| Hotline: 0983.970.780

Có nên di dời cây xanh ở Thủ đô?

Thứ Ba 20/08/2019 , 09:15 (GMT+7)

Gần đây, Hà Nội xôn xao về việc chuyển cả trăm cây hoa sữa từ phố Trích Sài (Tây Hồ) lên khu tập kết rác ở Sóc Sơn.

2043-dsc07422101838182
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội được trồng hoa sữa.

Rất nhiều ý kiến khác nhau: Người thì cho rằng, cây đang tốt mà sao lại đưa đi; bà con ở Trích Sài thì lại hoan nghênh vì không còn phải chịu mùi nồng hắc của hoa sữa nữa; người thì bảo rằng, đang giữa mùa hè nóng bỏng thế này mà lại hạ cây đi; người thì lại cho rằng, đưa cây đi lúc này là hợp lý…

Một số bà con thì trách móc thành phố không tính toán kỹ khi chọn cây nên đã trồng tốt lên rồi mà lại phải đào đi nơi khác. Một số thì cầu mong bằng mọi giá, phải đưa nó đi càng sớm càng tốt…

Theo chúng tôi, lỗi này do các thế hệ trước để lại. Nhưng họ cũng xuất phát từ những ý tưởng tốt mà thôi. Cây hoa sữa mà trồng lẻ tẻ hoặc trồng thưa trên các đường phố thì đôi khi lại làm cho nhiều người yêu mến nó. Mùi hoa sữa thoang thoảng vào đêm khuya với cái lạnh se se dễ làm ta có cảm giác lãng mạn hơn, khoan khoái hơn.

Vì vậy mà các nhạc sĩ đạo cội như Hoàng Hiệp hay Hồng Đăng còn cho nó vào các ca khúc trữ tình. Nhưng nếu mùi hoa sữa quá nồng nặc thì lại gây nên điều khổ hạnh cho những người ở gần chúng. Các loại nước hoa mà chị em ta thường dùng cũng có tình trạng như vậy thôi. Khi ta đi dự một buổi hòa nhạc hoặc xem một vở kịch mà ngồi cạnh một vị nào dùng quá nhiều nước hoa thì cũng là một cực hình. Nước hoa cũng chỉ nên dùng vừa phải để tạo ra mùi thơm thoang thoảng, hấp dẫn. Nếu dùng quá nhiều thì mất hết tác dụng!...

Vì vậy, hoa sữa chỉ nên trồng loáng thoáng trên các đường phố hoặc các công viên. Nơi dân cư đông đúc hoặc các khu tập thể thì không nên trồng.

Hà Nội đã rút ra được bài học này và đang tích cực sửa chữa. Không riêng gì cây hoa sữa mà một số loại cây khác không thích hợp cũng đang được nghiên cứu để thay thế dần dần bằng các loại cây khác. Bộ máy lãnh đạo mới của Thủ đô đang làm hết sức mình để Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn và hấp dẫn hơn.

Điều này chúng ta đều nhận thấy. Chủ trương trồng mới 1 triệu cây xanh cho Thủ đô của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung dự kiến thực hiện trong 5 năm nhưng Hà Nội đã hoàn thành chỉ sau 3 năm. Hà Nội vẫn đang tiếp tục trồng thêm cây mới cho các khu phố và vùng ngoại thành. Không riêng gì con đường từ sân bay Nội Bài về thành phố mà có rất nhiều tuyến đường khác của Thủ đô đã được “thay da đổi thịt”. Những hàng cây xanh tốt được xen với các loại cây hoa giúp cho nhiều đường phố thay đổi hẳn. Bây giờ đi dọc đường Láng giống như ta đi vào một vườn hoa… Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ được thực hiện cách đây 2-3 năm.

Tôi nhớ, khi Hà Nội đưa cây bàng lá nhỏ vào trồng, một số người lại chê ỏng, chê eo. Họ thấy nó như cái cọc, chả có cành cũng chả có lá. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau, loài cây này đã làm cho bà con ta tin tưởng. Chúng mọc đều, tán xòe ngang rất đẹp và mát. Nếu được 5 năm tuổi thì có lẽ, nó sẽ là loài cây được bà con ta rất mến mộ.

Ở Đài Loan, cả Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam họ đều trồng kín loại cây này. Cây lên to, lá ken dày, cành xòe ngang, che kín các đường phố ở đây. Ngay ở Việt Nam, nếu chúng ta vào thăm thành phố Phan Rang- Tháp Chàm của Ninh Thuận thì mới thấy, bàng lá nhỏ được trồng chủ yếu trên các đường phố. Nhiều cây có đường kính thân từ 40-50 cm, lá dày đặc, che kín các con phố.

Ở Hà Nội, từ Cầu Giấy đi vào thành phố ta cũng rất hài lòng khi đoạn Kim Mã được trồng những cây bàng lá nhỏ xen với hoa tường vi. Cây mới 2-3 tuổi mà đã đẹp như vậy thì ít năm nữa nó sẽ thành đoạn đường “đáng đi” (như phố Phan Đình Phùng hiện nay).

Chúng ta nên coi việc thay thế những loài cây không hợp lý bằng những loài cây mới của Hà Nội là một cố gắng đáng khen. Bà con ta nên ủng hộ cho thành phố.

Ngay khi khởi công làm lại tuyến đường Phạm Văn Đồng, rất nhiều ý kiến chỉ trích việc rời bỏ hàng cây xà cừ. Thế nhưng bây giờ, những đoạn đường vừa làm xong đã được anh chị em công nhân trồng những hàng cây xanh mới, làm cho bà con ta rất hài lòng. Sau này, đường Phạm Văn Đồng có lẽ sẽ thành con đường đẹp nhất Hà Nội.

Chúng ta muốn vươn lên thì phải đổi mới. Cái nào sai thì phải sửa. Cái gì tốt thì phải đưa vào!

Người ta dự kiến đưa cây giáng hương vào thay cho những cây hoa sữa vừa được đưa đi. Tôi cho rằng, đó là một chủ trương hết sức đúng đắn. Tôi thấy phố Võ Chí Công mới được hoàn thành có mấy năm nay nhưng những hàng cây giáng hương ở đây thì… “miễn chê!”. Chúng lên rất đều, tán lá dày và xanh thẫm. Ở bên khu Ecopark cũng vậy, giáng hương đã khép tán mà chỉ sau có 3 năm. Vậy, bà con ở phố Trích Sài chỉ cần chịu khó thêm 2-3 năm nữa thì chúng ta sẽ có một con phố “đáng sống” đấy! Vì vậy, xin bà con cứ yên tâm.

Những cây hoa sữa ở Trích Sài không bị chặt bỏ mà được anh chị em công nhân đào cẩn thận, cưa bớt cành và đưa lên Sóc Sơn để trồng lại.

Một số người chê, đống rác khổng lồ đã quá hôi, bây giờ lại đưa thêm cây hoa sữa vào nữa thì mùi hôi sẽ tăng lên gấp đôi!...

Nhưng, đâu phải họ trồng quanh đống rác. Các cây hoa sữa được đưa lên trồng dọc theo tuyến đường dẫn vào bãi rác. Như vậy là nó được trồng giữa cánh đồng. Họ cho biết, tuyến đường cách khu dân cư tới 500m. Thế thì, nó không gây hắc mà có khi lại thoang thoảng thơm và làm mát cho con đường. Như vậy bà con ta nên chấp nhận. (Thế còn, nơi nào muốn trồng những cây hoa sữa lớn đó thì cứ đề xuất, chắc họ sẽ cung cấp ngay cho quí vị).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.