| Hotline: 0983.970.780

Có nên buông tay?

Thứ Ba 09/03/2010 , 10:10 (GMT+7)

Đang làm thủ tục ly dị chồng thì cháu gặp và yêu anh. Thế nhưng gia đình anh lại muốn anh cưới vợ...

Ảnh minh họa

Cô Dạ Hương kính mến!

Cô ơi, con năm nay 31 tuổi và chắc sinh nhầm ngôi sao xấu nên số con lận đận truân chuyên.

Con lấy chồng năm 23 tuổi, đứa con bây giờ đã 5 tuổi. Cứ ngỡ khi ở với cha mẹ nghèo khổ và cực, lấy chồng sẽ đỡ tấm thân, nào ngờ họ đối xử tệ với cháu rồi ra đi với lý do là phải xa nhau một thời gian thì khi về mới giàu lên được!

Thế là cháu đưa đơn ra tòa, ngần ấy thời gian trôi qua, cháu chán ngán cuộc sống này. Rồi cháu gặp anh. Anh là thanh niên tốt, chưa vợ, đã cảm thông hoàn cảnh của cháu, đã động viên an ủi cháu và giúp đỡ cháu lúc khó khăn. Dần dần cháu yêu thương anh lúc nào không biết. Cô ơi, cháu thương anh nhiều lắm, nhờ anh mà cháu mới sống đến giờ phút này để nuôi con. Ngược lại, qua cách đối xử, cháu biết anh cũng yêu thương cháu nhiều lắm.

Vậy mà cô ơi, đau khổ lại một lần nữa đến với cháu sau cái Tết mà cháu cho là vui vẻ nhất mà từ trước đến lúc đó cháu mới có được. Ba mẹ anh bắt anh phải lấy vợ, điều mà bấy lâu nay anh đã trốn chạy. Má anh lại hay bệnh, anh chị ai cũng hối thúc phải cưới trong năm nay vì năm tới anh 33 tuổi rồi.

Cô ơi, làm sao cháu công khai cho được khi cháu chưa xong thủ tục ly dị? Cháu là gái đang có chồng con kia mà. Nhìn anh buồn khổ mà cháu như ai vò xé. Nếu giữ lấy anh thì cháu quá ích kỷ vì làm sao anh mở miệng với ba má và dư luận xã hội được. Làm vậy cháu buộc anh hứng chịu quá nhiều mà theo cháu là quá khó khăn với bất cứ người thanh niên nào.

Ngược lại, bằng lòng để anh đi, cứ nghĩ anh vui vẻ hạnh phúc bên một người khác, thì cháu lại nước mắt chan cơm. Cháu không biết mình vượt qua cái khổ này như thế nào. Chẳng lẽ chết cho xong nhưng còn con của cháu? Cô ơi cháu khóc hết nước mắt rồi. Còn anh, anh không muốn cha mẹ phải buồn vì mình. Bên tình bên hiếu, cháu hoang mang quá, cháu đợi tin cô.

Cháu gái đau khổ xin được giấu tên và địa chỉ

Cháu thương mến!

Cô nghĩ, trong tình yêu của các cháu hiện giờ có đủ các yếu tố để bền vững được. Cháu bất hạnh sớm, đang ở ngã ba đường với một nách con nhỏ thì cậu ấy xuất hiện. Cùng lứa, tốt bụng và nhiều lòng trắc ẩn nên chúng cháu đã có nhau một cách sâu sắc, ân tình. Có những tình yêu sét đánh, có thứ tình yêu hài hòa nhưng cũng có thứ tình yêu khúc khuỷu, nặng nhọc. Miễn sao hai người thấy mình đang hạnh phúc, không cần gì hơn.

Thế nhưng càng lúc càng thấy cháu thỏa mãn và phụ thuộc thì cậu ấy càng phân vân. Nói không muốn làm cho ba má buồn là một cách nói chứ không ai nỡ nói thẳng ra. Có thể chữ hiếu đang được đặt lên hàng đầu nhưng với một người đã toại nguyện với lứa đôi thì mọi lý lẽ khác sẽ phải được huy động.

Cháu có thấy cậu ấy yêu ít đi không, hay yêu ít hơn cháu yêu cậu ấy không? Trong họ cô có một ông chú dám trốn khỏi một lễ hỏi để đi biệt và cuối cùng yêu một bà đã có 2 con, lớn hơn mình 4 tuổi. Đó là một vụ xì-căng-đan, một cơn choáng với dòng họ nhưng cái gì rồi cũng qua, như một trận ốm. Mọi việc đã được khỏa lấp, bình thường, người thím dâu ấy đã sinh cho ông chú mấy người con trai thông minh và thành đạt. Niềm tự hào của gia tộc lại nằm ở ông chú và thím này đây. Vậy đó, được rồi mất, tưởng mất mà hóa ra được, cuộc sống là vậy, không có gì là tối om mãi cả.

Vấn đề là cậu ấy có quyết tâm bảo vệ triết lý tình yêu của mình với cháu không? Vấn đề là cháu phải làm mọi việc để ly dị cho xong. Và nếu cả hai hạ quyết tâm thì phải chờ nhau, không thể lấy cái cớ sắp 33 mà phải vắt chân lên cổ để cưới vợ. Không cưới thì cậu ấy cũng đã có cháu. Đừng quá rên rỉ mà hãy hành động nhanh: cháu ly dị, cậu ấy chờ, thế thôi. Còn một khả năng xấu nhất nữa là cậu ấy đi lấy vợ và cháu lại trở về như cũ. Đó cũng là một thực tế mà cháu phải chuẩn bị tinh thần.

Cháu có con để làm điểm tựa và làm trách nhiệm con người, sao cứ nghĩ đến cái chết vậy? Sao không coi những ngày tháng đã có với cậu ấy là một điều tốt đẹp mà cuộc sống vốn có, cuộc sống vẫn tiếp tục có nếu cháu không bi quan và buông xuôi? Không có gì cao hơn tình mẫu tử, cháu đừng nhẹ điều đó. Nếu cháu đặt nó tương xứng trong tình cảm và trách nhiệm, nhất định cháu sẽ được khen, cháu sẽ được đền bù, chí ít cũng sẽ có một đứa con khỏe mạnh, có hiếu và thành công.

Mong cháu bình tâm, cùng đối thoại với cậu ấy và tìm thấy lối ra.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm