| Hotline: 0983.970.780

Có nên xã hội hóa Đại học Phạm Văn Đồng?

Thứ Ba 29/01/2019 , 14:01 (GMT+7)

Trường ĐH mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở tỉnh Quảng Ngãi có diện tích gần 30ha. Các giảng viên ở trường tâm tư vì không gian rộng lớn này sắp giao cho Nguyễn Hoàng Group theo lộ trình xã hội hóa.

TS Nguyễn Đăng Vũ và nhiều giảng viên ĐH Phạm Văn Đồng đều tỏ ý lo lắng, khi chủ trương xã hội hóa nhà trường thực hiện từ năm 2017 và hiện nay, tỉnh đã có ý định bàn giao toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất của trường cho Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Dược phẩm Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Group). Đơn vị này đang xây dựng một ngôi trường thuộc dự án thành phố giáo dục trên khuôn viên 9,3ha tại khu đất vàng Ngọc Bảo Viên, đối diện ĐH Phạm Văn Đồng.

16-35-01_1_truong_phm_vn_dong_2_25
Trường ĐH Phạm Văn Đồng hiện nay nằm trong khu đất vàng

Nhắc đến ĐH Phạm Văn Đồng, nhiều người thường nói đến trường và đất. Vì trên diện tích gần 30ha, trường mới xây dựng giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 bao gồm xưởng công nghệ, khu thể thao đa năng, hội trường…nhưng tỉnh Quảng Ngãi không bố trí vốn. Vì vậy, khu đất rộng mênh mông này phải thuê người cắt cỏ. Trong 3 năm gần đây, TP Quảng Ngãi mở rộng, nối trục đường chính đi qua cổng trường, nên khu đất luôn nằm trong “tầm quan sát” của nhiều người.

Chuyện tỉnh Quảng Ngãi khép dần “hầu bao” nuôi trường đã được thực hiện vài năm trở lại đây. Năm 2019, trường tự chủ tài chính 65% và tự chủ hoàn toàn vào năm 2022. Những năm trước, tỉnh chi ngân sách cho trường mỗi năm khoảng 50 tỷ, giảm xuống 34 tỷ và hiện nay là 24 tỷ. TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết, căn cứ Thông tư 38 về hỗ trợ đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm tỉnh phải cấp cho trường 38 tỷ. Vì ngành sư phạm vẫn được bao cấp. Hiện nhà trường phải liên kết đào tạo và mỗi năm làm ra thêm 34 tỷ để cân đối.

Trường đang đào tạo và liên kết đào tạo 38 ngành, gồm 11 ngành bậc đại học, 24 ngành bậc cao đẳng, 3 ngành bậc trung cấp chuyên nghiệp để cung cấp nhân lực cho xã hội; trường liên kết với VVOB Flamăng của Vương quốc Bỉ để tổ chức dự án giáo dục phổ thông; đào tạo sinh viên Lào, liên kết với Đại học Cao Hùng của Đài Loan, Đại học Bắc Hà của Trung Quốc để đào tạo sinh viên. 350 sinh viên Lào đang học tại trường.

TS Vũ cho biết, việc xã hội hóa là đúng nhưng nhà trường hầu như không nắm bắt được nội dung, vì không nằm trong ban thành viên để có tiếng nói, trong khi đúng ra nhà trường phải là người viết đề án. Ông Phạm Đình Chinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của trường chia sẻ, xã hội hóa nhà trường đồng tình, nhưng phải minh bạch, công khai và cân nhắc không để trường bị tư nhân hóa.

Ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rang: "Công ty họ tính toán lợi nhuận, có khi mặt bằng mình quy hoạch vậy và ảnh thấy lãng phí quá thì xin xây dựng khu dân cư, vì vậy phải thận trọng, giao cho các ngành chức năng nghiên cứu kỹ và cần thiết thì phải có tranh luận, tôi từng là lãnh đạo, giờ là dân và tôi không đồng tình với cách làm của tỉnh".

Ông Vũ chia sẻ tâm tư là trường đang cố gắng để tự chủ, sinh viên liên tục đạt giải Olympic toán học, tiếng Anh, Sao Tháng Giêng, 7 công trình khoa học, là trường ĐH địa phương đầu tiên được Bộ GD- ĐT công nhận đạt chuẩn, nhưng nỗ lực không được ghi nhận.

Vì tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi, có ý kiến còn cho rằng, trường có 350 giảng viên, đào tạo 300 sinh viên/năm. Trong khi thực tế học viên đang theo học tại trường là 2.598 sinh viên; hệ liên thông là 3.000 sinh viên, trường vừa đào tạo đại học, vừa liên kết đào tạo thạc sỹ, công nhân tay nghề cao.

Điều mà giáo viên trong trường hốt hoảng, đó là không biết trước số phận của mình trôi về đâu, vì trong ban thực hiện cơ chế tự chủ này không có đại diện nhà trường, mọi người chỉ đoán mò và đều ngả theo xu hướng, trường sẽ bị phân lô bán nền.

Vì báo chí tại Đà Nẵng đang rầm rộ vụ việc Nguyễn Hoàng Group xin mua rẻ 5.000 m2 đất để xây dựng trường, nhưng sau quay sang xin phân lô. Một số doanh nghiệp không nêu tên chia sẻ, đừng đổ lỗi cho doanh nghiệp, vì nếu chính quyền không bật đèn xanh thì 10 doanh nghiệp cũng không làm gì được.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.