| Hotline: 0983.970.780

"Có phải con mẹ con cha..."

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Ít người biết rằng, Đô Kỳ được cho là nơi sinh ra vị vua anh minh, hùng tài đảm lược nhất trong lịch sử Việt Nam: Vua Lê Thánh Tông...

Nhìn bề ngoài, làng Đô Kỳ (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình) không khác bất kỳ một làng quê nào khác của tỉnh lúa, với vẻ bình lặng, êm đềm, với những khóm tre xanh và đồng lúa vàng rực hai vụ chiêm mùa.

Thế nhưng rất ít người biết rằng cách đây ngót sáu thế kỷ, Đô Kỳ từng là nơi định cư của một “Khai quốc công thần” triều Lê, và hơn thế nữa, làng quê này còn được cho là nơi sinh của vị vua anh minh, hùng tài đảm lược nhất trong lịch sử Việt Nam: Vua Lê Thánh Tông...

Thời trước, vùng đất mà ngày nay là các xã Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng thuộc huyện Hưng Hà thuộc về hai huyện Duyên Hà, Thần Khê của phủ Tiên Hưng trấn Sơn Nam Hạ. Hai làng Mậu Lâm, Đô Kỳ thời đó là xã Mậu Lâm và xã Đô Kỳ. Xã Mậu Lâm có 2 làng là làng Sâm, làng Sành. Xã Đô Kỳ có các làng Duyên Trường, Khánh Lai, An Nội, Phú Lễ, Đồng Phú, Phú Năng.


Tam quan chùa Đô Kỳ với cây thị trên 500 tuổi

Theo gia phả họ Đinh ở Đô Kỳ, thuỷ tổ họ này là cụ Đinh Thỉnh gốc làng Thuỷ Khối (nay thuộc Hoằng Hoá, Thanh Hoá) vốn là người học rộng biết nhiều, văn hay chữ tốt. Đinh Thỉnh dạy học ở nhà họ Phạm đất Đô Kỳ, lấy con gái nuôi của họ Phạm rồi định cư luôn ở quê vợ, sinh ra Đinh Tôn Nhân.

Biết Lê Lợi ở Lam Sơn là người anh hùng, nuôi chí diệt giặc Minh rửa nhục cho đất nước, Đinh Tôn Nhân tìm vào theo và được Lê Lợi rất yêu quý, gả em gái cho. Tôn Nhân sinh Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Khi Lê Lợi hội thề ở Lũng Nhai, xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ đều trở thành tướng lĩnh dưới cờ Bình Định Vương.

Trong trận vây thành Thăng Long, Đinh Lễ bị giặc bắt, do không chịu khuất phục nên ông bị Vương Thông giết, lúc đó ông mới có một người con gái nhỏ tên là Đinh Thị Ngọc Kế. Cha hy sinh, Ngọc Kế ở với chú là Đinh Liệt rồi sau lấy Ngô Từ, một vị tướng của Bình Định Vương, sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao, chính là mẹ của vua Lê Thánh Tông sau này.

Về vua Lê Thánh Tông, sử chính thống đều ghi là ngài sinh ở chùa Huy Văn (Hà Nội) vào ngày 20 tháng 7 năm Tân Dậu (1441), lên 3 tuổi được phong làm Bình Nguyên Vương. Nhưng những câu chuyện về ngài qua ký ức dân gian vùng Đô Kỳ thì lại khác...

Giặc tan, Đinh Liệt được vua ban cho đất Đô Kỳ làm trang ấp, ông sinh được hai con là Đinh Đột, Đỉnh Thế Hiển, Thế Hiển sinh Đinh Thế Thực, Đinh Thế Biểu... Lúc này, cung đình triều Lê rất nhiều chuyện rối ren. Vua Thái tổ (Lê Lợi) băng hà, Thái tông (Nguyên Long) kế vị mới 9 tuổi. Khi trưởng thành, nhà vua lập nhiều phi tần, trong đó có 3 người được ngài rất yêu quý là bà phi Dương Thị Bí, Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao.

Lúc đó, Dương Thị Bí đã sinh hoàng tử Nghi Dân và được vua lập làm Thái tử, Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng đã sinh hoàng tử Bang Cơ. Do sự dèm pha, vu khống của Nguyễn Thị Ngọc Anh, vua Thái tông phế bỏ Dương Thị Bí làm dân thường, truất ngôi Thái tử của Nghi Dân, chỉ phong làm Lạng Sơn vương, lập Bang Cơ làm Thái tử.

Khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao có mang, Nguyễn Thị Ngọc Anh sợ bà sinh con trai, sẽ có sự tranh dành địa vị Thái tử của con mình, nên để phòng xa, bà Nguyên phi này lại xúc xiểm, vu khống Tiệp dư họ Ngô với vua. Nghe theo lời xúc xiểm đó, vua Lê Thái Tông đã định giết hại bà, nhưng được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ra sức can ngăn, nên vua chỉ đày Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao ra chùa Huy Văn.

Có lẽ chính vì thế mà chính sử đã chép rằng vua Lê Thánh Tông sinh tại ngôi chùa này. Nhưng theo nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng (hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) thì vua Lê Thánh Tông không sinh ở chùa Huy Văn. Bằng sự nghiên cứu công phu các cuốn gia phả như “Ngô gia thế phả”, “Đinh tộc thế phả” ở Đông Đô, “ngọc phả họ Đinh” và “gia phả họ Đinh” ở Thanh Hoá, cùng với nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà sử học này đã cho rằng ở chùa Huy Văn được một thời gian, gần đến ngày sinh, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ.

Đô Kỳ ở xa kinh thành, là trang ấp của Đinh Liệt. Vừa là khai quốc công thần vừa giữ một chức vụ lớn ở triều đình, nên thế lực của Đinh Liệt ở Đô Kỳ rất lớn, hơn thế nữa mẹ đẻ của Tiệp dư, bà Đinh Thị Ngọc Kế lại đang ở Đô Kỳ với cháu là Đinh Thế Biểu, nên hoàn toàn có thể bảo vệ được cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh nở an toàn, tránh khỏi sự hãm hại của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và phe cánh.

Dân gian kể rằng khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì Tiệp dư họ Ngô trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng: “Có phải con mẹ, con cha/ Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê”. Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh”(Đại Việt sử ký toàn thư). Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đặt tên con là Lê Tư Thành.


Cầu Chày, tương truyền là nơi vua Lê Thánh Tông được sinh ra

Vì chuyện này mà vợ chồng Đinh Liệt bị bắt giam mấy năm trời, còn vợ chồng Nguyễn Trãi thì bị Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh để bụng thâm thù, và đó cũng chính là nguồn cơn của thảm án Lệ Chi Viên sau này.

Tại thôn Mậu Lâm xã Đông Đô ngày nay còn có đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến. Vốn là một bà lang mát tay, rất giỏi chữa bệnh bằng các loại dược thảo địa phương, tương truyền rằng chính bà là người đã đỡ đẻ cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao được mẹ tròn con vuông, và cũng là người cho hoàng tử Lê Tư Thành bú sữa của mình.


Đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến

Chuyện hoàng tử Lê Tư Thành - vua Lê Thánh Tông có sinh ở làng Đô Kỳ (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) hay không, với các nhà sử học, chắc sẽ còn nhiều bàn cãi, tranh luận. Chỉ biết rằng người dân xã Đông Đô ai cũng tin thế, và rất tự hào về điều đó.

Khi bà mất, vua Lê Thánh Tông đã sai lập đền thờ bà, cấp 17 mẫu ruộng để lấy sản phẩm hàng năm cúng tế. Trong đền có bức đại tự ghi ba chữ “Trung Nghĩa Nữ” và rất nhiều câu đối ca ngợi công lao của bà. Các triều đại sau sắc phong bà là “Thanh Cung Trình Kỳ Hộ Quốc”. Đền có một cây quéo (xoài) và một cây đa có tuổi đời trên 500 năm, tương truyền là chúng được trồng ngay sau khi đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến xây xong.

Tại làng Đô Kỳ hiện còn đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao và cạnh đó là một ngôi chùa, trước chùa có hai cây thị cũng trên 500 năm tuổi, chùa được cho là do Đinh Liệt xây dựng, và hai cây thị đó do chính tay ông trồng. Trong đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao có bức đại tự ghi 4 chữ “Lê Triều Quốc Mẫu”.

Tương truyền rằng đền chính là hậu thân của một hành cung mà vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng cho thân mẫu của mình ở, đặt tên là “Dụ Phúc Đường”. Khi Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất, dân làng và dòng họ Đinh đất Đô Kỳ mới tu sửa, biến hành cung thành đền thờ bà. Trước đây, ở 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc rìa làng Đô Kỳ còn có 4 cái miếu, dân làng vẫn gọi là Tứ Trấn hay Tứ Phủ, tượng trưng cho “Tứ Trấn bảo vệ kinh thành”, còn hành cung - sau này là đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao ở chính giữa...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.