| Hotline: 0983.970.780

Có nên để cấp xã quản lý công trình nước sạch?

Thứ Sáu 08/11/2013 , 09:51 (GMT+7)

Toàn tỉnh Hà Nam có 56 công trình nước sạch thì 17 công trình ngừng hoạt động, 1 hoạt động không bền vững, 6 kém hiệu quả, 9 trung bình…

Toàn tỉnh Hà Nam có 56 công trình nước sạch thì 17 công trình ngừng hoạt động, 1 hoạt động không bền vững, 6 kém hiệu quả, 9 trung bình… Điều đáng nói là những công trình nước sạch do tỉnh quản lý thì hoạt động rất tốt, còn những công trình "đắp chiếu" đa phần do các xã làm chủ đầu tư, vận hành, bảo dưỡng. 

Hàng chục công trình đắp chiếu

Ông Tạ Đức Thắng, GĐ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Những năm 1996, 1997, các đơn vị liên quan đã đi khảo sát từng địa phương, triển khai xây dựng trạm cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào hoạt động, các công trình này đều bị xuống cấp nhanh chóng.

“Đấy đều là những trạm cấp nước có quy mô nhỏ, phục vụ một số ít hộ dân. Nguồn vốn xây dựng thì Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại người dân tự đóng góp. Nhưng đưa vào hoạt động công trình xuống cấp thì chả ai sửa chữa, kiểu cha chung không ai khóc”, ông Thắng thẳng thắn thừa nhận.

Trên thực tế, các trạm cấp nước sạch do UBND xã làm chủ đầu tư và vận hành có công suất thiết kế trung bình 100 – 800 mét khối/ngày đêm. Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam, hiện còn khoảng 20% người dân vẫn sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan Unicef, nước mưa.


Một bể nước trống không trong trạm cấp nước sạch

Huyện Kim Bảng có 23 trạm cấp nước sạch thì có đến 13 công trình rơi vào diện ngừng hoạt động, hoạt động trung bình, kém hiệu quả. Cá biệt, có những xã như Văn Xá (Kim Bảng), 3/4 công trình đã ngừng hoạt động, 1 công trình đang hoạt động “thoi thóp”.

Thừa nhận thực trạng trên, ông Vũ Trung Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xá cho biết, hiện 3/4 công trình cấp nước sạch cho người dân đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Xã Văn Xá có 9 thôn, với trên 2.000 hộ dân sinh sống, hiện chỉ có 125 hộ được dùng nước sạch.

Chẳng hạn như trạm cấp nước sạch ở thôn Chanh, xã Văn Xá, tuy vẫn hoạt động, song rất èo uột. Ông Trần Văn Lập, thôn Chanh, người được giao nhiệm vụ vận hành trạm cấp nước tại đây cũng lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về công trình này. “Chính tôi bây giờ cũng không biết hàng ngày trạm này cấp nước cho bao nhiêu hộ dân. Cứ đến giờ thì tôi cắm điện bơm. Hôm nào họ kêu thiếu nước thì tôi bơm thêm một tiếng”, ông Lập nói.

Vì gần nhà, ông Lập được giao luôn nhiệm vụ này từ khi trạm cấp nước đi vào hoạt động. Theo ông Vũ Trung Tuyến, tiền điện hàng tháng phục vụ máy bơm, xã sẽ trích ngân sách. Đồng thời, mỗi tháng xã trả công người vận hành 50 – 100 ngàn đồng/tháng.

Trạm cấp nước sạch do ông Lập vận hành nằm ngay mặt đường dẫn vào thôn Chanh. Bên trong có một nhà chứa máy bơm, một bể lọc nước, một bể chứa nước sạch dung tích 40 mét khối. Cứ một giờ chiều, ông Lập lại mở cửa, đóng điện bơm nước từ bể chứa đến các hộ gia đình.

Khoảng vài ngày, ông Lập trèo lên bể sục rửa cát dùng để lọc nước. Gọi là nước sạch, nhưng thực tế, nguồn nước này hoàn toàn không được xử lí bằng hóa chất.  Ông Lập bảo, ông có biết gì đến hóa chất đâu mà xử với lí.


Bể lọc cát trong trạm cấp nước sạch thôn Chanh, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng

Chúng tôi choáng váng khi trèo lên và chứng kiến bể lọc nước của trạm cấp nước sạch này. Trong bể, cát bị đổi màu vàng như đất sét, đóng thành tảng, bề mặt phủ đầy rong rêu. Bên dưới, bể trữ nước sạch cấp cho các hộ dân có một màu vàng đục, nổi váng.

Dân “chê” nước sạch

Theo ông Vũ Trung Tuyến, lí do các trạm cấp nước sạch trên địa bàn xã Văn Xá “chết yểu” một phần vì người dân chê nước sạch. Nhiều hộ dân than rằng giá cả cao, thời gian cấp nước không phù hợp khiến họ không mặn mà với nước sạch.

Ông Trần Văn Miêu, 62 tuổi, thôn Chanh (Văn Xá) cho biết, thời gian đầu gia đình ông cũng dùng nước từ trạm cấp nước, nhưng được vài tháng thì bỏ. “Lúc trạm cấp nước vận hành thì chúng tôi đi làm đồng, không mở vòi thì tối về không có nước dùng, mà mở vòi thì nước tràn ra ngoài, tiền đâu mà trả”, ông Miêu chia sẻ.


"Nước sạch" trong bể tại một trạm cấp nước sạch

Sau đó, gia đình ông Miêu tự xây một bể nước, dùng cát lọc lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Hiện tại, giá một khối nước ở đây là 1.500 đồng. Nhiều người dân cho rằng, giá này vẫn là quá cao. Đa phần người dân vẫn sử dụng đồng thời nước sạch và nước mưa hoặc giếng Unicef. Cũng theo ông Tuyến, hiện xã vẫn phải bù lỗ để duy trì hoạt động trạm cấp nước tại thôn Chanh.

Do quá lâu không được vận hành, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Những công trình đang vận hành “thoi thóp” như ở thôn Chanh, xã Văn Xá cũng có nguy cơ đắp chiếu bất kì lúc nào. Đường ống dẫn nước bị han gỉ, tắc nghẽn, máy móc gỉ sét.

Theo ông Vũ Trung Tuyến, biện pháp xử lí bây giờ là chờ đợi phương án xử lí của cấp trên. Và trong khi chờ, hàng ngàn hộ dân ở đây cũng như nhiều hộ dân khác vẫn “khát” dòng nước sạch.

“Với những công trình như vậy, chúng tôi vẫn chưa biết xử lí thể nào vì đây đều là những công trình do chính quyền xã đầu từ và vận hành”, ông Tạ Đức Thắng- GĐ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam lắc đầu.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất