| Hotline: 0983.970.780

Có phải tất cả các cháu nghi “mất tích” ở chùa Bồ Đề đã được tìm thấy?

Thứ Sáu 15/08/2014 , 14:00 (GMT+7)

"Bồ Đề là địa bàn đặc biệt phức tạp, nhưng gần như chỉ có lực lượng công an quản lý, còn các ban ngành liên quan không quan tâm nhiều. Hàng trăm con người như vậy, chúng tôi quản lý sao nổi"

Ngày 12-8-2014, đại diện một số ban ngành của Hà Nội cho biết, bước đầu xác định không có chuyện “mất tích” 11 đứa trẻ ở chùa Bồ Đề, như đơn đề nghị điều tra của một nhóm thiện nguyện. Phần lớn các cháu này đều đã được mẹ đẻ đưa về nuôi.

Trả lời báo chí, các ban ngành khẳng định cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ về 11 trường hợp này. Theo đó có 10 cháu được gia đình bố mẹ đẻ đón về hoặc đang sống cùng mẹ đẻ, người thân; 1 cháu được nhận làm con nuôi. Điều tra bước đầu cho thấy không có chuyện mua bán đối với 11 cháu bé này.

Theo cơ quan chức năng, khi các cháu này được nhận vào chùa Bồ Đề, nhà chùa đều đã đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. 

 
Phóng viên làm việc với gia đình ông Tháng

Làm việc với PV, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện nhóm thiện nguyện làm đơn yêu cầu điều tra về sự “mất tích” của các cháu đã chỉ ra những điều bất thường trong kết luận được các cơ quan chức năng công bố.

Cụ thể, chị Ngọc và nhóm của mình đề nghị cơ quan chức năng xác minh các cháu: Tùng Anh (gọi là Khoai, vào chùa Bồ Đề năm 2007), Việt Anh (vào chùa năm 2007), Minh Anh (năm 2007 được gần 1 tuổi), Duy Anh (vào chùa năm 2009), Bảo Anh (vào chùa năm 2009), Mai Anh (vào chùa năm 2009), Vi Anh (vào chùa năm 2009), Huy Anh (vào chùa năm 2012), Cù Triều Anh (vào chùa năm 2010), Tuấn Anh (vào chùa năm 2007), Cù Hoàng Anh (vào chùa năm 2010).

Trong khi đó, danh sách 11 cháu bé đã được các cơ quan chức năng đưa ra là: Cù Duy Anh (SN 2008), Kiều Vi Anh (SN 2009), Cù Huy Anh (SN 2012), Cù Tuấn Anh (SN 2008), Tuấn Anh (SN 2006), Triều Anh (SN 2007), Cù Hoàng Anh (SN 2011), Nguyễn Hoàng Anh (SN 2010), Cù Duy Anh (SN 2007), Cù Bảo Anh (SN 2008), Tùng Anh (SN 2007).

Theo chị Ngọc, khi đối chiếu, nhóm thiện nguyện thấy 3 cháu bé có tên trong đơn vẫn chưa được xác minh là Kiều Minh Anh, Cù Việt Anh và Kiều Mai Anh. Bên cạnh đó còn nhiều dấu hiệu bất thường khác.

Ngay sau khi có được bản danh sách 11 cháu mà các cơ quan chức năng công bố với truyền thông, chúng tôi đã đặt ra nhiều nghi ngờ và quyết định xác minh độc lập.

Một trường hợp khác mà nhóm thiện nguyện đặt dấu hỏi đó là cháu Huy Anh. Trả lời phỏng vấn báo chí, sư thầy Thích Đàm Lan khẳng định trong chùa không có ai là Huy Anh. Thế nhưng khi nhóm thiện nguyện có đơn, trong danh sách mới được xác minh của công an quận lại ghi rõ cháu Huy Anh đang sống tại chùa cùng mẹ là Nguyễn Thị Lan, 25 tuổi, quê ở Nghệ An.

Theo chị Ngọc, những thông tin không chính xác này khiến nhóm của chị nghi ngờ tính chân thực của danh sách các cháu đang ở trong chùa.

Trong bản danh sách có cháu Tùng Anh (SN 2007, tên khai sinh là Lâm Thuận Thiên) con chị Phan Thị Thuận (SN 1984, HKTT tại xóm 8, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định). Theo báo cáo xác minh, cháu Tùng Anh được mẹ đón về từ năm 2007, hiện đang sinh sống cùng mẹ tại địa chỉ trên.

Tại xóm 8, xã Xuân Châu, những người lớn tuổi sống vài chục năm tại xóm khẳng định, trong xóm không có ai tên Phan Thị Thuận và cả xã không có ai họ Lâm (chúng tôi đặt cả giả thiết đây là quê của bố cháu Tùng Anh).

Tại trụ sở UBND xã Xuân Châu, ông Phạm Văn Vinh - Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã, sau khi cùng các công an viên xem tất cả các sổ sách về nhân hộ khẩu của xã, khẳng định xóm 8 không có ai tên là Phan Thị Thuận, SN 1984.

Chúng tôi đề nghị ông Vinh tìm xem xã có người nào có tên họ gần giống, thì có trường hợp Phạm Thị Thuận, SN 1984. Tìm hiểu tại xã, chúng tôi được biết, gia cảnh của chị Thuận cực kỳ khó khăn. Bố đẻ chị Thuận là ông Phạm Văn Tháng có vấn đề về thần kinh. Hai người em chị Thuận cũng phát triển không bình thường. Nhà chỉ có Thuận, em gái tên Hòa và mẹ là minh mẫn.

Theo lời ông Tháng, gần chục năm trước, 4 người trong gia đình ông có đến chùa Bồ Đề xin ở lại để chữa bệnh. Được khoảng 3 năm, cả nhà lại đưa nhau về quê. Quá nghèo nên chỉ ở quê được ít hôm, vợ chồng ông Tháng đưa các con đi theo một người anh vào khai hoang tại Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Tại Lâm Đồng, 2 người con của ông Tháng xin vào một ngôi chùa để tu.

Thời điểm ở Lâm Đồng, chị Thuận yêu một người họ Lâm và có thai. Theo chị Phạm Thị Hòa, em gái chị Thuận, người yêu của Thuận bê tha rượu chè và mê cờ bạc. Khi biết tin chị Thuận có thai 5 đến 6 tháng, người này bỏ đi biệt tích. Cả ông Tháng, chị Hòa và bà nội chị Thuận đều cho biết chị Thuận đã đem cho đứa con ở một tỉnh miền Nam, nhưng không rõ tỉnh nào. 

Chuyện chị Thuận có đem con đến chùa Bồ Đề và bỏ lại đó hay không, không ai khẳng định được. Chỉ biết chị Thuận có lần đến chùa Bồ Đề chơi nhưng về ngay và lúc đó chưa mang thai.

Ông Tháng khẳng định, năm 2007, Thuận không mang con về nhà và cho đến nay chưa bao giờ cháu Lâm Thuận Thiên ở cùng mẹ tại xã Xuân Công. Đầu tháng 1-2014 âm lịch (ông Tháng chỉ nhớ ngày âm lịch), chị Thuận đã cùng người bác tên là Thông sang Trung Quốc làm ăn. Từ đó chị chưa về nhà và cả nhà cũng không ai biết con chị Thuận đang ở đâu - ông Tháng nói.

Như vậy là đã rõ. Trong trường hợp bản danh sách ghi chính xác tên tuổi thì xã Xuân Công không có ai là Phan Thị Thuận. Nếu danh sách ghi nhầm (Phạm Thị Thuận lại viết thành Phan Thị Thuận) tên thì chị Phạm Thị Thuận cũng không nuôi cháu Tùng Anh ở quê.

Đại úy Đinh Xuân Hiếu cho biết: “Ngay từ khi nhận quản lý khu vực, tôi đã biết đây là địa bàn phức tạp. Công tác quản lý trẻ em ở chùa cực kỳ lỏng lẻo. Mất 2 tháng nắm tình hình, tôi mới lập được một quy chế phối hợp giữa nhà chùa và công an phường về quản lý nhân hộ khẩu”.

Theo ông Hiếu, trên thực tế không có nhiều trẻ em bị bỏ rơi ở cổng chùa. Rất nhiều bảo mẫu trong chùa có con sống tại đây. Việc khai báo nhân hộ khẩu của chùa Bồ Đề còn tùy tiện, không đúng quy định. “Tự nhà chùa đón trẻ em và không thông tin cho công an phường. Chỉ khi công an biết mới khai báo” - ông Hiếu cho hay.

Trong tất cả các buổi làm việc với nhà chùa, ông Hiếu đều đề nghị chùa phải lập ban quản lý và tự giác hơn trong việc khai báo tạm trú, nhưng sư trụ trì chỉ nghe qua rồi lại phải đi tiếp khách. Từ khi ông Hiếu nhận công tác tại đây, trong chùa có 7 hay 8 trường hợp trẻ em chết, nhưng nhà chùa không khai báo. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao các cháu trong chùa có tên gần giống nhau thì ông Hiếu cười bảo: “Thì các bạn biết rồi đấy”.

Ông Hiếu nói thêm: Đây là địa bàn đặc biệt phức tạp, nhưng gần như chỉ có lực lượng công an quản lý, còn các ban ngành liên quan không quan tâm nhiều. Hàng trăm con người như vậy, chúng tôi quản lý sao nổi.

 

(congan.com.vn)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.