| Hotline: 0983.970.780

Có nước sạch, bệnh tật được đẩy lùi

Thứ Hai 21/10/2013 , 11:06 (GMT+7)

Công trình cấp nước sinh hoạt Đồng Dài, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết được bài toán nước sạch cho người dân nơi đây...

Sau hơn hai năm đi vào sử dụng, công trình cấp nước sinh hoạt Đồng Dài, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang không chỉ giải quyết được bài toán nước sạch cho người dân nơi đây, mà còn chứng minh một thực tế: Để khai thác hiệu quả, lâu dài các công trình cấp nước sinh hoạt, công tác quản lý, vận hành cùng sự chung tay bảo vệ của người dân có vai trò rất quan trọng.

Ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch xã Thượng Ấm cho biết: Công trình cấp nước sinh hoạt Đồng Dài là công trình hạ tầng cấp 4 được xây dựng với hệ thống xử lý nước đồng bộ đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; bể chứa tạo áp với dung tích chứa 50 m3; tổng chiều dài ống chính hơn 6km.

Nó đảm bảo cung cấp nước sạch cho 183 hộ dân thôn Đồng Dài và trường mầm non, UBND xã Thượng Ấm. Công trình được đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 900 triệu đồng bằng ngày công lao động, số còn lại lấy từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.


Kiểm tra công trình là việc làm thường xuyên của ban quản lý công trình cấp nước 
Đồng Dài

Ngay sau khi công trình đi vào sử dụng, xã đã thành lập ban quản lý công trình với hai thành viên. Ban quản lý công trình có nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa, khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo công trình luôn vận hành tốt. Đồng thời, UBND xã cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình.

Ông Lê Quang Tiến, trưởng thôn Đồng Dài, đồng thời cũng là trưởng ban quản lý công trình cấp nước sinh hoạt Đồng Dài cho biết: Những tháng đầu khi công trình đi vào sử dụng, nước được mở để cung cấp cho người dân 24/24, nhưng do nhu cầu sử dụng của người dân còn ít nếu cứ vận hành như thế sẽ rất lãng phí, nên về sau ban quản lý và người dân thống nhất chỉ mở nước theo giờ, cách hai ngày mở nước một lần để tránh lãng phí điện bơm nước.

Hiện nay, ban quản lý thường bơm nước cho bà con từ 5 đến 6h chiều. Lúc đó người dân có thể lấy nước vào bể của gia đình để tích trữ dùng dần. Nếu như trong thôn, hộ gia đình nào có việc phải dùng nhiều nước, ban quản lý sẽ mở nước để mọi người dùng mà không lo thiếu nước. Hàng tháng, ban quản lý sẽ đến từng hộ gia đình để kiểm tra đồng hồ công tơ nước và thu tiền nước. Số tiền này sẽ được quay vòng để phục vụ cho việc quản lý, vận hành công trình cấp nước...

Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, gắn lợi ích và nghĩa vụ của người dân với công trình, nên hơn 6km đường ống dẫn nước từ công trình đến các hộ gia đình trong thôn vẫn đảm bảo hoạt động tốt và chưa từng xảy ra sự cố sau hơn hai năm đưa vào sử dụng.

Anh Mè Văn Phong, thôn Đồng Dài cho biết: Trước đây gia đình anh đã phải khoan 4 cái giếng nhưng vẫn không có nước sinh hoạt. Sau đó, gia đình anh phải đào giếng gần bờ mương để nước từ mương, ruộng ngấm vào giếng để lấy nước sinh hoạt. Không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều gia đình khác trong thôn phải dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh này suốt thời gian dài. Khi có công trình cấp nước sinh hoạt mọi người không ai bảo ai cùng nhau bảo vệ công trình. Đường ống nước chạy qua nhà nào, nhà đó phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.


Được sử dụng nước sạch là mong ước của gia đình anh Mè Văn Phong cũng như nhiều hộ dân thôn Đồng Dài nay đã thành sự thực

Chia sẻ thêm với chúng tôi về lợi ích của công trình, ông Liên cho biết: Nước ở vùng này chứa rất nhiều đá vôi, có nhiều gia đình trước kia dùng nước giếng khoan và dùng bình lọc nước nhưng chưa đầy một tuần là củ lọc trong bình nước đen và có nhớt. Biết là nguồn nước ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải dùng trong nỗi lo sợ về bệnh tật.

Bởi thôn có 183 hộ dân, trong đó có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chỉ có gia đình nào có điều kiện mới dùng bình lọc nước, còn lại là dùng nước trực tiếp từ giếng lên.

Từ khi có công trình cấp nước sinh hoạt, người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, các loại bệnh thường mắc phải khi sử dụng nước ô nhiễm như đau mắt, viêm da, các loại bệnh về đường ruột... đã giảm đi rất nhiều. Công trình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Ông Vi Anh Đức, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Tuyên Quang cho biết: Để đảm bảo chất lượng hoạt động cũng như tuổi thọ của các công trình cấp nước sinh hoạt, ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình, Trung tâm đã tiến hành truyên truyền đến người dân về quyền, lợi ích và nghĩa vụ khi sử dụng công trình.

Đồng thời, đề nghị địa phương cử người đi học tại các lớp tập huấn do Trung tâm đào tạo và cấp chứng chỉ. Đảm bảo người học có đủ kiến thức chuyên môn để quản lý, vận hành, khai thác công trình một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành hỗ trợ kinh phí từ 3 đến 6 tháng cho ban quản lý công trình ở mỗi địa phương để tạo nguồn vốn ban đầu cho việc quản lý công trình sau này. Vì thế, các công trình cấp nước có tuổi thọ lâu và ít bị hư hỏng đến mức phải ngừng hoạt động.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.