| Hotline: 0983.970.780

Có nên buồn khi chồng có 'quỹ đen'?

Thứ Ba 05/05/2020 , 09:22 (GMT+7)

Em đã thấy có cuốn sổ tiết kiệm trong cái hộc bàn anh quên khóa ấy. Nếu chồng chị như vậy, chị có tự ái không? Em buồn và không theo dõi nữa.

Chị kính mến!

Lâu rồi, em không nhớ khi nào, đọc lá thư chị trả lời một người vợ than thở ông chồng già giấu tiền. Em thấy buồn cười, chồng mình nữa có vậy không ta?

Rồi, chồng của em về hưu. Em nhỏ hơn chồng mấy tuổi nên về hưu trước. Giai đoạn sắp hưu của anh ấy em để ý và thấy ngồ ngộ. Có dành tiền riêng chị ạ. Anh ấy có hộc tủ trong cái bàn ở phòng viết và đọc, cũng là phòng khi có khách.

Một lần anh ấy quên khóa, anh quay lại để rút cái chìa ra, đem theo. Thực ra trước đó em đã thấy có cuốn sổ tiết kiệm trong cái hộc bàn anh quên khóa ấy.

Nếu chồng chị như vậy, chị có tự ái không? Em buồn và không theo dõi nữa. Một bà chị của em nhân thể cũng dốc bầu tâm sự, ông chồng tao hả, chuyện đó thường, vấn đề là đừng đem tiền nuôi con nào thôi, lọt sàng xuống nia, chả buồn.

Một bà chị họ cũng tuôn ra, chồng chị lương hưu cất riêng từ khi trẻ, anh dành lo cha mẹ và giỗ chạp, em cháu. Em hỏi, vậy nào giờ anh ấy đưa chị tiền từ nguồn nào? Nói ổng đi làm, có nhiều nguồn, anh không đưa thì các con góp cho mẹ, mấy đứa con biết góp lâu rồi.

Vậy sao chị? Hóa ra nhà nào cũng ông một túi bà một túi sao? Em thấy cũng được an ủi, dù gì mấy chục năm qua, chồng cũng đưa lương cho mình nắm, giờ sắp về hưu, ông ấy muốn một sổ tiết kiệm kha khá đây mà.

Nhưng chuyện không chỉ có vậy, tích cóp rồi cũng quen hay sao á chị, về hưu, lương hưu cũng bằng thẻ, anh ấy muốn giữ thẻ. Bây giờ các con, hai đứa con em mới nhảy lên thay cho mẹ, nói ba giữ thẻ thì chả lẽ mẹ phải nhắc góp góp tiền đi, nghe nó chẳng ra vợ chồng hạnh phúc gì cả.

Mấy hôm nay dùng dằng chỗ đó. Kinh nghiệm của chị ra sao, ý của chị trong vấn đề này như thế nào?

--------------------

Bạn thân mến!

Thực ra chỉ có thời bao cấp nghèo rớt mồng tơi, hai vợ chồng nếu có hai đầu lương phải gộp lại một mối còn chưa đủ ăn cho tháng đó, lấy đâu để dành. Nhà nào cũng vậy, vợ nắm tiền, để vợ gói ghém, xoay xở, thế thôi.

Ngày xưa nữa, ông bà cố kỵ của mình, chắc chắn cũng một mối thu về, vợ là tay hòm chìa khóa. Đó là cuộc sống gia đình truyền thống, đông con, tam đại tứ đại đồng đường.

Có lẽ chuyện bắt đầu chuyển động theo hướng chung của thế giới từ khi lương bổng khá lên, có khoản nọ khoản kia. Chồng đưa lương cho vợ thì chồng vẫn còn vài khoản khác để dằn túi, bia bọt bạn bè, cho chác bên mình khi hữu sự…

Rồi đến mức gì cũng lĩnh bằng thẻ, mọi nguồn đưa vào tài khoản. Khi ấy, đúng là một phương thức kinh tế khác của vợ chồng. Làm sao chồng đưa hết cho vợ được, tiền rót từng lúc, mà đã muốn đưa thì phải đi rút. Bây giờ, không cần rút, vậy thì vợ cũng phải có tài khoản để chồng rót bằng thao tác trực tuyến.

Khi đã có tiền trong tiết kiệm riêng, ít người đàn ông nào để tiết kiệm cạn đến đáy. Bởi vậy mới có chuyện nha nhá tiền cho vợ. Các bà vợ hết hí hửng, vì có cầm được hết thu nhập của chồng đâu, cũng không thể biết được thẻ của chồng có bao nhiêu cả.

Làm sao đây? Phải tập làm quen và có thỏa thuận. Tiền hàng tháng, tiền nuôi con hay không nuôi nữa thì cho cháu, tiền hiếu hỉ, tiền dành du lịch, tiền dành cho sức khỏe về già…Phải có thỏa thuận để vợ nắm phần nào, chồng lo phần nào. Mà các bà vợ phải chứng tỏ mình cầm tiền được nữa cơ, có bà không có tay cầm tiền.

Chuyện của bạn, việc chồng tích trữ tiền là tâm lý chung đấy bạn ạ. Không cá biệt nên không có gì tệ cả. Bạn phải tập chung sống với phương thức sống mới thời điện tử, điện thoại thông minh, thẻ và tài khoản.

Nhưng cũng đừng tự ái mà không thỏa thuận, ví như vì sao anh lại sợ em lục tủ của anh khi anh quên chìa khóa, anh muốn nghỉ chơi không, anh coi em là vợ hay là ô-sin?

Cứ thế, làm cho chồng hiểu để riêng là đúng nhưng không dấm dúi, cần cho vợ biết anh để dành bao nhiêu và nó phải dùng cho sức khỏe, hiếu hỉ, đột xuất, thậm chí đi du lịch anh cũng phải lo đấy nhá. Nói và nói, lựa lời nhưng thẳng thắn, bởi cả hai là vợ chồng chứ không phải khách.

Về thẻ lương, hoặc là chồng giữ và đưa, bao nhiêu tùy thỏa thuận. Đưa mà vợ không cần nhắc, sung sướng mà đưa cho vợ gói ghém hàng tháng. Nếu phóng khoáng thì vợ cầm thẻ lương, đi rút ATM, chị là như vậy đó, hai thẻ lương, thoải mái, anh làm riêng được hay các con cho, anh cứ để riêng. 

Vậy đó, nghệ thuật của vợ chồng già, sống với nhau là nghệ thuật, hai mà một mà khi già thì có khi hai là hai, đấy nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.