| Hotline: 0983.970.780

Có một Quảng Nam nghèo

Thứ Năm 13/10/2011 , 08:42 (GMT+7)

Quảng Nam vẫn yêu thương như lời bài hát của Phan Huỳnh Điểu. Nhưng, còn có một Quảng Nam nghèo.

"Ôi đất Quảng Nam sao mà yêu thương vô cùng như con chim én vẫy vùng cho dù bay khắp lòng ta tha thiết nhớ nhung…”. Quảng Nam vẫn yêu thương như lời bài hát của Phan Huỳnh Điểu. Nhưng, còn có một Quảng Nam nghèo. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, Quảng Nam đã “soán ngôi” Lai Châu trở thành địa phương có thu nhập trung bình thấp nhất, chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm.

Ở xã nghèo nhất nước

Chỉ người già và con trẻ còn ở lại Quế Minh
Có một câu hỏi cứ khiến tôi băn khoăn khi đến Quảng Nam, lẽ nào mảnh đất địa linh nhân kiệt, sinh ra rất nhiều người tài cho đất nước mà sao lại nghèo đến vậy?

 Làng trống rỗng

Trước khi tôi về Quế Sơn, ông Nguyễn Huy, Trưởng phòng Phòng Bảo trợ và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam) bảo: "Ông cứ đi thực tế khắc rõ, cái nghèo đã khiến nhiều người dân phải rời quê đi tứ tán làm ăn kiếm sống. Quảng Nam là tỉnh có lực lượng lao động ly hương cao nhất khu vực miền Trung".

Những gì đập vào mắt tôi khi vừa đặt chân đến xã Quế Minh (Quế Sơn) đã minh chứng cho điều ông Huy nói. Quế Minh đang thu hoạch lúa, nhìn sang 2 bên đồng ruộng, tôi không thấy bóng dáng nam thanh nữ tú nào, chỉ thấy toàn các bậc cao niên đang đánh vật với đồng lúa. Dừng xe bên bờ ruộng, tôi hỏi một lão nông đang phơi tấm lưng còm nhom dưới cơn mưa đầu mùa: "Con cháu đâu mà bác phải ra làm cực vậy?".

Buông nắm lúa, lau tay vào vạt áo, rồi người nông dân già vuốt khuôn mặt xương xẩu ướt đẫm ngước lên nhìn tôi trả lời kèm với nụ cười móm mém: "Lũ trẻ đi làm xa hết rồi. Cả nhà xúm lại, bâu vào mấy đám ruộng thì chỉ có mà chết đói. Chuyện đồng áng bây giờ lứa già tụi tui cáng đáng hết”.

Tên người nông dân ấy là Nguyễn Văn Nhứt, người thôn An Lộc. Ngồi hút thuốc lào vặt với bác Nhứt hồi lâu rồi được nghe tâm sự: “Tụi tui là dân thuần nông nhưng mỗi khẩu chỉ được chia có 400m2 đất lúa, làm không đủ ăn nên lũ trẻ rủ nhau vào Nam làm đủ nghề để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Vợ chồng 2 thằng con trai tui gởi con cái ở nhà ông bà trông nom, kéo cả vào đó làm ăn, chồng đi phụ thợ nề, vợ thì bán trái cây rong. Nhờ vậy mới đủ lo tụi nhỏ ăn học, mỗi năm để dành được chút đỉnh phòng khi đau ốm".

Bác Nhứt thở dài: "Thanh niên ở đây đi trống làng. Nhiều khi trong làng có đám tang không còn mống trẻ nào khiêng quan, đám già tụi tui phải xúm lại".

Ngồi với bác Nhứt nơi hiên nhà đến hơn nửa tiếng đồng hồ mà tôi chẳng thấy bóng người qua lại trên con đường bê tông trước mặt. Như đọc được ý tôi, bác Nhứt nói: "Không phải do mưa mà người ta không đi lại đâu, làng hết thanh niên, người già thì xuống cả dưới ruộng nên vào mùa thu hoạch là những con đường làng vắng teo như rứa".

Chia tay bác Nhứt, tôi rong xe dạo quanh một vòng trước khi tìm về ủy ban xã. Trong nghề làm báo tôi đã đặt chân đến nhiều vùng nông thôn nhưng chưa thấy đâu vắng bóng hàng quán như ở đây. Được xem là hàng quán ở Quế Minh cũng là một cái tủ thuốc lá, vài túm kẹo và dăm gói mì tôm. Tôi dừng xe hỏi một chị phụ nữ đang tất tả vác đòn gánh ra ruộng: “Ở xã mình chợ nằm chỗ nào tôi tìm hoài không thấy?”. Chị vừa đi, vừa cười vừa nói: "Có đâu mà thấy, Quế Minh chưa có chợ”.

Tôi lại lang thang trên những con đường đất lầy lội dù chỉ mới trải qua vài cơn mưa đầu mùa. Có thể nói không quá lời, bức tranh thôn quê ở Quế Minh ảm đạm quá. Thế nhưng khi đi vào niềm tâm tư của nhiều cảnh đời người dân ở đây, sự ảm đạm còn nhân đôi.

Ngang qua thôn Diên Lộc Nam, nhìn thấy ngôi nhà trống huơ trống hoác, "cửa chính" là một tấm phên vại xơ xác cao chưa quá gối, tôi ghé xe vào. Chị Võ Thị Quyến (57 tuổi) đang ngồi cắm cúi chằm nón ngoài hiên. Chị chào khách bằng nụ cười héo hắt. "Mỗi ngày chị làm được mấy cái nón?", tôi gợi chuyện. "Ngày làm cật lực thì được 2 cái", chị Quyến trả lời. “Vậy chị kiếm được bao nhiêu tiền với 2 chiếc nón”. “Trừ chi phí cước, lá, vành còn kiếm được 7.000đ”. “Như vậy mỗi tháng chị kiếm được 210 ngàn đồng”, tôi tính. Chị Quyến lắc đầu nhè nhẹ: “Không đâu, làm ít thôi mà. Mỗi tháng chỉ kiếm thêm chừng hơn trăm ngàn”. “Vậy công việc chính là gì?”. “Ruộng. Dân đây chỉ biết làm ruộng”. “Gia đình chị thu nhập từ ruộng đủ ăn không?”. “Chằm nón để kiếm tiền mua gạo thêm chứ làm ruộng sao đủ lúa ăn. Nhà tui được cấp 800m2 ruộng, vụ đông xuân vừa qua mất trắng, vụ hè thu gặt được 1 bao lúa (50 kg). Tui với con trai tui ăn sao đủ”, chị Quyến buồn buồn nói. “Sao ít lúa quá vậy?”. “Ruộng ăn nước trời, có lúa vào nhà là mừng rồi”.

Tôi đưa mắt nhìn quanh căn nhà trên của chị Quyến, trống hoác, không vật dụng gì ngoài 1 cái ang nhỏ để đựng lúa và 1 cái bàn gỗ cũ kỹ làm bàn thờ ông bà. 50 kg lúa vừa gặt xong bị mưa chưa kịp khô đang nằm phơi trên nền nhà. Mái nhà được che bằng những tấm tôn cũ kỹ đã thủng nhiều lỗ to nhìn thấu trời. “Nhà dột nát hết, mùa mưa năm ni 2 mẹ con tui không biết rúc ở đâu”, chị Quyến nói như khóc.

2.700 lao động thì... 2.000 người ly hương

Tôi rời nhà chị Quyến đi một đoạn đã khá xa mà lòng còn nghe nặng trĩu. “Cơ cực như chị Quyến chắc là đã tận cùng”, tôi vừa chạy xe chầm chậm vừa thầm nghĩ. Bất chợt tôi nhìn thấy một cụ bà tóc bạc phơ, ngồi trong căn nhà không được tô trát lồ lộ những viên gạch đã lên rêu mốc meo, đôi mắt già nua nhìn xa xăm ra ngoài trời. Cụ bà năm nay đã 86 tuổi.

