh ấy.

Tôi sững sờ nhưng không thấy quá đột ngột do trước đó đã phần nào nhận biết được vấn đề. Hình như cũng nhận ra tâm lý của tôi nên chị nói tiếp có phần tự tin hơn:

- Là em giúp chị, đồng thời cũng là thương chồng, con bằng cách thiết thực nhất.

Chị bàn bạc rất kỹ với tôi: Đại để là chị có thể bỏ tiền ra để đền bù khi tôi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Chị sẽ thuê nhà cho tôi ở riêng chỗ khác đàng hoàng vói mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh nở. Sau khi đứa trẻ ra đời, chị muốn tôi ở lại thêm một thời nữa để khi nó lên 2 tuổi, mới về nước, coi như tôi kéo dài thêm hợp đồng lao động. Ở bên này, chỉ có mình tôi là người Thái Bình, nên không ai có thể biết, sự thật sẽ được giấu kín đối với chồng, con và họ hàng nhà tôi. Chị cũng đọc được nỗi băn khoăn của tôi liên quan đến người chồng của chị nên đã nói:

- Còn về phía chồng chị. Em hãy yên tâm. Anh chị đã bàn bạc kỹ. Chính chị chủ động đề xuất việc này. Lúc đầu anh ấy lo chị “lăn tăn” nhưng vì cả 2 đều tha thiết muốn có con nên chị rất mong mỏi. Bọn chị không muốn kiếm con ở nơi khác mà muốn do em sinh ra vì em vừa xinh đẹp, lại dịu dàng. Nếu nó là con gái, hẳn phải giống em.

Chị ấy đã giải toả được một chút băn khoăn của tôi về người chồng. Nhưng còn điều cốt yếu hơn thì chị không thể nghĩ đến, và tôi cũng không thể nói ra. Đó là tôi biết rõ chồng chị có tình cảm thầm kín với tôi. Nếu tôi nhận lời, chắc chắn anh ta sẽ bùng phát tình cảm và càng sâu nặng. Điều này mới đáng lo ngại đối với tôi.

Một khoản tiền rất lớn chị ấy hứa sẽ trả công cho tôi nếu nhận lời. Khoản này đủ để chúng tôi xây nhà và còn dư thừa đáng kể để làm vốn kinh doanh khi tôi về nước sau mấy năm nữa. Tiền thì ai cũng thích. Riêng tôi lại rất cần. Nhưng 1 việc quá nghiêm trọng được đặt ra khiến tôi không thể quyết định dễ dàng, mà bàn bạc với chồng thì không thể.

Tôi chẳng có tình cảm với người đàn ông kia, chỉ là thuần tuý kiếm tiền nên cũng chẳng thấy cắn rứt gì. Nhưng sao tôi thấy nếu nhận lời, như là có tội với chồng, con. Và sẽ có thể nảy sinh rắc rối về sau khi chồng chị ấy yêu tôi?

Nếu sinh con, sau này vĩnh viễn xa nó, làm sao tôi có thể chịu được? Rất mong một lời khuyên của các anh, chị.

(Một người đề nghị được giấu tên và địa chỉ)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San: 

Tốt nhất hãy từ chối, sẽ yên ổn về mọi phương diện. Tuy từ bỏ cơ hội giàu có nhưng lương tâm thanh thản. Hãy sống như mọi người quanh ta. Đâu phải cứ nghèo khó là có thể kiếm tiền bằng mọi cách?

Đấy là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với người giấu tên trên qua địa chỉ nongnghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?