| Hotline: 0983.970.780

Cổ phần hóa DN thuộc Bộ còn nhiều khó khăn

Thứ Sáu 13/01/2012 , 09:48 (GMT+7)

Ngày 12/1, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2012- 2015.

Các DN cần tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực trong ngành

Ngày 12/1, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2012- 2015.

Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chủ trì. Hai vấn đề mấu chốt tại hội nghị lần này là cổ phần hóa các DN thuộc Bộ và xác định các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành.

Thiếu vốn để cổ phần hóa

Nhân có mặt của đại diện Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT cũng đang quan tâm đến hai vấn đề mấu chốt này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh 3 yêu cầu: Giải quyết khó khăn, vướng mắc để công việc kinh doanh của các DN thuận lợi hơn. Trong năm 2012 Thủ tướng Chính phủ cũng đã sắp xếp kế hoạch cổ phần hóa nên các DN phải có kế hoạch cụ thể để làm, nếu làm không được phải chịu trách nhiệm. Phải cùng nhau giải quyết vấn đề đang nóng bỏng hiện nay là đầu tư ngoài ngành. Dù vấn đề trong ngành hay ngoài ngành còn đang tranh cãi thì cũng phải tìm cách để giải quyết bởi Bộ trưởng đã hứa với Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết trước thời điểm 31/12/2011.

Về vấn đề cổ phần hóa các DN, Bộ trưởng hi vọng đây là dịp để tìm hiểu những khó khăn vướng mắc nhằm tìm cách tháo gỡ chứ không phải “nêu thành tích và kêu ca”.

Ngày 18/7/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nhằm tháo gỡ những vướng mắc làm chậm quá trình cổ phần hóa DN từ năm 2008 đến nay. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư ngày 28/9/2011 hướng dẫn phương pháp xác định giá trị vườn cây cao su khi cổ phần hóa, tiếp tục ban hành Thông tư hướng dẫn xác định giá trị tài sản đặc thù ngành nông nghiệp (chè, cà phê, cây lâm nghiệp), tạo điều kiện cổ phần hóa các DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ các năm 2012 đến 2015.

Năm 2011, các DN nhà nước thuộc Bộ (trừ TCT Dâu tằm tơ Việt Nam đang phải gấp rút tái cơ cấu tài chính) hoàn thành quy trình chuyển sang Cty TNHH 1 thành viên, chính thức hoạt động theo Luật DN. Bộ NN-PTNT cũng đã tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm thực hiện đầy đủ chức năng của chủ sở hữu vốn nhà nước đối với DN 100% vốn nhà nước.

Tính đến Quý I năm 2011 Bộ NN-PTNT có 5 DN làm nhiệm vụ công ích nhà nước giữ 100% vốn nhà nước đến năm 2015. Các DN sản xuất kinh doanh thuộc Bộ có 24 đầu mối DN phải tiếp tục sắp xếp đổi mới.

Vấn đề khó khăn nhất của các DN thuộc Bộ khi thực hiện cổ phần hóa là vốn và xác định tài sản. Đại diện các DN thuộc Bộ đều có chung nhận định: Vốn điều lệ của các DN ngành nông nghiệp nhìn chung là thấp. Mặt khác, việc tiếp xúc với các dự án đầu tư nước ngoài hết sức khó khăn do còn có nhiều chế tài cản trở.

Ông Lê Quang Thế, Tổng Cty Xây dựng thủy lợi 4- CTCP, một đơn vị đã hoàn thành việc cổ phần hóa từ năm 2009 bày tỏ lo ngại: “Sau khi cổ phần hóa, tỷ suất lợi nhuận của Tổng Cty tăng 23%, cổ tức từ 12-15%, nhưng vì vốn điều lệ ngành mình thấp, tỷ lệ vốn nông nghiệp trong DN theo 3 mức: 35%, 51%, 65%, trong khi vốn tín dụng, vốn vay trong điều kiện lãi suất này quá khó khăn nên các DN cổ phần hóa tiếp xúc không nổi với các dự án đầu tư nước ngoài".

Còn ông Bạch Quang Dũng, TCty Xây dựng NN- PTNT cho rằng số vốn điều lệ như hiện nay là cực ít để thực hiện việc cổ phần hóa. “Tổng Cty có 110 tỷ đồng thì 30 tỷ là nợ khó đòi, 40 tỷ đầu tư cho các Cty con nên chỉ còn 40 tỷ để kinh doanh. Trong khi số vốn để sản xuất kinh doanh theo nhu cầu lên tới 3.000 tỷ/năm. Mặc dù rất tích cực cổ phần hóa nhưng TCty Xây dựng NN-PTNT xin gia hạn đến năm 2013 thay vì kế hoạch năm 2012 để tiếp tục khắc phục khó khăn”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng yêu cầu các DN phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong vòng một năm, nhưng đại diện các DN đều cho rằng thời gian ấy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên rất khó chủ động.

Khẩn trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Mặc dù vậy, Bộ trưởng chỉ đạo, không chỉ Tập đoàn cao su mà những DN khác đầu tư ra ngoài ngành phải tìm hướng thoái vốn ngay lập tức và chấm dứt hoạt động đầu tư ra ngoài ngành.

Về vấn đề đầu tư ngoài ngành, hiện vẫn còn gây tranh cãi. Tham gia hội nghị có đại diện Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT nên Bộ trưởng hi vọng đây là dịp để làm sáng tỏ vấn đề này. Mặc dù vậy, hầu hết các đại biểu đều cần thêm thời gian và có sự phối hợp.

Ông Lê Văn An, Tổng Giám đốc TCty Cơ điện - xây dựng nông nghiệp và thủy lợi yêu cầu chỉ rõ thế nào là đầu tư trong ngành và ngoài ngành. Chẳng hạn như TCty cơ điện, chẳng lẽ đầu tư “trong ngành” là phân bón, thuốc BVTV. Trong khi việc đầu tư chính của TCty là đầu tư vào các công trình thủy điện. Bao năm nay TCty vẫn lấy thủy điện, cơ khí làm “nồi cơm” thì liệu có bị xem là ngoài ngành hay không?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ KH-ĐT khẳng định: Tiêu chí trong hay ngoài ngành của các DN chủ sở hữu là Bộ NN-PTNT quyết định. Tương tự vấn đề trong hay ngoài ngành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bị xoay nhiều nhất vì họ “bị” xác định đầu tư ngoài ngành lên tới 3.848 tỷ đồng. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư ngoài ngành lớn nhất hiện nay của Bộ NN- PTNT. Vậy nhưng, ông Phạm Trung Thái, đại diện tập đoàn khẳng định: Khái niệm trong hay ngoài ngành vẫn còn mơ hồ. Bởi những lĩnh vực mà tập đoàn đầu tư như khách sạn, chứng khoán… thì trong danh mục quy định ngành nghề kinh doanh khi thành lập lại có.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.