| Hotline: 0983.970.780

Có nên lấy người 'bám váy mẹ'

Thứ Hai 24/02/2020 , 14:01 (GMT+7)

Mẹ anh cởi mở, không phải kiểu khó tính, khó khăn. Nhưng đúng là bà chăm sóc anh hơi quá, lộ liễu.

Ảnh minh họa: sưu tầm internet.

Ảnh minh họa: sưu tầm internet.

Cô kính mến!

Khi cháu biết anh, thì anh cũng vừa ly dị vợ. Do công việc, tiếp xúc nên biết, vậy thôi cô. Không ngờ, một năm sau anh thổ lộ, anh có cảm tình với cháu, anh đang theo đuổi cháu và sẽ theo đuổi khi nào cháu gật đầu thì thôi.

Cháu là đứa có công việc mà nhiều người mơ ước, thu nhập không thua kém anh. Cháu cũng không còn ngây thơ trong trắng để lấy chồng rồi tựa vào vai chồng. Anh thì đã có một con và đứa bé trai ấy sống với mẹ nó. Vợ cũ của anh cũng chưa lấy chồng, họ bỏ nhau là vì anh con một mà mẹ anh thì quá chăm chút cho con trai. Chính anh nói mẹ làm như con còn đi tiểu học.

Cháu ngại nhất nguyên do đó nên hay gặng hỏi. Thì ra mẹ muốn sở hữu anh, mẹ thao túng anh, mẹ chỉ đạo, mẹ ỷ thế, mẹ cậy quyền. Cháu nghĩ, trời ơi, vậy là anh sẽ không bao giờ hạnh phúc với cô nào cả. Một mẹ một con sống với nhau đi, sống thời gian rồi đưa đứa cháu nội trai kia về nuôi, giải phóng cho người ta đi lấy chồng đi.

Nói vậy chứ đàn ông và bà nội giành con với mẹ nó đâu phải dễ, đúng không cô? Rồi anh cũng cưa đổ cháu, đưa cháu về nhà mẹ anh ở ven thị xã đây thôi. Thú thật khi anh mới thổ lộ, cháu đã thử phóng xe qua lại chỗ đó để quan sát, xem coi nó như thế nào, có ghê gớm như hình dung của cháu hay không.

Một khu vườn ngăn nắp, hoa kiểng, cây ăn trái, nhà ngói cổ, anh nói là nhà thừa kế từ ông bà nội. Cháu thập thò, sợ run cả hai đầu gối, sợ bị phát giác.

Mẹ anh cởi mở, không phải kiểu khó tính, khó khăn. Nhưng đúng là bà chăm sóc anh hơi quá, lộ liễu. Hôm đầu tiên ấy bà cứ giục anh ăn đi, gắp cho anh chớ không gắp cho cháu. Rồi bắt anh đi tắm, đưa khăn tắm, rồi đứng chờ đưa cho anh cái quần short mới mua, bắt anh phải mặc để mẹ ngắm. Anh nhăn nhó, anh ngượng với cháu nhưng anh cũng rất chiều mẹ.

Cháu muốn đi đến cùng. Nhưng sao cháu cũng chưa thấy thoải mái. Cháu sợ cách chi phối con của mẹ anh.

---------------------

Cháu thân mến!

Người Việt mình quan niệm “nhất con nhì của”, ngày nay lại ít con nữa nên rất nhiều gia đình nuôi con kiểu nuôi vua. Ở đây không chỉ là trai một mà còn là đứa con duy nhất, là độc đinh, một cây một trái nên việc cháu kể qua, rất dễ hình dung.

Một đứa con trai người Việt, do văn hóa và lối sống, cậu ta hay bị mắc kẹt giữa mẹ ruột và vợ mình. Bên hiếu bên tình, đó là cuộc giằng xé không đáng có. Vì sao cô nói không đáng? Là vì theo quan niệm thông thường, đơn giản và văn minh, đứa con được sinh ra một cách ngẫu hứng, từ tình yêu và hạnh phúc (có khi chẳng yêu chẳng hạnh phúc gì mấy).

Chúng ta sinh đứa con là do nhu cầu cảm xúc, nhu cầu tự nhiên của mình. Sinh thì phải nuôi, cái công mang và công nuôi công dưỡng, công dạy dỗ dĩ nhiên vô cùng lớn. Nhưng khi nó trưởng thành, nó là cá thể càng ngày càng độc lập và bình đẳng với cha mẹ của nó, phải như vậy.

Vì nó dù chưa lấy vợ thì nó cũng là một cá nhân có lãnh địa tinh thần riêng: sở thích, nhu cầu, công việc, sự nghiệp, danh tiếng…Ở các nước văn minh tiên tiến, người ta để con tự lựa chọn tất cả và xác lập khoảng cách với con ngay từ khi nó 18 tuổi. Đó là khoa học và quy luật.

Yêu con, chăm bẵm quá như mẹ chồng tương lai của cháu có thể là một thứ bệnh, bệnh tâm lý. Dĩ nhiên con là sở hữu, dẫn tới trị vì nó, ôm cứng nó, ra mệnh lệnh cho nó, làm tất cả để xoay quanh nó.

Người phụ nữ như vậy sâu xa là ghen với vợ của nó, một người phụ nữ thứ hai trong đời của nó, từ khi cưới vợ là sẽ có quyền với cuộc đời của nó. Làm sao người con trai có hạnh phúc riêng được? Ấy là chưa nói việc bà mẹ sẽ xét nét ghê gớm nàng dâu khiến đôi trẻ phải tan vỡ.

Cháu nên cân nhắc. Không ở chung, đó là điều kiện tiên quyết. Để tránh vết xe đổ của cuộc hôn nhân đầu của cậu ấy. Không nghe cháu nhắc đến ba của cậu ta, bà mẹ đang ở góa hay ly dị hay là?

Nếu bà ấy sống một mình, không sao, nhà và vườn, cứ giữ nguyên trạng vậy, nữa mẹ già, tính tiếp. Và dù gì, bà ấy cũng đã có cháu nội trai, lá rụng về cội, biết đâu đứa bé ấy sẽ tới lui và là liều thuốc tinh thần của bà nội khi về già.

Biết rõ thì sẽ có cách đặc trị. Cô nghĩ, con trai có hiếu là đứa tử tế, nhưng không có nghĩa là mẹ sẽ cầm tay chỉ việc, dỗ dành, đút nhét, quặp con ở trong lòng không cho nó thoát. Thế nhé, cẩn trọng, cân nhắc và thảo luận với cậu ấy những nguyên tắc sống cho cháu, cho cả hai và cho cả bà mẹ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.