| Hotline: 0983.970.780

Có nên công khai thí sinh được nâng điểm?

Thứ Sáu 05/04/2019 , 06:50 (GMT+7)

Khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 khởi động, thì kết quả thanh tra sự gian lận ở kỳ thi THPT 2018 cũng được công bố.

Sai phạm từ phía những người tổ chức kỳ thi không thể chối cãi, và phải xử lý nghiêm khắc, nhưng có nên công khai danh sách thí sinh đã “ngẫu nhiên” có số điểm ngất ngưởng không?

Hoàn tất quá trình thanh tra vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, đã cho ra con số đáng giật mình: 140 bài thi của 64 thí sinh được xác nhận có can thiệp sửa điểm, bài thi tăng nhiều nhất là 9,25 điểm, còn thí sinh có tổng điểm ba môn được tăng nhiều nhất là 26,45 điểm.

Còn tại Sơn La, kết quả chấm thẩm định cho thấy: có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình và Sở GD-ĐT Sơn La cập nhật kết quả chấm thẩm định, coi kết quả này là điểm chính thức của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các trường đại học xem xét lại trường hợp các thí sinh có liên quan.

Có nên công khai danh tính phụ huynh chạy điểm cũng như các thí sinh bị thay đổi điểm hay không? PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Việc này phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự 2016. Công khai danh tính thời điểm nào, đến đâu là thẩm quyền của cơ quan chức năng điều tra là Bộ Công an. Chúng ta muốn công bố danh tính của thí sinh và phụ huynh, nhưng phải tính đến công tác điều tra của cơ quan công an, trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt không thể nghĩ đến những tác động cực đoan đến học sinh”.

Nhìn ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Việc công khai danh sách những thí sinh được nâng điểm là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu về pháp lý cũng như về xã hội học, đánh giá về những bất ổn trong xã hội cũng như những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, để đảm bảo thực hiện các giải pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. 

Trên cơ sở những thí sinh được nâng điểm có thể biết được những thí sinh này thuộc nhóm người nào trong xã hội, con em những gia đình nào để lý giải những nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng vi phạm trong thi cử, để có những giải pháp phòng ngừa, cũng như có những biện pháp xử lý đối với những phụ huynh và những người có liên quan, khi có những hành vi vi phạm pháp luật khác. Ngoài ra, kỳ thi đó cũng có nhiều thí sinh bị nghi ngờ là được nâng điểm, khi công khai danh sách này sẽ làm rõ em nào được nâng điểm, em nào có điểm thật, để trả lại công bằng cho các em. Việc công khai kết quả xử lý cũng là một trong những nguyên tắc của pháp luật để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung và để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mang lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục lại cho rằng, cần có những đắn đo kỹ lưỡng trước khi công khai danh tính các thí sinh được nâng điểm. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phân tích: “44 em học sinh còn rất trẻ, mới chỉ 18, 19 tuổi, cuộc đời còn ở phía trước. Tôi tin là hơn một năm qua các em cũng khổ sở vì sống trong lo lắng, ân hận, nhiều ông bố bà mẹ cũng sống trong nỗi giày vò vì thương con không đúng cách. Các nhà quản lý, các cơ quan có trách nhiệm nên suy xét kỹ làm cách nào tốt nhất cho các em, một thông báo nội bộ, một lời động viên khi chia tay với trường cần hơn là một bản tin trên truyền thông đại chúng. Ai chẳng có lúc sai lầm, việc có đứng lên được hay không không chỉ phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của cá nhân đó mà còn phụ thuộc rất nhiều vào xã hội, lòng bao dung, nhân ái chắc chắn tốt hơn là sự vùi dập…”.

Chính sự gian lận trong kỳ thi năm 2018, đã thực sự cảnh tỉnh xã hội. Theo dự thảo quy chế thi được Bộ GD-ĐT mới ban hành, các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp. Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hội đồng thi, dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra đĩa CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong; bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ; 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và giám sát; đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ GD-ĐT. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, Tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Ngoài việc chấm kiểm tra 5% bài thi như những năm trước, điểm khác biệt của năm nay là những bài có điểm cao sẽ được lựa chọn chấm kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện ra các gian lận. Một điều chỉnh rất lớn của năm nay là giao cho các trường Đại học cùng chấm trắc nghiệm và phần mềm chấm trắc nghiệm đã được điều chỉnh, được chạy thử và tương đối yên tâm. Trong đó, các khâu từ ảnh của thí sinh đến bài thi và dữ liệu khác… đều được mã hóa, sao cho không có mối liên hệ giữa thí sinh và người chấm. Tất cả những giải pháp này chỉ được thực hiện tốt và người điều hành nó vẫn là con người nên chú trọng khâu lựa chọn nhân sự và tập huấn cho các đối tượng làm công tác thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, sẽ có kì thi an toàn.

Với những gì đã xảy ra vừa qua, thông điệp rõ ràng gửi đến các địa phương là: Kì thi diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng đơn vị trực tiếp tổ chức là Ban chỉ đạo thi của các tỉnh thành phố. Mọi thành công của kì thi đều để con em địa phương thụ hưởng những người làm công tác thi cử ở mỗi tỉnh thành phải tự nâng cao tinh thần trách nhiệm, để tránh những sai phạm ê chề.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.