| Hotline: 0983.970.780

Có ông quan huyện lộng hành!

Thứ Ba 11/02/2014 , 09:39 (GMT+7)

Gần 40 hộ dân thuộc xã Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông, Tân Lộc và một số hộ thuộc xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã kéo đến trụ sở làm việc của UBND huyện Thới Bình để yêu cầu xử lý vụ việc một cán bộ của huyện này đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm...

Sáng ngày 9/2, tin từ người dân địa phương cho biết, khoảng 8 giờ ngày 8/2, gần 40 hộ dân thuộc xã Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông, Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và một số hộ thuộc xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (có đất ở xã Tân Lộc Bắc) đã kéo đến trụ sở làm việc của UBND huyện Thới Bình để yêu cầu xử lý vụ việc một cán bộ của huyện này đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân nhiều năm qua.


Bà con ở ấp 5, xã Tân Lộc Bắc trình bày với phóng viên

Xem thường cán bộ địa phương

Nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân, sáng ngày 9/2, phóng viên ngược về kênh Đìa Bèo thuộc ấp 5, xã Tân Lộc Bắc để tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc. Tiếp xúc, nhiều hộ dân nơi đây cho biết, tình trạng ông Đặng Hoàng Nam (cán bộ thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thới Bình) đưa nước mặn vào vùng khép kín sản xuất lúa 2 vụ/năm để nuôi tôm đã kéo dài từ năm 2008 đến nay nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ông này xem thường chủ trương của địa phương, xem thường cán bộ xã.

Như vậy, từ khi ông Nam tự ý cho nước mặn vào vùng sản xuất lúa 2 vụ/năm để nuôi đã trải qua thời gian 6 năm, các hộ dân nhiều lần yêu cầu cấp thẩm quyền từ tỉnh đến xã can thiệp. Nhiều lần địa phương đứng ra giải quyết, nhưng ông Nam đều bỏ ngoài tai.

Cụ thể vào ngày 31/3/2011, sau khi tiến hành xác minh theo yêu cầu của người dân, ông Nguyễn Văn Phước, khi đó là Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc (nay là Phó bí thư thường trực) đã ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND về việc xử phạt hành chính mức cảnh cáo đối với ông Nam hành vi tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa khép kín gây ảnh hưởng nghiêm trọng các hộ sản xuất xung quanh, nhưng ông Nam bất chấp, không nhận quyết định, không ký tên trong biên bản giao nhận quyết định và địa phương cũng phải… bó tay.

Không dừng lại đó, ông Nam còn xem ý kiến của Chủ tịch UBND huyện chẳng ra gì. Theo biên bản họp các hộ dân nói trên vào ngày 3/5/2012 tại nhà sinh hoạt văn hóa xã Tân Lộc Bắc, ông Huỳnh Quốc Hoàng (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình) đã có ý kiến chỉ đạo: “Huyện đang có chủ trương giữ nguyên diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm nên việc cá nhân hoặc tổ chức tự ý phá vỡ quy hoạch, gây thiệt hại kinh tế đối với người khác thì phải bị xử lý vi phạm hành chính, nếu không khắc phục có thể sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật...”.

Ông Hoàng cũng đã nhìn nhận, việc làm của ông Nam là trái với chủ trương của huyện Thới Bình, đồng thời yêu cầu ông Nam phải khắc phục trong thời gian 7 ngày, nếu không khắc phục thì huyện sẽ lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, chỉ đạo vẫn chỉ là… chỉ đạo suông.

Ngày 28/2/2013, UBND xã Tân Lộc Bắc tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều hộ dân với nội dung tương tự. Ngày 30/4/2013, UBND xã Tân Lộc Bắc đã có báo cáo số 15/BC-UBND, trình UBND huyện. Nội dung báo cáo có ghi rõ: “Theo kết quả xác minh, ông Nam vẫn tiếp tục đưa nước mặn vào đất nuôi tôm bằng đường ống, mặt nước trên mặt đầm 0,2m, độ mặn 26‰. Đồng thời báo cáo còn ghi: là cán bộ đảng viên mà ông Nam không tuân thủ theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng thời gian, công việc của cán bộ địa phương, đồng thời gây bức xúc trong quần chúng nhân dân".

