| Hotline: 0983.970.780

Có một tượng đài mang tên Lâm Thao

Thứ Ba 18/11/2014 , 21:35 (GMT+7)

Tượng đài đó vừa vô hình lại vừa hữu hình. Tượng đài đó được dựng lên bởi tấm lòng của hàng vạn lượt cán bộ, công nhân viên, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Một tượng đài của tình người…

Nhớ tới các anh

Trong làn mưa nhỏ lây rây, khói bay lên từ mấy nén hương cứ chờn vờn như múa. Người đàn ông đứng tuổi quỳ gối, chắp tay trước một ngôi mộ liệt sĩ, miệng thì thầm mấy câu khấn. Mắt ông chợt nhòa đi như có khói. Những kỷ niệm xưa cũ thủa hai anh em cùng trên một chiến trường bỗng chợt hiển hiện về.

Hồi ấy ông Đỗ Đức Thắng (nay là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ) biết tin anh trai mình là Đỗ Văn Viễn hi sinh chỉ cách chỗ mình đang chiến đấu có hơn một cây số. Nỗi đau xa lìa thủ túc khiến cho ông chết nửa con người.

Ông kể, trước đây những lúc mưa gió như thế này, nghĩa trang liệt sĩ lầy thụt, cỏ dại mọc đầy, phần lễ cũng khó tìm được chỗ khô ráo mà đặt xuống. Người chết đã đành còn người sống chứng kiến cảnh ấy cũng không khỏi bùi ngùi, cay cay nơi khóe mắt. Thế nên chứng kiến nghĩa trang khang trang, mộ phần của các anh sạch đẹp thế này, ông thấy vui ở trong lòng nhiều lắm!

Sơn Dương là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Thọ. Khi mới bắt tay vào thực hiện xã chỉ có 11 tiêu chí nhưng trong ba năm xây dựng nông thôn mới đã đạt thêm 7 tiêu chí. Lúc đầu, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 8,5 triệu đồng/năm nhưng giờ đã đạt 22 triệu. Nông thôn mới giúp cho nhiều nhà, nhiều người dân ở đây thay đổi cuộc sống. Có máy móc về làng, nông dân nhàn nhã hẳn.

Trước, máy cày, máy bừa cả xã có hai cái còn lại toàn cày trâu, thì giờ có 30 cái vì đã được nhà nước hỗ trợ một phần vốn mua. Trước, nước chảy trong kênh đất để tưới đầy cho khắp cánh đồng phải năm ngày mới đủ, giờ nước chảy trong kênh bê tông mất có hai ngày đã ăm ắp hết ruộng trên, ruộng dưới.

Trước, bà con thu hoạch một sào lúa mất một buổi để chở về bằng những chiếc xe bò lăn lọc cọc trên con đường đất thập thõm, bằng những tấm lưng trần đầm đẫm mồ hôi. Nay đường rộng thênh thang, bê tông phẳng lì, xe công nông, xe lôi chạy bon bon chở lúa về nhà rất nhanh chóng. Đã thế nông dân không phải mang cả thân cây lúa về nhà mới ra hạt được như xưa mà đã có máy gặt đập liên hoàn, chỉ việc mang bao tải ra đồng để hứng thóc.

Đường sá sạch đẹp, trạm trường khang trang, bà con Sơn Dương vui lắm nhưng vẫn còn lấn cấn mãi chuyện cái nghĩa trang liệt sĩ của xã mình đã xuống cấp quá. Chuyện là, năm 1991 một tượng đài được dựng lên để đón 71 đứa con liệt sĩ xã nhà trở về với đất mẹ. Lòng bà con thì rộng nhưng ngặt cái thời đó kinh tế còn khó khăn nên việc xây dựng nghĩa trang còn nhiều tạm bợ.

Theo thời gian, cái nghĩa trang liệt sĩ ngày một cũ kỹ, xuống cấp. Tượng đài loang lổ. Tường rào xung quanh xây bằng gạch ba banh lở loét, bong tróc từng chỗ. Cổng vào không có, gá tạm bợ vào bên tường là hai cánh cửa sắt hoen rỉ. Lối đi giữa các ngôi mộ cỏ dại ken dầy. Nền đất của nghĩa trang mỗi khi gặp mưa có thể làm nản lòng bất cứ ai khi tìm mộ người thân hay tìm chỗ để đặt lễ.

Xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ sở hạ tầng được nâng cấp hay xây mới nhưng nghĩa trang liệt sĩ lại không nằm trong tiêu chí cụ thể nào. Khó là ở chỗ đấy! Bà con cũng thấy áy náy lắm nhưng lực bất tòng tâm.

dsc-8587094818218
Nghĩa trang liệt sĩ Sơn Dương mới được tu bổ

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Duy Khuyến tâm sự: “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã thành một truyền thống của chúng tôi. Khi khó khăn trước đây đã vậy, giờ đây lúc SX hiệu quả hơn chúng tôi càng không quên nghĩa vụ với cộng đồng, không quên các anh đã hi sinh trọn đời mình cho đất nước, các mẹ đã mất những người con. Chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay không thể không trân trọng những mất mát ấy và bù đắp cho họ”.

Thấy được hiện trạng đó, cán bộ, công nhân viên của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tình nguyện hỗ trợ 490 triệu đồng, còn cá nhân ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng GĐ tự bỏ tiền túi ra 100 triệu đồng nữa để sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ cho Sơn Dương. Tượng đài được ốp đá, nền tượng đài được lát lại, nhà bia, phù điêu, cổng được đắp mới, từng ngôi mộ được lát đá, từng lối đi được đổ nền… Tất cả các hạng mục đó làm nên một nghĩa trang khang trang, sạch đẹp mà khiến cho ai đi qua cũng phải ngợi khen.

Không quên lòng mẹ

Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phương châm sống của cán bộ, công nhân viên Cty Lâm Thao bấy lâu nay. Ngoài xây tượng đài cho người đã khuất, những bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng được đơn vị chăm sóc tận tình. Năm 1995, Cty nhận phụng dưỡng 8 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Phú Thọ. Năm 1996 nhận phụng dưỡng 7 mẹ Việt Nam anh hùng ở Tiền Giang. Năm 2014 lại nhận phụng dưỡng thêm 6 mẹ ở Phú Thọ, có mẹ năm nay đã tròn 100 tuổi.

Ngoài số tiền phụng dưỡng hàng tháng, tặng quà mỗi dịp lễ, Tết, đơn vị còn xây dựng nhà tình nghĩa cho các mẹ ở Phú Thọ, gồm mẹ Nguyễn Thị Tuyển ở Sơn Nga (Cẩm Khê), mẹ Trần Thị Thao ở Hà Thạch (thị xã Phú Thọ), mẹ Phạm Thị Thạch ở Tam Sơn (Cẩm Khê) và mẹ Đỗ Thị Mai ở Xuân Lũng (Lâm Thao). Không những thế, các mẹ được tổ chức khám sức khỏe, chữa bệnh theo định kỳ.

Nước mắt đã cạn vì khóc những đứa con, tuổi già của các mẹ giờ đây được an ủi phần nào trong những ngày tháng dằng dặc bởi những những đứa con khác, tuy không phải là máu thịt nhưng cũng chẳng kém con em trong nhà. Những chồi non của các mẹ là thế hệ cháu, chắt khi trưởng thành cũng được ưu tiên tuyển dụng, nhận vào làm ngay tại công ty khiến cho các mẹ thấy lòng mình ấm lại!

Đã có 21 bà mẹ Việt Nam anh hùng như thế được phụng dưỡng (hiện mức phụng dưỡng hàng tháng 2 triệu đồng/người đến suốt cuộc đời). Tuổi già, bệnh tật chẳng bỏ sót một ai. Theo thời gian, hiện chỉ có bảy mẹ còn sống. Mỗi khi có mẹ nào qua đời, cán bộ công ty lại tổ chức viếng, mai táng như chính gia quyến trong nhà.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất