| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/04/2019 , 20:49 (GMT+7)

20:49 - 06/04/2019

Có lẽ Nhật Bản ‘nhập khẩu nhầm’ tương ớt

Trong thông tin vừa phát đi chiều nay 6/4, Masan cho biết, công ty này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt cho đơn vị phân phối tương ớt Chin-su tại Nhật Bản.

Cũng theo Masan, tất cả các sản phẩm do công ty sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

“Hiện chúng tôi chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan”, thông cáo viết.

Tương ớt Chin-su của Masan bị phía Nhật Bản thu hồi

Theo Masan, hiện công ty này không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, “nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam.  Exports are not authorised”, hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế đang làm rõ vụ trên 18.000 chai tương ớt Chin-su của Tập đoàn Masan bị thu hồi tại Nhật Bản. Chưa rõ nguyên nhân bị thu hồi nhưng thông tin ban đầu là do trong tương ớt có chứa acid bezoic gây viêm loét dạ dày cho người sử dụng.

Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu (Tập đoàn Javis) phải thu hồi toàn bộ lô hàng tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia acid bezoic.

Masan cũng cho biết rất lấy làm tiếc và nhiều khả năng đó là sản phẩm chỉ dành riêng cho thị trường Việt Nam. Ở thị trường Việt Nam thì chất phụ gia benzoic được phép sử dụng.

Cứ cho rằng Masan khẳng định tất cả các sản phẩm do họ sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, và đơn vị nhập khẩu tương ớt Chin-su sang Nhật là nhầm đi chăng nữa, thì cũng không thể phủ nhận rằng, lô tương ớt kia thực sự “có vấn đề về chất lượng” đối với người Nhật.

Hơn nữa, cũng theo Masan giải thích thì nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, vì trên đó có ghi rõ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam”.

Trên bao bì chai tương ớt có ghi dành riêng cho thị trường Việt Nam

Thiết nghĩ, Masan lên tiếng giải thích kiểu đấy không ổn chút nào. Dù Masan không xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su cho Công ty Javis nhưng khi công ty này đưa vào thị trường Nhật Bản bằng con đường nào đi chăng nữa thì đó cũng là tương ớt Chin-su. Hơn nữa, thị trường chính của Masan là Việt Nam. Masan kiếm tiền được là nhờ người Việt Nam, sao lại bảo khả năng sản phẩm tương ớt bị Nhật Bản yêu cầu thu hồi là dành riêng cho thị trường Việt Nam?

Mà nếu như Masan nói “tương ớt dành riêng cho thị trường Việt Nam”, tức là rõ ràng chất lượng thấp hơn, nên Masan muốn cho người tiêu dùng Việt Nam ăn tiêu chuẩn thấp hơn cũng được?

Cư dân mạng cũng đồng loạt lên tiếng sau khi thông tin Masan “bào chữa” cho tương ớt Chin-su. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng là kiếp người mà dân Nhật họ sướng thật!