| Hotline: 0983.970.780

Có nên cưới "gái miền Tây"

Thứ Ba 10/12/2013 , 14:27 (GMT+7)

Thưa cô, con không phải là người định kiến với "dân" miền Tây nhưng kỳ thực gái miền Tây chủ yếu lấy chồng là "nhờ" chồng... Con nói vậy có quá không cô?

Cô Dạ Hương kính mến!

Đáng lẽ con viết thư cho cô lâu rồi nhưng cũng vì công việc cô ạ.

Thưa cô, con là một độc giả của Báo NNVN, mỗi ngày không cầm được tờ báo của ngành mình trên tay là con cảm thấy như bị tách biệt với thế giới bên ngoài (hiện tại con làm trong ngành nông nghiệp của quê lúa Nghệ An. Con học chuyên ngành Chăn nuôi- Thú y cô ạ).

Hôm 29/11 vừa qua, đọc số báo 239 trong mục cô tư vấn cho một độc giả người miền Tây mà sao con thấy chạnh lòng cho trai miền Trung vậy cô? Cô ạ, con cũng là người miền Trung sao con thấy con gái miền Nam mà nói rõ hơn là con gái miền Tây Nam bộ, họ nghĩ sao và trong đầu họ nghĩ gì mà lại xem trai miền Trung bọn con là thế này thế khác?

Thưa cô, con không phải là người định kiến với "dân" miền Tây nhưng kỳ thực gái miền Tây chủ yếu lấy chồng là "nhờ" chồng và khi sinh con đẻ cái thì gần như là họ chỉ biết trông con và lo làm đẹp cho bản thân họ. Và cũng có những trường hợp còn cờ bạc, đề đóm...(con nói thế có quá không cô?).

Cô ơi, cô cũng là dâu miền Trung, cô đánh giá thế nào về trai miền Trung và qua mấy dòng này con xin cô hãy nói rõ cho mọi người biết rằng trai miền Trung cũng như trai mọi miền của Tổ quốc, cũng là "Con Lạc, cháu Hồng", cũng là một Mẹ Âu Cơ sinh ra mà thôi.

Cô đừng in địa chỉ mail nhá cô!

Cháu trai thân mến!

Vấn đề cháu đặt ra thật thú vị, dù cô cảm nhận được khá rõ chút tự ái của trai miền Trung ở cháu.

Bắc, Trung, Nam của chúng ta, tất nhiên là một quốc gia thống nhất, dân tộc Việt đều con Lạc cháu Hồng, chúng ta toàn vẹn về mặt lãnh thổ từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Nhưng những “tiểu vùng văn hóa” là một đặc thù tự nhiên, do lịch sử hình thành, do thổ nhưỡng, và hệ quả của thời kỳ bị thực dân chia làm 3 kỳ để cai trị nữa. Tiểu vùng văn hóa sông Hồng, cái nôi văn hóa của đất nước; tiểu vùng văn hóa Nghệ Tĩnh; tiểu vùng văn hóa cố đô Huế; tiểu vùng văn hóa Sài Gòn và tiểu vùng văn hóa Mê Kông…

May mắn đi nhiều, quan sát, đọc và chiêm nghiệm, cô thấy phân ra những tiểu vùng văn hóa ấy là đúng. Thổ nhưỡng, khí hậu và lịch sử hình thành tạo nên tính cách vùng miền rất rõ. Nếu cháu chú ý về trai thôi, thì cô nói con trai thôi nha. Trai đồng bằng Bắc bộ hào hoa, đa tình, mềm mại và khá khéo tay, vì vậy mà sinh ra nhiều văn nghệ sĩ và nghệ nhân, ẩm thực phong phú và rất giỏi về lúa nước, hoa màu, làng nghề.

Miền Trung nói chung, trong đó Nghệ Tĩnh nói riêng, là đất lũ, gió Lào, cát trắng… nên hay sinh ra chính khách, vua chúa và cũng không ít nhà văn nhà thơ. Đàn ông con trai vùng này rất có chí khí, sức khỏe, ngang ngạnh (điển hình là Nguyễn Công Trứ, từ thượng thư rơi xuống lính trơn rồi lại lên voi, một nhà thơ khí phách).

Trai Huế thì tao nhã, thâm trầm, tài hoa, Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Trai Nam bộ nói chung thích làm ăn lớn, giỏi thể thao, thích bạn (cũng vì ưa làm ăn lớn)…

Nhược điểm là mặt tối của ưu điểm, trai Bắc đa tình nên mồm mép, trai Nghệ Tĩnh căn cơ nên nhiều khi ki bo lộ liễu, trai Huế thâm sâu quá thành ra bí hiểm, khiến phụ nữ hoài nghi, trai Sài Gòn trai miền Tây phóng khoáng quá thành phóng túng, ăn chơi, phiêu lưu…

Có tiểu vùng văn hóa nên khi hai con người nam nữ của những tiểu vùng ấy mà yêu nhau thì họ thường dừng lại để cân nhắc khi muốn hôn nhân. Sự đắn đo ấy còn từ người lớn nữa, vì họ thấy sự khác nhau về khí hậu, sự khác nhau về tính cách, dẫn đến sự khác nhau về ứng xử trong một vấn đề.

Ví như cô gái miền Tây lấy trai Nghê Tĩnh thì cô ấy sẽ hay nghe chồng ca bài ca tiết kiệm muôn thuở, để chi, để còn về quê, còn cho bố cho mẹ, giúp anh giúp em, để xây nhà to, để và để…Vì cái máu cố kết cộng đồng và căn cơ hơn người là niềm tự hào của dân Nghệ và cô gái chớ có dại mà xao nhãng, hay xúc phạm đến những thứ đó, nhé!

Gái miền Tây như cháu khái quát, không sai mấy. Là vì địa lý miền Tây cách trở bởi sông ngòi kênh rạch, đi lại khó khăn nên sự học ở đây là vùng trũng, họ là vùng sâu là vùng xa. Nông dân họ đẻ nhiều, con gái sông nước lại đẹp nữa.

Tập quán từ thời thuộc địa Pháp ở đây là làm chủ (làm ăn lớn) hoặc làm thuê, không có nhiều người là viên chức trong guồng như ở Bắc, ở Huế, ở Trung. Phụ nữ họ học ít và họ an phận ở nhà làm nội tướng cho chồng, hình mẫu ấy vẫn nhiều ở Nhật, ở Hàn Quốc, những xã hội vừa truyền thống vừa hiện đại ấy.

Vì vậy mà cháu thấy phụ nữ miền Tây ít nữ quyền nhưng cô thấy họ rất giỏi làm dâu, chăm con, chăm chồng và nội trợ. Cũng được chứ sao. Và nạn bài bạc thì giờ ở đâu cũng đầy tràn, do xã hội mình tha hóa chứ không do vùng hay miền.

Nói chung, lấy vợ lấy chồng là phải hợp nhau toàn diện. Nết ăn nết ở, sở thích, ẩm thực, khí hậu…khác nhau nhiều thì sẽ nghịch, làm bạn thì dễ chứ hôn nhân thì sẽ có xung khắc. Cô nghĩ, thư không thể dài hơn, mong cháu nghiệm thêm và tự tin, thanh thản với cái mác trai đất Nghệ địa linh nhân kiệt.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.