| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/01/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 28/01/2019

Có nên 'cứng nhắc' cấm liền anh liền chị nhận 'tiền công' khi hát theo yêu cầu?

Người Việt Nam có câu “của cho không bằng cách cho”. Có những đồng tiền cho khiến người nhận cảm thấy bị xúc phạm, bị xỉ nhục. Nhưng trái lại, có những đồng tiền cho khiến người nhận cảm thấy vinh dự, tự hào...

Lễ hội xuân sắp diễn ra ở khắp nơi, trong đó có vùng Bắc Ninh với “đặc sản” là dân ca quan họ. Tuy nhiên mới đây, thông tin về lệnh của tỉnh Bắc Ninh cấm các liền anh liền chị khi tham gia hát quan họ trong các lễ hội không được nhận tiền thưởng của khách du xuân đến hội dưới bất kỳ hình thức nào, đã khiến cho không ít người ngạc nhiên.

Phải nói ngay rằng việc cấm một số liền anh liền chị gạ gẫm hay bắt ép khách phải thưởng, như trường hợp hát xong, liền anh liền chị ngửa nón quai thao dí sát vào khách xin tiền, khách không cho thi mặt nặng mặt nhẹ, là điều rất nên làm. Bởi đó là những hành vi không đẹp, phản văn hóa. Việc đó là có thật ở lễ hội xuân một số năm, đã khiến du khách phàn nàn, khiến báo chí phải lên tiếng.

Nhưng còn việc một số du khách vì lòng mến mộ các liền chị, liền anh, cảm nhận được cái hay cái đẹp của quan họ, mà tự ý thưởng. Hay khi khách đề nghị hát cho nghe một bài mà họ thích, rồi thưởng khi nghe xong, thì có nên cấm không ? Đó là những đồng tiền thưởng xuất phát từ cái tâm, từ tình cảm chân thật của khách. Số tiền thưởng không nhiều, thưởng chi mươi ngàn, hai mươi ngàn, thậm chí năm ngàn, không có liền anh, liền chị nào sống bằng những đồng tiền thưởng đó, hay coi những đồng tiền thưởng đó là một nguồn thu nhập cả...Nhưng chúng có ý nghĩa động viên tinh thần đối với các liền anh, liền chị rất lớn. Việc thưởng này cũng giống như trong buổi hát ca trù. Khi thấy hay, khách nghe thường “thướng (tức là thưởng)” cho đào nương dăm chục, một trăm, thì đó cũng là những đồng tiền thưởng xuất phát từ cái tâm của khách, một khi cảm nhận được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này. Trong trường hợp đó, việc đào nương hay các liền anh liền chị nhận tiền thưởng, là chuyện hết sức bình thường, là sự giao lưu giữa họ với khách, khiến cho tình cảm giữa họ với du khách thêm gần gũi.

Người Việt Nam có câu “của cho không bằng cách cho”. Có những đồng tiền cho khiến người nhận cảm thấy bị xúc phạm, bị xỉ nhục. Nhưng trái lại, có những đồng tiền cho khiến người nhận cảm thấy vinh dự, tự hào. Việc một số du khách vì mến mộ, vì tôn trọng mà thưởng cho liền anh, liền chị trong hội xuân, chắc chắn sẽ khiến các liền chị liền anh cảm thấy vinh dự, tự hào, vì lời ca tiếng hát của mình được du khách tôn trọng.

Còn đối với du khách, một khi thưởng một cách tự nguyện mà bị người được thưởng từ chối, thì không khỏi cảm thấy phật lòng, không khỏi cảm thấy bị người được thưởng coi thường mình.

Lễ hội là một hoạt động văn hóa, muôn màu muôn sắc. Việc làm cho lễ hội giữ được nét văn hóa vốn có, không bị dung tục hóa, vật chất hóa, là một việc làm rất tế nhị, rất...Văn hóa. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào những hoạt động văn hóa, mà chỉ có thể tuyên truyền.