Thượng tắc trách, tất hạ tắc loạn!

Qua 6 năm, hàng chục hộ dân tại các địa phương nêu trên đã đội đơn yêu cầu khắp các cơ quan thẩm quyền từ xã, huyện, rồi đến tỉnh nhưng vẫn không nhận được kết quả gì mà tình trạng lại càng nghiêm trọng hơn. Đường cùng, ngày 8/2/2014, gần 40 hộ dân đã kéo đến UBND huyện Thới Bình phản đối, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện phải có biện pháp xử lý dứt điểm trong năm nay (2014), nếu không bà con sẽ “noi gương” theo “quan huyện”, tháo nước mặn phá lúa nuôi tôm.


Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc và biên bản bàn giao bị ông Nam phớt lờ!

Cũng theo người dân, diện tích đất bị ảnh hưởng mặn xung quanh khu vực của ông Nam lên đến khoảng 5ha, hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại. Bà con cho biết, đầu năm, khi mới bắt đầu xuống giống thì lúa của bà con vẫn phát triển bình thường, nhưng đến gần thu hoạch thì bị xèo lá, hạt bị lép dần, cuối cùng là… trắng tay.

Tiếp xúc với phóng viên, bà Hồ Thị Nga, một hộ dân có phần đất cạnh phần đất của ông Nam bức xúc nói: “Gần 6 năm qua, việc bơm nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm của gia đình ông Nam đã làm cho việc sản xuất lúa của gia đình tôi phải thất bát quanh năm, đời sống lâm vào cảnh khó khăn. Đã nhiều lần tôi yêu cầu xử lý nhưng ông Nam vẫn không khắc phục mà tình trạng ngày càng thậm tệ hơn. Lần này tôi yêu cầu UBND huyện xử lý dứt điểm buộc ông Nam phải bồi thường thiệt hại hằng năm cho gia đình tôi và các hộ bị thiệt hại”.

Ông Phạm Thanh Sơn thì bức xúc: “Nếu ông Nam là người dân bình thường như chúng tôi thì chắc có lẽ vụ việc đã được xử lý từ lâu. Tôi đã quyết tâm rằng, trong năm 2014 này nếu lãnh đạo các cấp không xử lý được thì tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất của mình sang nuôi tôm”.

Còn ông Danh Rum ở ấp 7, xã Tân Lộc: “Tôi không có ý định gây gối, nhưng thiết nghĩ lãnh đạo địa phương phải bênh vực quyền lợi của người dân và cán bộ thì phải noi gương cho dân mới đúng”. Ông Rum thông tin thêm, gia đình ông có đến 7 miệng ăn nhưng chỉ có 9 công đất sản xuất lúa. Gần 6 năm qua bị nhiễm mặn nên thất bát quanh năm, gia đình rơi cảnh túng quẫn không lối thoát, ông mong rằng trong năm 2014 này lãnh đạo huyện Thới Bình “mở lối thoát” cho gia đình ông cũng như các hộ bị nhiễm mặn lân cận.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện hứa với bà con rằng, thời gian tới, UBND huyện sẽ cử đoàn kiểm tra, xác minh và sẽ có câu trả lời dứt điểm với bà con trong thời gian sớm nhất có thể.

Tìm hiểu của phóng viên, được biết, tình trạng đưa nước mặn vào vùng sản xuất lúa khép kín ở huyện Thới Bình đã đến hồi báo động, một số “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Tân Phú, Tân Lộc Bắc… cũng đang dần bị thu hẹp. Nếu để tình trạng này kéo dài, cây lúa sẽ có nguy cơ biến mất khỏi huyện Thới Bình.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất