| Hotline: 0983.970.780

Có những người nghèo không biết Tết

Thứ Tư 10/02/2010 , 10:20 (GMT+7)

Với họ, cái Tết đến chỉ là dịp khắc sâu thêm nỗi đau nghèo khổ và là một thời điểm nhạy cảm đầy khó khăn khiến họ phải chạy vạy cái ăn, cái mặc cho gia đình, con cái để gọi là đón xuân về.

Tân Lập thuộc huyện Tân Thạnh (Long An) là một trong những xã nghèo vùng sâu thuộc khu vực Đồng Tháp Mười. Toàn xã có gần 250 hộ nghèo, trong đó có trên 150 gia đình thuộc diện chính sách. Đời sống của người nông dân ở đây chủ yếu dựa vào cây lúa, không có điều kiện chăn nuôi hoặc trồng trọt hoa màu gì thêm. Với họ, cái Tết đến chỉ là dịp khắc sâu thêm nỗi đau nghèo khổ và là một thời điểm nhạy cảm đầy khó khăn khiến họ phải chạy vạy cái ăn, cái mặc cho gia đình, con cái để gọi là đón xuân về.

Ông Đặng Văn Thơm.
Nhìn chung, điều kiện hạ tầng của xã còn nhiều khó khăn. Giao thông nông thôn còn nhiều hạn chế. Nước sinh hoạt cũng chưa đáp ứng đủ cho mọi người dân. Những hộ nghèo là những gia đình có vài công ruộng nhưng đông nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ này ở mức rất thấp, dưới 400 nghìn/ tháng theo tiêu chuẩn hộ nghèo của tỉnh đề ra. Cá biệt, có nhiều hộ, tuy sống giữa vùng đất nổi tiếng “cò bay thẳng cánh”, nhưng lại không có “ đất chọi chim”, phải thuê mướn ruộng làm lúa để kiếm ăn qua ngày.

Các hộ ông, bà Trương Văn Truyền, Nguễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Hằng ở ấp 6; Lê Văn Năm, Trần Thị Hoa, Nguyễn Văn Mau ở ấp 5; Nguyễn Thị Minh, Đặng Văn Thơm, Trịnh Văn Tuồng ở ấp 4; Nguyễn Thị Quận ở ấp 3; Lê Thị Y ở ấp 7, Hồ Văn Để ở ấp Hải Hưng… là những hộ có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, cần được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt trong số này là những trường hợp rất thương tâm như:

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh, gia đình thuộc diện nghèo, chỉ có 2 công ruộng. Riêng bà bị bệnh cột sống đã mười mấy năm nay, hàng ngày bà không đi lại đuợc, chỉ nằm một chỗ. Mọi việc trông cậy vào đứa con út vừa làm mướn, vừa trông nom, thuốc thang cho bà.

Gia đình ông Đặng Văn Thơm, hai vợ chồng già đã trên bảy mươi tuổi, không con cái, không đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo, nhà lá tạm bợ, dột nát, không có khả năng cất lại. Riêng, ông lại bị thương tật mất một chân, nên cũng không có khả năng lao động được gì nhiều.

Hoàn cảnh ông Lê Văn Năm, sinh năm 1921, ở ấp Bằng Lăng, cũng rất cần sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt. Ở tuổi 90, ông sống đơn độc, không con cái, nhà cửa tạm bợ, dột nát. Cái ăn, cái mặc chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ, đùm bọc của bà con lối xóm.

Hoàn cảnh của ông Hồ Văn Để, ấp Hải Hưng thuộc hộ nghèo “triền miên”, khó có điều kiện thoát nghèo. Lí do, gia đình có 4 nhân khẩu, lại không có đất sản xuất, mà ông thì bị tật nguyền cả hai chân, phải đi bằng ghế ngồi.

Bà Nguyễn Thị Minh.
Ngoài những gia đình có người già, neo đơn, còn có những hộ gia đình nghèo có trẻ em ở vào diện tuổi đi học. Bằng nỗ lực của gia đình, họ khó có điều kiện cho con đến trường, nếu không được sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng, xã hội. Cụ thể như hoàn cảnh của em Lê Thị Ngọc Hạnh, không có cha, mẹ em lại có gia đình khác, có con thêm. Gia đình của mẹ và ba dượng em cũng nghèo, sống bằng nghề làm mướn, nên em phải sống với ông bà ngoại. Ông bà ngoại em cũng nghèo, chỉ có 3 công đất, nên việc em theo học được tới lớp 6 cũng là một cố gắng lớn từ bản thân em và sự giúp đỡ cộng đồng.

Trường hợp của em Lê Chí Bình, học sinh lớp 6, cũng rơi vào hoàn cảnh gia đình đông con, cha mẹ nghèo không có đất sản xuất, phải đi làm mướn, nên gửi em cho ông bà nuôi. Điều kiện của ông bà ngoại thì cũng không khá gì hơn. Ông bà cũng không có đất, lại đã già nên cũng không đủ khả năng lo cho em cái ăn cái mặc, nói chi đến điều kiện đến trường đề học tập.

Đặc biệt, có trường hợp em Trương Văn Chắc, ấp Kênh Đạo, thuộc diện nghèo; mẹ em trước là thương binh, nay đã qua đời. Hiện tại, em không còn cha mẹ, anh chị đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng nghèo, không có khả năng giúp đỡ, nên em sống tự lập một mình với sự hỗ trợ của địa phương, xã hội. Nhưng chí vượt khó của em đáng được biểu dương; vì hiện giờ, em vẫn còn tiếp tục theo học lớp 8 ở bậc học trung học cơ sở.

Ngoài ra, còn có hoàn cảnh em Võ Thành Nước, học sinh lớp 7, ấp Hải Hưng, sống với bà ngoại, cũng thuộc diện hộ nghèo; em Nguyễn Thành Tâm học sinh lớp 7, hộ nghèo, cha bị bại liệt, mẹ phải làm thuê kiếm sống; em Huỳnh Nguyễn Chí Hào, học sinh tiểu học, mẹ bỏ đi, cha em vừa phải “cảnh gà trống nuôi con”, vừa phải làm thuê kiếm sống, vì không có đất sản xuất…

Tết đến đối với những gia đình nghèo ở xã Tân Lập là mùa của những lo toan, khó khăn, là thời điểm mà những con người lam lũ cảm nhận rõ hơn, sâu hơn nỗi đau nghèo khổ của mình. Hy vọng, mai đây những cảnh đời bất hạnh này sẽ được những vòng tay nhân ái của xã hội giúp đỡ, để Tân Lập có được niềm vui, tiếng cười hạnh phúc mỗi dịp xuân về.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.