Trong đời người, ở tuổi này người ta thường không còn trăn trở điều gì trong cuộc sống. Thế nhưng với cụ Nguyễn Thị Tọ (thôn An Lộc) thì khác, ngày ngày cụ vẫn ngay ngáy lo cái đói ập xuống mái đầu bạc phơ của mình. Cụ Tọ đang sống với người con gái, chị Huỳnh Thị Mai, năm nay đã 59 tuổi. Cuộc sống của 2 người phụ nữ đơn độc này đang hoàn toàn nương tựa vào gần 2 sào ruộng. Vụ đông xuân 2010-2011 mất trắng, không có hạt lúa nào về nhà. Vụ hè thu vừa qua thì chỉ thu được khoảng 75kg lúa.

 "Hai mẹ con tui chừ phải ăn nhín ăn nhịn cho đến vụ lúa đông xuân năm sau. Mà chắc phải bị đói thôi, vì từ ni tới nớ còn đến 6 tháng trời nữa", cụ Tọ nói như khóc. Cụ Đặng Thị Cứ (1918), người cùng làng với cụ Tọ đang có cuộc sống cũng chẳng khá gì hơn. "Tui sống một thân một mình với khoản hỗ trợ của Nhà nước được mỗi tháng 180.000đ. Những lúc thiếu gạo phải ăn cháo cho đủ bữa”, cụ Cứ than thở.

Cái nghèo ở Quế Minh là không của riêng ai, nó đều khắp. Ghé ngẫu nhiên vào bất kỳ một nhà nào bên đường tôi cũng đều “chạm mặt” cái nghèo.

Tôi hỏi chủ tịch Noa: “Dân Quế Minh toàn người già à?”, anh thở dài: "Toàn xã có khoảng 2.700 lao động, ở quê không biết làm gì ra tiền nên 2.000 người đã vào Nam kiếm sống".

Về UBND xã, chủ tịch Trần Văn Noa, cán bộ trẻ ở huyện về tăng cường tiếp tôi trong căn phòng làm việc “ghép”. “Do không đủ phòng nên nhiều ban ngành phải làm việc chung phòng”, anh Noa giải thích. Rồi chủ tịch Noa nói thêm: “Trụ sở ủy ban mới được xây dựng vào năm ngoái, hết 1,2 tỷ đồng, huyện hỗ trợ được 1 tỷ, xã còn nợ 200 triệu nhưng giờ không biết lấy gì trả”. “Tiền thu ngân sách hằng năm?”, tôi hỏi. Anh Noa cười buồn: "Cả xã chỉ có 1 lò gạch bán tuy nen thu hút hơn 30 lao động và vài chục cái hàng quán lèo tèo nên mỗi năm tất tần tật tiền thu ngân sách của Quế Minh chỉ được 25 triệu đồng, thấm tháp vào đâu”. “Thu nhập của dân mình khá không anh?". "Thấp lắm, chỉ từ 7 đến 7,5 triệu/người/năm. Bởi vậy Quế Minh từng được “xếp hạng” nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo 38,6%”.

Đã quá trưa, tôi chia tay chủ tịch xã Trần Văn Noa. Anh Noa thật lòng: “Tôi đã nhờ bà chị bên cạnh nấu hộ cơm, mời anh sang làm vài chén (bát) rồi về chứ ở đây không có hàng quán gì đâu. Về bụng trống nhỡ bị trúng gió". Ăn xong bữa cơm đạm bạc với chủ tịch Noa, tôi tìm về UBND huyện. Từ xã Quế Minh lên trung tâm huyện lỵ Quế Sơn chưa đầy 4km mà sao cuộc sống của người dân nơi đây cơ cực quá đỗi. Thắc mắc này trĩu nặng lòng tôi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất