| Hotline: 0983.970.780

Có nên ép trẻ nhường đồ chơi cho bạn?

Thứ Bảy 15/09/2018 , 14:30 (GMT+7)

Trẻ nhỏ thường sợ mất đồ chơi của mình nên việc cho bạn mượn đồ chơi dường như là câu chuyện xa xỉ. Trong tình huống này, các chuyên gia cho rằng bố mẹ cần khuyến khích bé cho mượn nhưng cũng phải chấp nhận tình huống bé kiên quyết nói “không”. Vì sao lại như vậy?

Chị Nguyễn Thu Lan (Nghĩa Tân, Hà Nội) phàn nàn kể lại, cô có con gái năm nay lên 3 tuổi, hàng xóm nhà chị có một cô bé khác lên 5 mới dọn về. Từ ngày hai đứa đó chơi với nhau, con gái chị Lan bị nhiễm thói “giành” đồ chơi của bạn.

nen-hy-khong-dy-con-cch-chi-se-do-choi-voi-bn-khc-9134923774
Ảnh minh họa

“Con bé hàng xóm dù lớn hơn em, nhưng cứ sang nhà tôi chơi nó thích cái gì là đòi bằng được. Mới đầu tôi thường nhắc con, chị đến chơi nhà con phải nhường nó phụng phịu bảo nhưng mà con sang nhà chị chị toàn cất đồ chơi đi, chị có nhường con như thế đâu?.

Lắm hôm, bực quá tôi cấm không cho chơi với nhau nữa, nhưng mà trẻ con, đến khổ. Cấm được tý, lại í ới gọi nhau, rồi chưa được 5 phút lại chí chóe. Không biết phải làm thế nào, cứ để chơi với nhau nhiều sợ nó ảnh hưởng tính. Mà không cho chơi thì cũng không được”, chị Lan than thở.

Chia sẻ với tình huống này, chuyên gia giáo dục - giới tính, BS Nguyễn Lan Hải cho KTGĐ biết, rất nhiều bậc cha mẹ tin rằng, cần phải dạy trẻ em về sự chia sẻ, sao cho điều đó trở thành một thói quen trong cuộc sống. Thế là những em bé “có giáo dục” bị người lớn ép buộc phải chia sẻ thứ mà bé yêu thích cho người khác với một niềm tin rằng tất thắng rằng: làm vậy mới thực sự là một “bé ngoan”. Nếu không, dù có giữ được món đồ của mình thì trẻ cũng chẳng vui vẻ gì khi bị gán cho tội “trùm sò”, “ki bo”, “kẹt xỉ”, “thần giữ của” thậm chí bị “tiên tri” rằng mai mốt cũng chỉ là “kẻ ích kỷ”, “khó ưa”...

“Và đây là một quan niệm hết sức sai lầm”, BS Lan Hải nhấn mạnh.

Theo đó vị chuyên gia này đặt câu hỏi, bố mẹ đã bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh đó của con chưa? Đã bao giờ bố mẹ cũng không muốn chia sẻ đồ đạc cá nhân với ai đó chưa? Kiểu như, vừa có một đôi dép đẹp đến cơ quan thì đồng nghiệp không thân vồ lấy đòi thử và mượn ngay chỉ vì… “nó quá đẹp với em/chị”? Hay cái kính hàng hiệu ki cóp mãi mới sắm được liền bị cô bạn cùng phòng giật lấy đeo thử cả buổi và cứ kéo tuột ra sau gáy cho có vẻ “sành điệu” để rồi gọng kính bị doãng ra mỗi lần đeo lại tụt xuống mũi? Đi đôi giày da xinh xắn cỡ 36 bị cả hội “con Cám” có bàn chân ngoại cỡ xỏ ra xỏ vào thậm chí có cả bạn đòi mượn… để đi ăn cưới đứa cháu ở quê cuối tuần? BS Lan Hải khẳng định, không ít lần người lớn cũng từng gặp cảnh khó xử “tương tự” như trẻ con. Vì thế, đừng ép trẻ làm những việc mà chúng không muốn.

BS Lan Hải cho biết: Có người mẹ đã dạy con đức tính chia sẻ bằng cách mở heo đất rồi dắt con đi mua dụng cụ học tập đồng thời mua một món mới tặng bạn nghèo, soạn sách truyện mình đã “hết tuổi đọc” cho các bạn nhỏ hơn, tuân thủ luật chơi trong các trò chơi tập thể, chấp nhận thua khi mình chưa giỏi bằng bạn, không vênh váo khi thắng cuộc. Rõ ràng việc tự nguyện nhường nhịn bao giờ cũng vui hơn.

Hay có những bậc phụ huynh khác lại rèn cho con cách tự nguyện chia sẻ bằng cách luôn hỏi mượn trước khi lấy món đồ nào đó của con, và yêu cầu những người khác, kể cả các bé khác cũng làm như thế. Khuyến khích bé cho mượn nhưng cũng phải chấp nhận tình huống bé kiên quyết nói “không”. Ngược lại, yêu cầu bé tôn trọng quyền sở hữu của các bạn khác, của những thành viên khác trong gia đình bằng cách hỏi mượn trước khi lấy đồ của ai đó.

“Bố mẹ thay vì ép buộc hãy khích lệ con. Thật lòng, tôi không tán thành “chiêu” tước quyền lợi của con khi con mắc lỗi (điểm xấu, làm sai làm hỏng việc gì, không vâng lời cha mẹ,...) theo nguyên tắc “một đổi một”, BS Lan Hải nói.

Bởi theo diễn biến tâm lý thông thường, việc tước đoạt một thứ gì đó của trẻ (đồ chơi yêu thích, quyển truyện hay, món ăn ngon, giờ xem hoạt hình...) không phải một hình thức kỷ luật hiệu quả mà chỉ khiến bé hiểu rằng, cha mẹ là người đầy quyền lực, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Biện pháp mạnh như thế làm trẻ buồn và đề phòng chứ không giúp nó nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa. Thậm chí điều này càng sai nếu đưa ra mức án phạt không theo lỗi của trẻ mà tùy thuộc phần nhiều vào tâm trạng của người lớn hoặc trừng phạt con xong, ngay sau đó lại tha thứ và bù đắp.

“Bạn không nhất thiết phải khuyên bảo con cố để được mọi người xung quanh yêu quý. Khả năng hòa hợp và giao tiếp rất quan trọng nhưng đừng dạy bé phải cố làm hài lòng tất cả. Bởi để làm mọi người yêu quý, con bạn sẽ phải hy sinh những sở thích hay mục tiêu của mình. Đừng ép trẻ nhường đồ chơi của mình để làm vui lòng ai đó”, chuyên gia Lan Hải nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất