| Hotline: 0983.970.780

Có nên để địa phương xét và công nhận tốt nghiệp THPT!?

Thứ Sáu 27/07/2018 , 07:15 (GMT+7)

Bắt đầu từ năm 2015, Bộ GD- ĐT gộp 2 kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ lại thành kì thi THPT quốc gia nên đã giảm bớt đi một phần tốn kém cho xã hội và gia đình các em.

Tuy nhiên, sau 4 kì thi, bên cạnh những ưu điểm thì kì thi đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. 

Sau 4 kì thi, tỉ lệ tốt nghiệp ngày càng được nâng lên theo từng năm. Năm 2015 là 91,58%; năm 2016 là 92,93%; năm 2017 là 97,42% và năm 2018 này là 97,57%. Đáng lẽ ra, khi tỉ lệ tốt nghiệp nâng lên thì dư luận xã hội sẽ mừng, nhưng thực tế ngược lại. Bởi, kết quả kì thi năm nay chỉ có 3/9 môn có điểm bình quân trên 5,0 điểm. Còn lại 6 môn có điểm dưới trung bình.

Ảnh minh họa

Việc học sinh lớp 12 tốt nghiệp cao nhờ một phần vào xét học bạ mà có người ví đây là “phao cứu sinh” cho học trò. Vì thế, ta thấy tỉ lệ đậu tốt nghiệp hệ THPT năm nay đạt tới 98,36%, rất nhiều trường có tỉ lệ 100% tốt nghiệp, nhiều địa phương đạt trên 99%. Chính vì thế, điều dư luận băn khoăn nhất là tính trung thực, sự nghiêm minh của kì thi.

Bộ nên để các Sở đảm nhận công việc thi hoặc xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 trong những năm tới đây là cần thiết và phù hợp. Hiện nay, việc cấp văn bằng cho học sinh phổ thông được thực hiện theo Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GD- ĐT. Tại Điều 16 của Quyết định này quy định về thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ như sau: “Bằng tốt nghiệp THCS do Trưởng phòng GD- ĐT cấp huyện cấp; Bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở GD- ĐT cấp”.

Quy định đã rõ là vậy thì Bộ có cần thiết phải tổ chức và “bao sân” cả việc thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh nữa hay không? Hơn nữa, dù duy trì kì thi như hiện nay thì Bộ cũng chỉ lo được việc ra đề thi và cử một số cán bộ thanh tra, giám sát… mà thôi, phần còn lại vẫn là nhân sự của các Sở đảm nhận.

Cứ nhìn cấp THCS hiện nay tổ chức rất gọn nhẹ mà vẫn thể hiện được tính nghiêm minh trong việc công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Đối với học sinh lớp 12 có thể cũng nên làm như vậy, sau 12 năm đèn sách, học tập, học sinh nào cũng muốn mình tốt nghiệp được lớp 12 để làm “chứng chỉ” vào đời. Có những em sẽ học tiếp ĐH nhưng cũng có những em sẽ vào đời sớm bằng nhiều nghề khác nhau.

Nhưng dù dừng lại hay học tiếp thì tấm bằng THPT vẫn là tấm “căn cước”, bởi ngay cả việc lao động phổ thông thì nhiều công ty, xí nghiệp vẫn đòi hỏi trình độ ở một ngưỡng nhất định. Vì thế, việc các trường công nhận và xét tốt nghiệp sẽ giảm đi áp lực thi cử và đỡ tốn kém cho học sinh và phụ huynh rất nhiều. 

Có thể điều dư luận băn khoăn là khi giao việc thi hoặc xét tốt nghiệp về cho địa phương hoặc các trường thì bệnh thành tích sẽ phát sinh. Tuy nhiên, dù hình thức nào cũng sẽ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Trong khi nhiều học sinh chỉ có mục đích tham dự kì thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT mà phải thi nhiều môn, nhiều đơn vị kiến thức là không cần thiết mà lại lãng phí tiền của, thời gian. Cuối cùng, cũng gần như 100% đỗ tốt nghiệp.

Nếu Bộ chưa cho xét tốt nghiệp thì việc thi tốt nghiệp cũng nên để Sở chủ trì tất cả các khâu từ ra đề, coi thi và chấm thi. Bộ chỉ cần đưa ra các tiêu chí, hình thức thi cử. Bởi, thực tế khi chúng ta ra đề chung như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều bất cập bởi trình độ mỗi địa phương, vùng miền khác nhau. Có những đề học sinh thành phố, đồng bằng cho là dễ, vừa sức thì cũng có thể là quá tầm đối với những vùng khó khăn. Vì thế, khi giao cho các Sở họ sẽ phù hợp hơn.

Còn chuyện đầu vào của ĐH thì Bộ có thể giao cho các trường ĐH, CĐ chủ trì bởi thực tế chúng ta đang tiến tới tự chủ và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có thể đăng kí vào các trường phù hợp với năng lực của mình để thi hoặc xét tuyển.

Từ lâu, chúng ta đã nói nhiều về chuyện giữ hay bỏ kì thi tốt nghiệp và bây giờ rõ ràng thời điểm đã chín muồi. Bộ GD- ĐT nên giao cho các địa phương có quyền tự chủ để xét và công nhận tốt nghiệp cho các em học sinh lớp 12. Chúng tôi nghĩ rằng dù Bộ, các Sở chủ trì thi hay giao về cho các trường thì yếu tố chất lượng giáo dục cũng phải đặt lên trên hết. Cái quan trọng nhất là dù cơ quan chủ quản nào chủ trì cũng phải thể hiện được tiêu chí là sản phẩm giáo dục phải tương xứng với trình độ được đào tạo và được xã hội chấp nhận.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất